- Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chỉ ra những khuyết điểm trong công tác cán bộ: quan niệm không rõ về tranh luận dân chủ, không tôn trọng người trẻ, coi nhẹ chuyên gia, không ưa những người có tài trội hơn mình, thiên vị với người thân, thành kiến, gạt bỏ những người có quan niệm, ý kiến trái với mình...
>> Làn sóng "chảy máu chất xám" khu vực công
"Đức" thể hiện ở dân chủ
Lịch sử chứng minh rằng: Ở mọi thời đại, mọi quốc gia dân tộc, nếu không có những nhân tài - người vừa có đức vừa có tài ở tầm quốc gia và ở cơ sở - thì không có sự phát triển, không có tiến bộ xã hội. Không có những nhân tài ở tầm quốc gia nắm trọng trách lãnh đạo, quản lý nhà nước, thì đất nước dậm chân tại chỗ, hoặc thụt lùi, sa sút. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài là nội dung quan trọng nhất trong công tác cán bộ của Đảng, của từng đảng bộ, từng cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (trái) giờ giải lao một phiên họp của Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQVN. Ảnh: VA
Thế nào là đức? Theo tôi, đức hiểu theo hai phạm trù: Đạo đức của người công dân và đạo đức của người lãnh đạo. Đạo đức của công dân, con người Việt Nam được thể hiện ở phẩm chất giàu lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, sống trong sáng, làm điều thiện...
Đạo đức của người lãnh đạo không chỉ bao gồm đạo đức công dân, mà còn phải bao gồm cả đạo đức của người lãnh đạo - đạo đức cách mạng.
Điều đó thể hiện trước hết ở trung thành với lý tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Trung thành nhưng không thụ động, giáo điều, bảo thủ, trì trệ, né tránh khó khăn, ngại những thay đổi tiến bộ có lợi cho cách mạng, cho Đảng, cho dân. Như vậy, nội dung đức của người cán bộ, người lãnh đạo có thay đổi, có khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Đức còn phải thể hiện ở trung thực, dân chủ trong công tác cán bộ và trong công tác lãnh đạo.
Thế nào là tài? Theo tôi, tài phải hiểu theo yêu cầu của vị trí công tác. Cán bộ chuyên môn, thực hành cần giỏi về kỹ thuật, kỹ năng. Cán bộ lãnh đạo chính trị, tham mưu, tư vấn ở cấp đề ra đường lối, chính sách ở loại công việc về lao động trí óc cần có năng lực tư duy, tổng hợp, năng lực khái quát, trừu tượng hóa.
Trong một người, đức và tài không tách biệt mà hòa quyện chặt chẽ. Tuy nhiên, không ít người đức mỏng hơn tài hoặc ngược lại. Nhưng đã lựa chọn người làm cán bộ lãnh đạo, quản lý thì phải có đức, tài tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không, sẽ hỏng cả cán bộ và thiệt hại cho Đảng, cho dân.
Thiếu đức, kém tài, bố trí lãnh đạo làm gì?
Nếu thiếu đức và kém tài thì sao gọi được là cán bộ lãnh đạo, bố trí vào vị trí lãnh đạo để làm gì? Hiện tượng chảy máu chất xám đang nhắc nhở chúng ta về việc trọng dụng người có đức, có tài. Đồng thời, nguy cơ tụt hậu xa hơn, cả về kinh tế và xã hội, cũng nhắc nhở chúng ta, nhắc nhở Đảng ta về vấn đề cốt tử này.
Trong việc phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài ở nước ta thời gian qua không ít khuyết điểm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chủ quan cần đặc biệt chú ý đến:
Nguyên nhân về nhận thức, quan niệm không đúng, không đầy đủ về đức và tài, về người có đức, người có tài trong các thời kỳ lịch sử khác nhau; định kiến, thành kiến về thành phần giai cấp, thành phần xuất thân, về cơ cấu thành phần địa phương trong cơ quan lãnh đạo, quan niệm máy móc, khắt khe về lối sống, cách sinh hoạt của cá nhân; quan niệm không rõ về giữ gìn đoàn kết nội bộ và thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn trong tổ chức; không tôn trọng người còn trẻ chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; chú trọng cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi nhẹ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, coi trọng kinh nghiệm hơn tri thức khoa học...
Nguyên nhân về tư tưởng của những cán bộ trong cơ quan lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị như: đố kỵ, kèn cựa, không ưa những người có tài trội hơn mình, thiên vị với người thân, thành kiến, gạt bỏ những người có quan niệm, ý kiến trái với mình... Những biểu hiện về nhận thức và về tư tưởng thường có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Từ nhận thức và tư tưởng không đúng, không rõ dẫn đến những sai lệch về phương pháp: Lựa chọn để phát hiện cán bộ một cách hình thức qua phiếu tín nhiệm trong khi chưa chuẩn bị tốt về tư tưởng cho những người được hỏi ý kiến và bỏ phiếu, cán bộ lãnh đạo không tìm hiểu kỹ lưỡng qua tiếp xúc trực tiếp, thu hẹp nguồn đối tượng lựa chọn vào những cán bộ đã ở cơ quan lãnh đạo, quản lý kế cận; thiếu phương pháp khoa học và tinh thần dân chủ trong việc nhận xét, đánh giá hiệu quả công tác, chế độ trách nhiệm và thẩm quyền giữa tập thể và cá nhân không rõ, làm cho khó thấy rõ người giỏi; áp dụng máy móc tiêu chuẩn về trình độ học vấn, bằng cấp, qua trường lớp quy định...
Những yếu kém, khuyết điểm tạo một thực trạng nghịch lý là lực lượng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta rất phong phú, nhân tài không ít mà trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý lại thiếu hụt cán bộ tài năng.
Những yếu kém, khuyết điểm về nhận thức, tư tưởng và phương pháp đã hạn chế kết quả phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng những người có đức, có tài trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tạo một thực trạng nghịch lý là lực lượng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta rất phong phú, nhân tài không ít mà trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý lại thiếu hụt cán bộ tài năng. Điều này dẫn đến nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cơ chế phát hiện người có đức, có tài, không nên thu hẹp đối tượng phát hiện chỉ trong phạm vi những cán bộ đã và đang công tác ở vị trí chức vụ gần sát với yêu cầu sử dụng đề bạt. Cần mở rộng nguồn phát hiện, tới những cán bộ xuất sắc, có triển vọng ở cấp dưới nữa, và rất coi trọng phát hiện trong những cán bộ, chuyên viên nghiên cứu giỏi.
Phát hiện nhân tài cần có quan điểm đúng về thành phần giai cấp, thành phần xuất thân, không định kiến, không máy móc, cứng nhắc, ấu trĩ.
Cần đặc biệt nhấn mạnh khả năng và trách nhiệm của bí thư cấp ủy, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phát hiện, giới thiệu nhân tài. Theo quan niệm của tôi, một trong những điểm thể hiện trách nhiệm và tài năng của bí thư đảng, của người đứng đầu cơ quan là thấy được, phát hiện được và giới thiệu được nhân tài - cán bộ giỏi, đức độ để làm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.
Lập hội đồng tư vấn
Sau khi có cơ chế phát hiện nhân tài để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, cần thành lập một bộ phận tại Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, theo dõi sâu việc thực hiện các quy định trong cơ chế.
Cần cân nhắc kỹ việc thành lập Hội đồng tuyển chọn người có đức, có tài để bố trí vào các cơ quan lãnh đạo quản lý của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Đây là Hội đồng tư vấn hay Hội đồng có thẩm quyền quyết định tuyển chọn?
Ở một vài nước, Hội đồng tuyển chọn nhân tài có quyền hạn rất lớn, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu nhà nước (tổng thống hoặc thủ tướng). Theo thể chế quản lý cán bộ ở nước ta hiện nay, hình thức này không phù hợp.
Nên lập những Hội đồng tư vấn tuyển chọn cán bộ tài năng, giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng hoặc Ban Tổ chức Trung ương xem xét, thẩm định những trường hợp cụ thể. Chỉ nên lập những Hội đồng tư vấn này khi cần thiết, không phải là cơ quan tư vấn thường xuyên.
Thành phần các Hội đồng này là những cán bộ có uy tín, có hiểu biết rộng, không nên có thành viên là lãnh đạo đương chức của cơ quan, tổ chức cần tuyển chọn cán bộ.
-
Nguyễn Khánh
Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQVN
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng