221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1221416
Đừng nửa vời khi cung cấp thông tin
0
Article
null
Đừng nửa vời khi cung cấp thông tin
,

 - Góp ý cho dự Luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Quốc hội, GS Trần Đình Bút cho rằng cần làm thế nào để thông tin phải thật, đủ chứ không nửa vời, đặc biệt với vấn đề thu - chi ngân sách quốc gia. Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt thì nhận định nên công khai thu nhập, tài sản của cán bộ. 

GS Trần Đình Bút, nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng Khoa học xã hội TP.HCM:

Tránh thông tin một chiều

GS Trần Đình Bút: Thủ tướng từng nói nhân dân phải biết Chính phủ đang làm gì. Ảnh: ĐQ

Quả thật là tôi rất mừng khi thấy ta sắp có Luật Tiếp cận thông tin. Tôi cho đây là một chuyển biến rất cách mạng trong tư duy của người lãnh đạo. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: Quyền được thông tin của nhân dân thì nhân dân phải biết Chính phủ đang làm gì. Nó cũng thể hiện được yêu cầu cụ thể của chủ trương trước đây: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khẩu hiệu đó thật sự là của Việt Nam đấy.

Thông tin là tài sản, là nguồn tri thức mới nhất, quí nhất. Nhà kinh doanh mà có những thông tin kịp thời thì tránh được thua lỗ, kịp thời chớp được thời cơ. Thông tin là sức mạnh của từng con người và của từng dân tộc, để cho mọi người dân gắn bó với Nhà nước. 

Vấn đề rất hay nhưng tùy thuộc vào việc tổ chức thực hiện. Người đứng ra thực hiện lệnh này phải có tư duy mới như đã nói, nếu không, sẽ làm kiểu chiếu lệ. 

Tôi cho rằng vấn đề tổ chức thực hiện rất quan trọng. Tránh thông tin một chiều. Tôi lấy ví dụ, khi thông tin về gói kích cầu, nếu như Nhà nước không thông báo rõ những biện pháp để ngăn ngừa lạm phát thì người dân có quyền nghĩ không biết chừng lạm phát sắp tới ghê gớm lắm. Cho nên chúng ta phải thông tin đầy đủ, nhiều chiều để giải quyết vấn đề này.

Yêu cầu tiếp theo là phải chi tiết hóa các nguồn thông tin, tức là nói thật, đủ mức. Ví dụ như khi ngư dân đi đánh cá bị bắt giữ, Nhà nước làm gì thì phải nói rõ ràng, ngư dân phải đề phòng như thế nào cũng nói cho người ta biết, để họ đi đánh cá yên tâm là đằng sau có người bảo vệ, có sức mạnh của cả dân tộc.

Hội nghị Trung ương vừa rồi công bố sửa Cương lĩnh. Tinh thần sửa như thế nào, sao không công bố sớm cho người dân?

Nghĩa là làm sao chúng ta phải nói thật, nói đủ chứ đừng có nửa vời. Cái sợ nhất của chúng ta, văn kiện thì rất hay, có lẽ không chê trách vào đâu được nhưng tổ chức thực hiện lại vênh. 

"Thông tin là sức mạnh của từng con người và của từng dân tộc, để cho mọi người dân gắn bó với Nhà nước". 
Với tư cách của một người nghiên cứu, tôi thấy " bí hiểm" nhất vẫn là vấn đề thu - chi ngân sách. Người dân cần được biết tỉ lệ ngân sách so với GDP là bao nhiêu. Tức là phần của cải của dân làm ra thì Nhà nước nắm bao nhiêu để sử dụng, khống chế ở mức nào, như ở Mỹ  khống chế rất rõ, không được vượt 25%.

Hoặc Thái Lan nói rõ, chúng tôi nhận thức là một nước nghèo muốn đi lên thì phải dựa vào sức dân, cho nên phần mà chúng tôi thu về để Nhà nước sử dụng, chúng tôi khống chế có 13% GDP, còn để người dân nắm phần còn lại, lo cải thiện đời sống.

Cho nên mong mỏi duy nhất của mọi người dân bình thường là Nhà nước hãy sòng phẳng, dứt khoát, công khai mọi thông tin về tài chính, thu bao nhiêu của dân phải có mức khống chế và đặc biệt là chi cũng không phải là bí mật.

Và cũng phải có chế tài đối với cán bộ, công chức cố tình không cung cấp hoặc cung cấp sai thông tin cho người dân, doạnh nghiệp.

Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt:

Công khai tối đa tài sản quan chức

Ông Nguyễn Văn Mỹ: Nếu không minh bạch thì người ta nghi ngờ, suy diễn... Ảnh: ĐQ 

Ở Việt Nam, có những điều nhiều khi tôi không hiểu tại sao không sử dụng những phương tiện thông tin hiện đại để cập nhật, phổ biến ra.

Như khi tôi đi làm giấy phép kinh doanh, thấy công chức làm việc rất vất vả, khó mà đòi hỏi họ có thể vui vẻ với cường độ như thế. Vậy một việc rất đơn giản tại sao mình không làm là niêm yết công khai số lượng khách hàng sẽ tiếp, buổi sáng 100 người, chiều 70 người, để tránh cho170 người tới một lúc và phải chờ đợi. 

Hiện nay, báo chí thông tin chúng mới biết siêu thị miễn thuế Mộc Bài đóng cửa. Chúng tôi muốn quyết định ấy được công khai cho mọi người biết, các doanh nghiệp phải biết. Bởi vì giả sử nếu chúng tôi đưa vào chương trình tour du lịch và có tham quan thì sao? 

Cho nên Luật Tiếp cận thông tin phải rõ ràng, để hạn chế tiêu cực có khi là vô tình, có khi là những kẻ tham lam cố tìm mọi cách mua chuộc một số cán bộ để có những thông tin cực kì lợi hại đối với các doanh nghiệp. 

Tất cả phải rõ ràng và minh bạch. Nếu không minh bạch thì người ta nghi ngờ, người ta có thể suy diễn và có những cái bất lợi cho Nhà nước, bất lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là mất niềm tin. 

Càng công khai, minh bạch càng tốt, trừ những chuyện thuộc về quốc phòng. Tôi nghĩ đời tư của lãnh đạo có gì đâu mình sợ. Tại sao không công khai chuyện thu nhập, tài sản, rồi tình trạng sức khỏe của lãnh đạo?

Theo quan điểm cá nhân tôi, nên công khai tối đa về mặt tài sản của từng cán bộ lãnh đạo, thậm chí trước khi bổ nhiệm anh phải cho tôi biết anh có cái gì. Để sau một nhiệm kỳ, biết đâu tài sản ông gấp đôi, ông lấy từ đâu ra? Điều này sẽ ngăn ngừa chuyện lợi dụng chức quyền để trục lợi. 

Nói nhân dân giám sát nhưng lấy gì để họ giám sát khi chúng ta không dám công khai, minh bạch?

Muốn để cho dân tiếp cận được thông tin, điều quan trọng là chúng ta nói nhưng chúng ta có muốn làm hay không. Hãy thật lòng cho mọi người tiếp cận thông tin, bởi điều này thể hiện xã hội đang phát triển theo hướng tốt đẹp khi chúng ta tin dân. 

Công khai thông tin cũng là để chống lại luận điệu của kẻ xấu, những lời đồn thổi không có căn cứ. 

Đơn giản thôi, một ông thứ trưởng vừa công bố là không tăng giá xăng, nhưng hôm sau tăng liền thì biết tin ai bây giờ? Cho nên sau khi ban hành luật, điều quan trọng là phải có chế tài khi anh cố tình cung cấp hoặc bưng bít thông tin. 

Làm sao để Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải là tam giác đều. Không có Đảng thì không ai lãnh đạo, không có Nhà nước thì không ai quản lý, nhưng không có nhân dân thì lấy ai thực hiện. 

  • Đoàn Quý

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,