- Do suy giảm kinh tế, Nghị quyết do Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng nay (19/6) yêu cầu Chính phủ chỉ thực hiện điều chỉnh tăng trần học phí năm học 2009 - 2010 tại các cơ sở đào tạo nghề và đại học công lập ở mức "thấp, mang tính quá độ". Nhưng sẽ tăng dần trong những năm học kế tiếp, đến 2015.
Giảm 50% phí học nghề
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chọn đi học nghề sẽ được giảm 50% học phí. Ảnh: VNN
Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập, học phí sẽ "tăng dần, phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và khả năng đóng góp thực tế của người học".
Riêng năm học 2009 - 2010, trong điều kiện nền kinh tế chưa ra khỏi suy giảm, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ.
Chính sách học phí mới sẽ được thực hiện từ năm học 2010 - 2011, điều chỉnh đến năm học 2014 - 2015.
Riêng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chọn đi học nghề sẽ được giảm 50% học phí. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách; học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội để học.
Chưa miễn học phí mầm non
Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, trong điều kiện nguồn lực Nhà nước chưa đủ để miễn học phí thì mức học phí được xác định theo từng vùng và ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phù hợp với thu nhập bình quân và khả năng đóng góp thực tế của hộ gia đình.
Học phí đối với bậc giáo dục mầm non và phổ thông công lập cũng sẽ "tăng dần" theo lộ trình, mức trần chỉ áp dụng vào năm học 2014 - 2015. Việc miễn học phí cho bậc giáo dục này sẽ được xem xét vào "thời điểm thích hợp".
Đối với học sinh tiểu học, vẫn tiếp tục thực hiện chính sách không thu học phí. Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học, các chương trình đào tạo và áp dụng cơ chế gắn học phí với chất lượng đào tạo.
-
Xuân Linh