- Phát biểu với báo giới chiều nay (19/8( tại Hà Nội, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói cần sự cân bằng sức mạnh các quốc gia ở Biển Đông.
Thượng nghị sỹ Jim Webb đến Việt Nam, chặng dừng chân cuối cùng trong khuôn khổ chuyến thăm 5 quốc gia Đông Nam Á.
Ảnh: XL
Tại buổi tiếp Thượng nghị sỹ hôm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã trao đổi về tình hình và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, một số vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Thượng nghị sỹ Jim Webb ca ngợi "vai trò xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam với cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới".
Ông tin tưởng với kinh nghiệm và uy tín của mình, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010.
Chiều cùng ngày, ông Jim Webb cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
ASEAN: Khu vực sống còn đối với Mỹ
Gặp gỡ báo chí, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb đã nhấn mạnh vai trò của khu vực Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ. Ông dẫn lại lời của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng ASEAN là "khu vực sống còn" đối với Mỹ và mong muốn không chỉ cấp chính quyền mà người dân Mỹ sẽ hướng đến khu vực Đông Nam Á nhiều hơn.
"Mục đích chính của các chuyến thăm nhằm khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ, giúp nhân dân Mỹ hiểu khu vực này có tầm quan trọng đối với chúng tôi như thế nào", Thượng nghị sỹ nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay mỗi nước ASEAN có lịch sử khác nhau trong quan hệ với Mỹ. Với mục đích lắng nghe quan điểm của lãnh đạo ASEAN trong khu vực, chuyến thăm 5 nước Đông Nam Á giúp Mỹ gia tăng hiểu biết, gia tăng lợi ích trong quan hệ với khu vực ASEAN.
Về quan hệ với Việt Nam, Thượng nghị sỹ khẳng định ông có những dự cảm tích cực về tương lai quan hệ và giờ đây là "thời điểm tốt đẹp" để hai bên phát triển quan hệ song phương.
Cân bằng sức mạnh
Tại cuộc họp báo chiều 19/8, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan vấn đề Biển Đông:
- Ông đã có nhiều bình luận về tranh chấp liên quan đến Biển Đông, sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua. Trong chuyến đi đến các nước Đông Nam Á, ông có bàn luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo các nước? Quan điểm của Mỹ trong vấn đề này như thế nào?
Tôi muốn trả lời câu hỏi liên quan đến mối quan ngại về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trên bình diện rộng, không chỉ bó hẹp ở khu vực Biển Đông. Vấn đề ở Biển Đông quan trọng không đơn giản chỉ là vấn đề hải quân nước này đối chọi lại hải quân nước khác, mà vì sự cần thiết phải có cân bằng về sức mạnh quốc gia. Đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Tôi đã nêu vấn đề này nhiều năm qua.
Gần đây, tôi chủ trì phiên điều trần tại Thượng Viện Mỹ về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, ở quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa và một số quần đảo gần đó. Cần phải có sự cân bằng về sức mạnh của các quốc gia. Tôi đã thảo luận trong nhiều cuộc gặp gỡ và trong cuộc gặp gần đây nhất.
Điểm chủ chốt rất quan trọng, theo tôi đó là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử đối với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng khi mà có những quốc gia lớn mạnh khác đang nổi lên. Và tôi tin rằng điều này tốt cả về mặt kinh tế và ngoại giao đối với Mỹ, đối với những nước như Việt Nam, khi mà hiện đang có nước khác nổi lên.
- Là chuyên gia hiểu biết về Đông Á, xin ông bình luận về việc Trung Quốc vừa qua đưa ra tuyên bố chủ quyền của họ trên 80% diện tích ở Biển Đông, mà người Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa?
Tôi đã có cuộc thảo luận nhiều năm qua về vấn đề này. Tôi đã đề nghị Thượng viện Mỹ tổ chức điều trần về vấn đề này, như tôi cũng đã từng chủ trì phiên điều trần tương tự, để xem xét những tuyên bố về chủ quyền liên quan đến Biển Dông.
Quan điểm của tôi, như tôi nói ở Washington, đó là Mỹ nên có thái độ, quan điểm cụ thể hơn về việc bảo vệ chủ quyền của khu vực này, không nhất thiết bằng biện pháp quân sự, mà cần thể hiện bằng ngoại giao, và Mỹ cần sẵn sàng là lực lượng cân bằng đối với Trung Quốc trong khu vực. Điều quan trọng là cần có sự cân bằng. Đã có sự tranh cãi chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Cần có sự giải quyết công bằng và Washington cần tham gia.
-
Xuân Linh