- 6 đại biểu đứng lên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều nay (11/6) thì 3 người hỏi về bô-xít. Sau khi nghe xong câu trả lời, cả ba đều đứng dậy bày tỏ: "Tôi không đồng ý với Bộ trưởng".
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
"Ắt phải trình Quốc hội quyết định"
Điều mà luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) muốn làm rõ là chỉ cần dự án từ 20.000 tỷ đồng trở lên đã phải trình QH thông qua chủ trương đầu tư. "Quy mô quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên nhiều hơn con số này, sao Chính phủ vẫn không trình QH?".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Việc chia thành các dự án không phải ý kiến Bộ Công thương". Ảnh: Thanh Sơn
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, quy hoạch khai thác bô-xít mà Chính phủ phê duyệt năm 2007 đã nêu rõ, bao gồm nhiều dự án, từ khai thác bô-xít đến chế biến thành nhôm, và cả dự án đường sắt từ Tây Nguyên xuống biển, cảng Kê Gà.
"Những dự án này độc lập, có nghĩa là dự án này không phụ thuộc vào dự án kia. Dự án Tân Rai, Nhân Cơ... đều độc lập", ông Hoàng giải thích.
Chưa kể, xây đường sắt là để phục vụ nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa chứ không chỉ riêng vận chuyển alumina. Tương tự, cảng Kê Gà cũng vậy.
"Như vậy có những dự án vượt qua số tiền 20.000 tỷ đồng, lại có dự án chưa đến mức đó. Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, vốn đầu tư chỉ khoảng 12.000 tỷ, không phải trình QH", ông Hoàng nói.
Theo Bộ trưởng Công thương, các dự án giai đoạn sau, như từ Đăk Nông 1 đến Đăk Nông 4 chế biến alumina, hay dự án đường sắt và cảng sau đó thì quy mô đầu tư có thể vượt qua số tiền 20 nghìn tỷ đồng. Khi đó, sẽ phải báo cáo ra Quốc hội.
Ông Hoàng cũng nhắn nhủ, tất cả đã có trong báo cáo Chính phủ gửi QH, đại biểu xem lại.
Không đồng ý với giải thích này, ĐB Nguyễn Đăng Trừng tiếp tục "truy": "Đọc kỹ quy hoạch, rõ ràng dự án bô-xít gồm ba giai đoạn với mười hai dự án gắn bó theo hệ thống. Về bản chất là gắn với nhau và chỉ độc lập khi Bộ tách nhỏ ra để không phải trình QH", ông Trừng thẳng thắn.
Trích lại thông báo Kết luận của Bộ Chính trị mới đây, ông Trừng khẳng định, đây là dự án quan trọng cả về môi trường, hiệu quả kinh tế và an ninh quốc phòng. Nên khai thác bô-xít "ắt phải trình QH quyết định".
ĐB Nguyễn Đăng Trừng: "Dự án chỉ độc lập vì được chia nhỏ". Ảnh: Thanh Sơn
"Không phải là ý Bộ Công thương"
Ngạc nhiên trước giải thích của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) đứng lên "truy": "Rõ ràng nếu không khai thác bô-xít thì không thể nghĩ đến chuyện phải xây đường tàu hay cảng biển. Không thể có chuyện tách ra như vậy để qua mức QH quy định".
Về quy mô dự án Tân Rai và Nhân Cơ, ông Ba phân tích thêm, như Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường giải thích, báo cáo đánh giá tác động môi trường của những dự án này chưa tính hết các điều kiện đề ra nên đang phải làm lại.
"Tính toán hết các cam kết môi trường, mở rộng đầu tư thì hạn mức đầu tư phải lớn hơn. Vậy Bộ Công thương đã chỉ đạo điều chỉnh tính toán lại chưa?", ông Ba hỏi.
Dẫn lại thông tin báo chí đưa ra cảnh báo của các nhà tài trợ về việc khai thác bô-xít sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ông Ba đề nghị Bộ Công thương cân nhắc.
Bị truy vấn dồn dập, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thanh minh, việc chia các dự án quy mô nhỏ như đại biểu "trách" không phải là ý kiến Bộ Công thương.
"Chúng tôi không có thẩm quyền mà đây là quy hoạch phát triển bô-xít đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước", ông Hoàng cho hay.
Theo đó, để vận chuyển alumin nếu quy mô ban đầu còn đang nhỏ thì vẫn phương án vận chuyển bằng ôtô. Sau này, khi nào mở rộng quy mô lớn hơn mới tính phương án làm đường sắt. "Nhưng không phải chuyên dùng vận chuyển alumin mà còn phục vụ nhiều hàng hoá khác", ông Hoàng khẳng định.
Giá điện mới, không tự nhiên nghĩ ra Giải đáp băn khoăn của ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về biểu giá bán điện, ông Hoàng quả quyết: "Việc điều chỉnh vẫn trên nguyên tắc không gây biến động kinh tế làm CPI tăng; không ảnh hưởng người nghèo; tạo ý thức tiết kiệm năng lượng và xây dựng thị trường cạnh tranh". Theo Bộ trưởng, áp dụng bảng giá mới, người nghèo dùng 50 số điện chỉ chi thêm 2.500 đồng/tháng. Nếu dùng đến 100 số thì tăng 18.500 đồng/tháng.Mặt khác, giá điện giờ cao điểm không phải do ai nghĩ ra, mà là diễn biến tự nhiên của biểu đồ tiêu thụ điện năng. "Thu giờ cao điểm là để bù giờ thấp điểm, vì công suất giờ thấp điểm chỉ tiêu thụ bằng 30% cao điểm. Thu giờ thấp điểm giá thấp mà vẫn ít ai dùng". Ông Hoàng cũng cho rằng, làm như vậy là khuyến khích DN phân bổ giờ làm việc hợp lý. Trước kia, các DN từng bố trí làm cả thứ bảy, chủ nhật và nhiều ca, nhưng đến nay chỉ làm việc 5 ngày và 1 ca. Về việc ảnh hưởng tới DN trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, ông Hoàng nói, Bộ sẽ cân nhắc. Sáng mai, Bộ trưởng Công thương tiếp tục trả lời chất vấn. |
-
Lê Nhung