Chiều 26/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn để bàn giải pháp cứu các tàu cá và ngư dân Lý Sơn đang bị Trung Quốc giam giữ. Trong khi đó, các gia đình ngư dân đang lo lắng về mức tiền phạt hết sức vô lý của Trung Quốc lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo Báo Thanh Niên, mấy ngày qua, nhiều gia đình ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) như ngồi trên lửa, hết sức lo lắng cho số phận người thân của mình gồm 12 ngư dân và 2 tàu cá đang bị Hải quân Trung Quốc giam giữ tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) của VN với thời hạn trong 10 ngày phải nộp đủ tiền phạt mới được trả tự do.
Ngư dân kêu cứu
Ông Dương Văn Thọ (chủ tàu QNg 6597-TS) và quyết định xử phạt của Trung Quốc. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trong những ngày qua, dù chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền khắp nơi nhưng nhiều gia đình ngư dân vẫn không tài nào xoay đủ số tiền quá lớn như vậy, kể cả các chủ tàu, nên chỉ biết làm đơn kêu cứu.
Chị Phạm Thị Bé, vợ của thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh nước mắt ngắn dài: “Hai vợ chồng trẻ mấy năm nay làm biển tích cóp được chút ít, rồi vay mượn đóng được chiếc tàu mừng hết hơi. Nào ngờ bây giờ chồng bị bắt, tàu bị giam giữ ngoài đảo, biết làm sao đây? Nợ nần còn chưa trả xong, lấy đâu ra tiền chuộc chồng, chuộc tàu...”.
Cũng như chị Bé, nhiều gia đình ngư dân ở Lý Sơn đang nơm nớp lo âu cho số phận người thân, tài sản của mình đang bị giam giữ trong khi thời hạn nộp phạt cứ trôi qua từng ngày.
Nghề biển ở Lý Sơn mấy năm qua mất mùa, nhiều chuyến biển trở về vừa đủ chi phí nên nhiều ngư dân đi bạn chỉ mong kiếm đủ tiền lo trang trải chi tiêu gia đình, con cái học hành. Chính vì thế, khả năng lo đủ tiền nộp phạt là điều quá khó, ngoài tầm tay của họ.
Ông Nguyễn Dự - Chủ tịch UBND xã An Hải (Lý Sơn), nói với PV Thanh Niên vào sáng 26/6 rằng, hầu hết các gia đình có người đang bị Hải quân Trung Quốc giam giữ, cuộc sống còn bao khó khăn, bây giờ bảo họ nộp phạt với số tiền quá lớn thì lấy tiền ở đâu
Trước tình cảnh bi đát ấy, UBND xã An Hải đã có văn bản số 123/BC-UBND gửi các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương kiến nghị cần có biện pháp can thiệp để sớm đưa các phương tiện và ngư dân của huyện đảo Lý Sơn trở về đoàn tụ với gia đình.
Bị bắt trên đường đi tránh bão
Theo ông Nguyễn Dự, lúc bị bắt, cả 3 chiếc tàu nói trên đều nằm trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, hơn nữa chưa nói đó là lúc họ đang trên đường tìm nơi trú ẩn để tránh bão số 2. Do vậy việc bắt giữ và phạt tiền là hết sức vô lý.
“Chả lẽ cứ bị bắt rồi phải nộp phạt mới được thả, thì làm sao ngư dân dám ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển? Mà nếu nộp phạt hoài thì cũng chẳng có tiền đâu để nộp”, ông Dự nói.
Trong 3 chiếc tàu bị bắt nói trên, có tàu QNg - 6364 TS (do ông Bùi Văn Thuế làm thuyền trưởng) và tàu QNg - 6597 TS (do ông Dương Văn Hưởng làm thuyền trưởng), mỗi tàu đều có 12 ngư dân, cùng bị bắt vào lúc 10 giờ ngày 16.6 tại tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112058’ kinh Đông; tàu QNg - 6517 TS do anh Nguyễn Chí Thạnh làm thuyền trưởng, trên tàu có 13 ngư dân bị bắt vào lúc 13 giờ ngày 17.6 tại tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112045’ kinh Đông thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Anh Dương Tân (37 tuổi, ở xã An Hải), một trong những ngư dân đi trên tàu QNg - 6364 TS, kể lại, lúc đó trời bắt đầu gió mạnh nên thuyền trưởng Bùi Văn Thuế cho tàu chạy tìm nơi tránh bão, khi cách đảo Linh Côn chừng 15 hải lý thì thấy tàu Trung Quốc có số hiệu 309 ập đến.
Ngư dân Dương Văn Thọ lo lắng : "Bây giờ ra biển xa, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân ai cũng lo. Lỡ bị bắt, bị nộp phạt thì coi như tán gia bại sản. Như vậy đóng tàu công suất lớn để làm gì, chả lẽ chỉ để quẩn quanh ven bờ thôi sao?”. Ảnh: Thanh Niên |
Biết có chuyện chẳng lành, thuyền trưởng Thuê cho tàu tăng tốc, bỏ chạy nhưng chỉ được chừng 2-3 giờ đồng hồ thì bị bắt. Mọi người đều sợ hãi, mặt mày tái xanh và cũng chẳng biết làm gì hơn đành giơ hai tay lên đầu và bị buộc qua tàu Trung Quốc về đảo Phú Lâm.
Anh Tân cho biết, họ nói toàn tiếng Trung Quốc nên chẳng ai hiểu gì cả. Đến khi có một phiên dịch tiếng Việt mới hiểu rằng, lý do bị bắt là do vi phạm Luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa (!).
Về đến nhà ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn), anh Nguyễn Tâm (46 tuổi, đi tàu QNg - 6517 TS) vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong đơn thỉnh cầu gửi các cơ quan chức năng, anh Tâm trình bày trên tàu QNg - 6517 TS có 13 thuyền viên, thường đánh bắt hải sản ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vào lúc 13 giờ ngày 17.6, tàu QNg - 6517 TS đang trên đường chạy tránh bão số 2, khi đến tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112045 kinh Đông, cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 12 hải lý về phía đông nam, thì bất ngờ có tàu Trung Quốc số hiệu 309 đến vây bắt. Sau đó, tàu kiểm ngư của Trung Quốc đến kéo tàu QNg - 6517 TS về đảo Phú Lâm. Trên đường bị áp giải về đảo với vận tốc cao, tàu QNg - 6517 TS bị vỡ ván, nước tràn vào làm chết máy nên không có khả năng quay về được.
“Họ đưa phương tiện về đảo nhưng không cử người trông coi, tất cả 13 thuyền viên tàu chúng tôi bị dồn vào một phòng, ăn ở ngủ đều tại đây. Sau đó, họ gọi thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh lên làm việc và buộc ký vào biên bản vi phạm, mỗi phương tiện nộp 70.000 nhân dân tệ. Biên bản họ đọc sơ sài, vả lại cũng sợ bị đánh, bị bỏ đói nên phải miễn cưỡng ký vào. Sau 4 ngày bị giam giữ, lúc này cơn bão số 2 cũng vừa tan, họ cho phương tiện mang số hiệu QNg - 6597 TS được về Lý Sơn vào 23 giờ ngày 22.6. Hiện 2 phương tiện mà Trung Quốc đang giữ lại đã bị hỏng máy, ngập nước, và buộc nộp phạt nhanh nếu muốn về Việt Nam”, anh Tâm kể lại.
“Để có phương tiện đi đánh cá mưu sinh, chúng tôi vay vốn Nhà nước và của bà con họ hàng, nay bị bắt nợ nần càng chồng chất; nhiều người sức khỏe không đảm bảo, đặc biệt là trường hợp anh Nguyễn Chí Thạnh, thuyền trưởng tàu QNg - 6517 TS hiện đang bị bệnh nặng, nếu bị giam giữ lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tính mạng...”, anh Tâm bày tỏ.
“Bây giờ ra biển xa, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân ai cũng lo. Lỡ bị bắt, bị nộp phạt thì coi như tán gia bại sản. Như vậy đóng tàu công suất lớn để làm gì, chả lẽ chỉ để quẩn quanh ven bờ thôi sao?”, ngư dân Dương Văn Thọ, vừa may mắn được trở về, bộc bạch.
Không tạo tiền lệ xấu Báo Tuổi trẻ chiều 26-6 dẫn lời ông Nguyễn Xuân Hước, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nêu rõ quan điểm: “Huyện chúng tôi đang kiến nghị Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, Bộ Ngoại giao can thiệp để phía Trung Quốc sớm thả ngư dân cùng phương tiện trở về. Ngư dân Lý Sơn chúng tôi đánh bắt ngay trên tọa độ vùng biển của VN, cớ sao phía Trung Quốc bắt ngư dân và ép ngư dân lăn tay, chịu mức phạt cao như vậy. Huyện kiên quyết không để ngư dân Lý Sơn phải nộp khoản tiền vô lý đó”. Theo ông Hước, huyện không muốn ngư dân lại tiếp tục nộp phạt tạo thành tiền lệ xấu mà cần có sự can thiệp từ các cấp cao hơn để giải cứu ngư dân. Ông Võ Xuân Danh - Chủ tịch UBND xã An Vĩnh (Lý Sơn), huyện đảo Lý Sơn - cũng cho biết tháng 2/2009 tại xã có ba tàu của ông Lê Vinh, ông Đặng Thu và ông Trần Tùng đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị phía Trung Quốc bắt giữ ở khu vực gần đảo Linh Côn. Phía Trung Quốc đã tạm giữ hàng chục ngư dân của ba tàu này bảy ngày và quyết định xử phạt ba tàu với tổng số tiền 190.000 nhân dân tệ (487 triệu đồng), khiến nhiều gia đình phải chạy đôn chạy đáo để nộp khoản tiền phạt này. Đến thời điểm này, huyện đảo Lý Sơn có khoảng 100 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 1.200 lao động nghề cá đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. |
Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ