- Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác phát triển luật pháp và nhân quyền Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội Elsa Hastad cho hay, ở Thụy Điển, nếu không thể tiếp cận được thông tin theo đúng quyền lợi mà luật quy định, người dân có thể kiện lên tòa án.
Bà Elsa Hastad: Ở Thụy Điển, nếu không thể tiếp cận được thông tin theo đúng quyền lợi mà luật quy định, bạn có thể kiện lên tòa án. Ảnh: XL |
Bà Elsa Hastad lưu ý việc khoanh vùng, xác định những dạng thông tin được cho là "mật".
Theo bà, có những dạng thông tin tất yếu là mật và được luật quy định không thể tiếp cận như thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Khi khoanh vùng những lĩnh vực, khía cạnh thông tin mật phải có căn cứ xác định tính chất mật của nó.
Thu nhập cá nhân cần được công khai
Với kinh nghiệm xây dựng luật của Thụy Điển, quy định ranh giới, khoanh vùng mở hay hạn chế như thế nào để về căn bản đảm bảo vấn đề quan trọng nhất: quyền được tiếp cận thông tin của công chúng?
- Nếu thực sự muốn mọi công dân, nhà báo có quyền tiếp cận thông tin theo quy định pháp luật thì có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước phải nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo sự công khai, minh bạch.
Luật của Thụy Điển cũng có những quy định về một số điều được coi là bí mật, không thể tiếp cận về mặt thông tin như vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng về căn bản, để mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công chúng, cần hạn chế tối đa thông tin mật hay dạng ngoại lệ. Mọi thứ nên được công khai, minh bạch.
Thông tin liên quan đến kinh doanh, đời tư có thuộc dạng thông tin không được tiếp cận không, thưa bà?
- Ở Thụy Điển, chúng tôi có luật về đời tư riêng. Đối với điều được cho là bí mật kinh doanh, có những thứ không thể công khai, nhưng có những thông tin vẫn có thể tiếp cận. Ví dụ vấn đề về thuế, thu nhập cá nhân... Những dạng thông tin như vậy thường được công khai, minh bạch.
Dân có quyền kiện
Theo bà, cần giám sát việc thực hiện luật như thế nào?
Người dân, báo chí có thể thực hiện vai trò giám sát luật và hãy đặt câu hỏi làm thế nào tôi có thể tiếp cận thông tin nếu có nhu cầu. Về cơ bản, mọi việc phải đảm bảo đơn giản, quy định tối thiểu nhất để mọi người dân, báo chí có thể tiếp cận được.
Những công chức như tôi làm ở Đại sứ quán phải làm thế nào thiết lập một hệ thống thông tin trong ổ dữ liệu của mình và đăng ký để nó trở thành dạng tài liệu của công chức. Khi nó đã được đăng ký thì mọi người có thể tiếp cận, được chia sẻ thông tin.
Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh thái độ thực sự mà Việt Nam muốn người dân có thể tiếp cận thông tin và công khai, minh bạch đối với những thông tin có thể cung cấp. Không chỉ báo chí mà các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của xã hội dân sự cũng có thể tham gia giám sát việc thực hiện luật. Nếu luật áp dụng không phát huy hiệu quả, báo chí có quyền phản ánh.
Như vậy, có cần quy định chế tài cụ thể không?
- Ở Thụy Điển, nếu không thể tiếp cận được thông tin theo đúng quyền lợi mà luật quy định, bạn có thể kiện lên tòa án. Và ngay khi bạn khởi kiện, bạn sẽ rất nhanh chóng nhận được phản hồi. Tòa án sẽ tiến hành xem xét xử lý rất nhanh, không quá vài ngày, thậm chí chỉ trong 24 giờ.
Theo bà, quy chế người phát ngôn của các cơ quan, bộ, ngành cần được thực thi thế nào cho hiệu quả? Trong những vấn đề dân sinh do liên ngành chịu trách nhiệm, làm thế nào để xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan?
- Tôi nghĩ vai trò người phát ngôn cần thiết như một phương tiện dành cho báo chí. Nếu báo chí muốn có thông tin chính thống từ cơ quan, bộ, ngành nào đó, người phát ngôn sẽ phát đi thông điệp, thông tin về vấn đề do bộ, ngành đó quản lý.
Nhưng không nên ngăn cản nhà báo tiếp cận thông tin ngoài những thông báo từ người phát ngôn. Bởi vì nếu người phát ngôn không cung cấp cho báo chí thông tin hoặc họ nghĩ rằng những thông tin họ cung cấp là đủ rồi, thì nhà báo vẫn có thể tiếp cận thông tin từ các công chức khác.
-
Xuân Linh