- “Một phần trong gói kích cầu 20,5 tỷ đôla Singapore dành để nâng cấp kỹ năng cho người lao động. Đã có 1.800 công ty gửi 120.000 công nhân tham gia chương trình này”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lee Yi Shyan chia sẻ kinh nghiệm sử dụng gói kích cầu.
Gói kích cầu lớn nhất thế giới
Bộ trưởng Lee Yi Shyan: Trong khó khăn, đơn hàng ít đi, người lao động chỉ làm 4 ngày/tuần nên Chính phủ khuyến khích việc gửi công nhân đi học. |
Báo chí Singapore đưa tin kinh tế Singapore đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Ông có thể nói gì về điều đó?
- Kinh tế quý 1 so với cùng kỳ năm trước đã giảm 6%. Tuy quý 2 vẫn tăng trưởng -3,7% nhưng đã có một số tín hiệu đáng mừng. Sự suy giảm đã xuống đến mức tệ nhất, đó là điểm đáy của tăng trưởng âm.
Singapore dựa vào thương mại quốc tế nên nếu thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu chậm lại thì xuất khẩu của chúng tôi gặp vấn đề.
Trong 9 tháng qua, chúng tôi tập trung vào việc đa dạng hóa ngành nghề cho công nhân.
Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp gửi công nhân đi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Người lao động được nâng cao tay nghề hoặc học thêm nghề mới để khi nền kinh tế trở lại bình thường, họ có cơ hội tìm công việc mới tốt hơn.
Trong 2 quý tiếp theo, chúng tôi vẫn rất thận trọng vì tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu tốt hơn. Các nước Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ còn phải đối mặt với một giai đoạn chưa chắc chắn.
Singapore có cần đến gói kích cầu thứ hai không?
- Không cần. Vì những điểm yếu của nền kinh tế chủ yếu do tác động của thế giới chứ không phải từ nguyên nhân nội tại của Singapore. Về lâu dài, tôi nghĩ châu Á nên cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Thị trường Singapore rất nhỏ, chỉ có 4,8 triệu người, không giống với thị trường gần 90 triệu người như Việt Nam.
Mặc dù nền kinh tế tương đối mạnh nhưng hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 15-20% tỷ trọng của nền kinh tế. Singapore còn cung cấp cho các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, khác với Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc thì cơ sở hạ tầng của Singapore tương đối hoàn thiện. Đường sá đã xây xong, đầy đủ, sẵn sàng hết. Nếu quay lại những năm 70, chúng tôi cũng sẽ phải xây đường sá, nhà máy điện.
Gói kích cầu của chúng tôi đưa ra vào đầu năm, dự kiến 20,5 tỷ đô la Singapore, khoảng 16-17 tỷ đôla Mỹ. Tính trung bình với 4,8 triệu dân, thì gói kích cầu của chúng tôi thuộc lớn nhất thế giới.
"Chính phủ chịu 90% tổn thất"
Chính phủ sử dụng những công cụ kiểm soát nào để đảm bảo rằng các khoản tiền kích cầu chi đúng mục tiêu và đối tượng?
- Gói kích cầu được đầu tư cho tương lai như giáo dục, để giữ công việc, tái đào tạo lao động, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, giúp đỡ người nghèo.
Về giáo dục, chúng tôi xây thêm các trường học.
Gói kích cầu 20,5 tỷ đôla Singapore được chia như sau: 5,1 tỷ để giữ việc làm; 2,6 tỷ để giúp người nghèo; 8,4 tỷ để giúp đỡ tài chính cho các công ty; 4,4 tỷ đầu tư cho tương lai như giáo dục...
Về tái đào tạo lao động, chúng tôi có chương trình nâng cấp kỹ năng dành cho tất cả công dân Singapore.
Chính phủ sẽ trả từ 300-2.500 đôla cho một người. Đây là khoản tiền Chính phủ giúp người lao động trải qua giai đoạn khó khăn trong thời gian 1 năm.
Trong khó khăn, đơn hàng ít đi, người lao động chỉ làm 4 ngày/tuần nên Chính phủ khuyến khích việc gửi công nhân đi học. Chính phủ sẽ trả phí đào tạo hoặc vẫn trả lương bình thường.
Trong nửa năm qua, khoảng 1.800 công ty đã đăng ký và gửi 120.000 công nhân tham gia chương trình.
Chúng tôi cũng có cách để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ sẽ làm việc với các ngân hàng để đưa ra các khoản vay như các khoản vay nhỏ, khoản vay nóng dùng ngay, khoản vay dài hạn, vay để mua máy móc và vay đầu tư ra nước ngoài...
Phần cuối cùng là dành một khoản tiền để giúp đỡ người nghèo và người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp.
Chính phủ làm thế nào để tránh tình trạng rút tiền ra khỏi ngân hàng?
- Chính phủ chịu trách nhiệm về các khoản tiền gửi trong ngân hàng.
Đầu tháng 10, tháng 11 khi suy thoái kinh tế xảy ra ở châu Âu, chúng tôi nghe nói mọi người cố gắng rút tiền ra khỏi ngân hàng nước ngoài để gửi tiền vào ngân hàng bản địa.
Để giữ lòng tin thì Chính phủ phải đứng ra đảm bảo các khoản vay trong ngân hàng.
Đó là, Chính phủ làm việc với ngân hàng để chia sẻ chi phí. Trong trường hợp công ty bị phá sản, ngân hàng chỉ phải chịu 10% tổn thất, Chính phủ chịu 90%.
Khi Chính phủ tham gia chia sẻ 90% rủi ro với ngân hàng thì ngân hàng sẵn sàng cho vay vì họ chỉ có 10% rủi ro. Tất nhiên điều kiện cho vay cũng phải rất chặt chẽ.
Chính phủ cũng làm việc với ngân hàng để hỗ trợ một nửa các khoản tiền bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro, đặc biệt trong các khoản cho vay thương mại.
Cơ chế này đang hoạt động tương đối tốt. Đơn xin mua bảo hiểm và vay ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng. Nếu tháng 1, số tiền ngân hàng cho vay chỉ là 200 triệu đôla Singapore thì sau đó đã tăng gấp 7 lần, lên khoảng 1,2 - 1,3 tỷ đôla, giữ vững trong nhiều tháng gần đây.
-
Lê Nhung ghi