- Thảo luận ở tổ chiều nay (4/6), nhiều ĐBQH cho rằng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh mới ’chăm chút" cho bác sĩ, chưa thấy nhiều quyền lợi của người dân.
"Chân ngoài dài hơn"
Các đại biểu phản ánh tình trạng "chân trong, chân ngoài" của bác sĩ. Ảnh:XL |
Thực tế có chuyện người bệnh gặp khó vì nhập viện 4h30 chiều, đúng lúc bác sĩ, y tá sửa soạn đóng cửa về, do có lịch hẹn khám bệnh tại nhà 5h chiều.
Đề cập quy định cấm cán bộ, công chức đăng ký hành nghề y, dược tư nhân từ ngày 31/12/2010, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) kết luận điều này "bất khả thi".
"Quy định này tôi nghe không "thủng". Tự mình không được mở phòng khám nhưng lại được đi làm thuê cho người khác. Không cho lập thì họ vẫn có cách trá hình, mượn danh một ông bác sĩ về hưu. Mọi quy định đều có sơ hở", ông Thanh nói.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện St Paul (Hà Nội) Nguyễn Phạm Ý Nhi lại cho rằng cho phép bác sĩ khám chữa bệnh ngoài giờ là cách để "tăng nguồn thu chính đáng" cho cán bộ y tế cũng như tăng cường xã hội hóa y tế.
ĐB Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) đồng tình nếu không chấp nhận cảnh "quá độ" trong giai đoạn hiện nay, cho phép bác sĩ được "chân trong, chân ngoài" để cải thiện thu nhập, giữ người bằng mệnh lệnh, sẽ chỉ đạt kết quả nhất thời, không khéo lại xảy ra tình trạng cán bộ y tế bỏ các cơ sở công sang làm cơ sở tư.
Tán thành quan điểm trên nhưng ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng) lo ngại tình trạng cán bộ y tế dựa vào thương hiệu bệnh viện công để ra ngoài kinh doanh dịch vụ y tế. Theo ông, không cách nào cấm nổi, chỉ còn cách "giáo dục y đức".
Cấm bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch tư
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến: Luật phải nghiêm cấm bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch riêng. Ảnh: XL |
Tuy nhiên, nhiều ĐB lo lắng việc quản lý, giám sát tình trạng các bác sĩ, không chỉ tại cơ sở khám tư mà cả bệnh viện công kê toa thuốc hưởng phần trăm với các hãng dược.
Nhiều trường hợp bệnh, có loại thuốc chi phí ít hơn nhưng người bệnh lại được các bác sĩ kê cho loại thuốc giá cao hơn do ăn chia lợi nhuận với hãng dược. Hoặc có loại thuốc không cần thiết, chỉ là thuốc bổ cũng được kê trong đơn thuốc khiến những bệnh nhân, vì lo bệnh, không tự thẩm định nổi đành phải mua.
ĐB Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) thậm chí lo lắng điều này sẽ tạo bất bình đẳng đối với người khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm. Bởi với những thuốc kê trong toa được cho là tốt, người bệnh phải bỏ tiền nhiều hơn để mua, thậm chí có thuốc được kê với giá đắt đỏ.
Luật "che chắn" cho thầy thuốc?
Ở góc độ kỹ thuật, ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) nhận xét dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh mới chăm chút cho bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh nhiều, trong khi người bệnh lại rất ít. Người dân chưa thấy nhiều quyền lợi của họ trong luật này.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Sáng Vang (Tuyên Quang) cho rằng “người bệnh lại là đối tượng yếu thế trong luật khám, chữa bệnh. Trong khi đó, người khám chữa bệnh (thầy thuốc) lại được luật "che chắn" rất tốt".
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi) cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của người khám bệnh: "Tôi đọc hết cả dự thảo luật mà không thấy có một chế tài nào. Thái độ của y bác sĩ trong việc cấp cứu bệnh nhân, đi đâu cử tri cũng kêu, người ta thập tử nhất sinh nhưng vào cấp cứu, bác sĩ đưa ra đủ điều kiện, không có tiền là không làm... Xảy ra hậu quả, xử lý ai?".
Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, người dân không quan tâm sẽ có bao nhiêu điều luật, bao nhiêu trang nói về quyền, nghĩa vụ của thầy thuốc, mà là công tác khám chữa bệnh phải được cải thiện.
Bà Mai khuyến nghị luật nên bổ sung một chương riêng, quy định rõ thêm về chính sách liên quan tới việc khám chữa bệnh, để trả lời câu hỏi về chất lượng cho người dân. Như vậy, luật mới “ra ngô, ra khoai” được.
-
X.Linh - L.Nhung - P.Loan