- Chiều 2/6, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo tại Quốc hội kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu quá trình phân giới cắm mốc từ năm 2001, kéo dài đến năm 2008. Trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông, hai bên đã cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Đường biên chung tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh, với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc.
Sơ đồ toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Theo trình bày của Thứ trưởng Vũ Dũng, hai bên đã cùng thoả thuận và áp dụng sáng tạo nguyên tắc “cả gói” để giải quyết các khu vực tồn đọng với mục đích tìm giải pháp tổng thể, công bằng, hợp lý, hợp tình, hai bên có thể chấp nhận được.
Nội dung chính của nguyên tắc này là giải quyết trên cơ sở cân bằng lợi ích và diện tích, biên giới đi qua tất cả các mốc cũ, dấu tích lịch sử, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của cư dân biên giới.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có ba vấn đề lịch sử để lại, bao gồm biên giới trên bộ, biên giới trong Vịnh Bắc Bộ, và vấn đề Biển Đông. Bằng việc kết thúc phân giới cắm mốc trên bộ, hai bên đã giải quyết xong hai vấn đề đầu.
Việt Nam và Trung Quốc coi việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai nước. Lần đầu tiên hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị; tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.
Hai bên đang chuẩn bị hoàn tất và ký kết Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và các văn kiện liên quan khác nhằm đưa Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt - Trung đi vào cuộc sống, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển.
-
Xuân Linh