221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1207894
Sửa Luật Di sản, đại biểu muốn nghe thêm ý chuyên gia
1
Article
null
Sửa Luật Di sản, đại biểu muốn nghe thêm ý chuyên gia
,

 - Thảo luận tại Hội trường về Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) chiều nay (2/6), các đại biểu Quốc hội đều cho rằng đã là luật sửa đổi thì nên sửa mạnh mẽ và triệt để. Còn nếu sửa trong chừng mực như vậy, có lẽ chưa nên thông qua ngay kỳ họp này, mà nên lùi lại đợi tổng kết thực tiễn,  nghe thêm ý kiến chuyên gia.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: TTXVN

"Như 11 điều về di sản văn hóa phi vật thể thì 9 điều chung chung, nhắc đi nhắc lại câu Nhà nước bảo vệ, tôn vinh, khuyến khích. Rất sơ lược và có phần né tránh", ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nói.

Ông Đáng cũng băn khoăn, ta có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu và tâm huyết, sao không tham khảo? Liệu có nên gấp rút thông qua một dự thảo luật đang có quá nhiều điểm gây tranh cãi hay chấp nhận tham khảo thêm chuyên gia trong và ngoài nước để giải quyết cho được những khúc mắc, tồn tại của bảo tồn di sản văn hóa đất nước.

Đồng ý rằng dự thảo luật này có phần vội vã do đã bị rút ngắn đi một kỳ họp, ông Dương Trung Quốc nói, luật "chưa phát huy hết trí tuệ xã hội".

"Chỗ chúng ta ngồi đây đang có một quần thể di sản"

Minh chứng cho điều này, ông Quốc chọn phát biểu 3 vấn đề, mà theo ông, "đã phát biểu ở nhiều cuộc họp nhưng chưa được tiếp thu".

Theo ông Quốc, Luật vẫn chưa đưa ra được những quy định để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển vốn luôn xung đột.

Bài học nhãn tiền là nhiều công trình xây dựng đã phải tạm dừng do phát hiện ra những di chỉ dưới lòng đất.

Ông Quốc đề nghị, ở điều 39, bên cạnh việc Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành quy chế về thăm dò, khai quật khảo cổ học nên đưa thêm vấn đề quy hoạch khảo cổ học để chủ động trong quy hoạch xây dựng.

"Khi chúng ta phát hiện khu Hoàng Diệu bên kia, tất cả các nhà sử học và các nhà khảo cổ học đều biết rằng ở phía bên này, chính chỗ chúng ta ở đây cũng có một quần thể di sản tương tự. Nếu biết có quy hoạch sẵn trước thì rõ ràng chúng ta sẽ chủ động có giải pháp bảo tốn, không ảnh hưởng đến công trình xây dựng. Lấy ví dụ như ở khu nhà máy Trần Hưng Đạo cũ, ai cũng biết đó là đàn Nam Giao xưa nhưng vì chúng ta không chủ động nên đến lúc công trình xây dựng rồi mới phát hiện ra dưới lòng đất có dấu tích và phải dừng công trình, gây tổn hại rất lớn, tạo ra cảm giác xung đột lợi ích giữa xây dựng, phát triển và bảo tồn",  ông Quốc nói.

Quan họ Bắc Ninh là di sản quốc gia, còn hát si, hát lượn?

Di sản văn hóa phi vật thể tuy vẫn tiếp tục bị "phớt lờ" trong luật nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của ĐB.

Bà Bùi Thị Hòa (Đăk Nông), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) bắt đầu bằng câu chuyện những di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một. Thậm chí là mất đi vĩnh viễn cùng người nắm giữ và trình diện.

"Nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo, sử thi Tây Nguyên là trái chín sắp rụng, những nghệ nhân kể, hát sử thi ngày càng ít đi và nếu còn thì cũng ít có cơ hội thể hiện", bà Hòa tha thiết.

Bà Hòa chất vấn, tại sao luật quy định cụ thể việc xếp hạng di sản văn hóa vật thể nhưng lại không nói gì đến văn hóa phi vật thể. Chưa kể, chỉ định ra tiêu chí xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thôi thì chưa đủ.

Các ĐB muốn luật phải đưa ra những quy định về tiêu chí nhận diện, xếp hạng di sản làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo tồn.

Tuy nhiên, theo ông Dương Trung Quốc thì không thể xếp hạng để phân loại giá trị hơn, kém các di sản văn hóa phi vật thể. Bởi đây là vấn đề nhạy cảm đối với những lĩnh vực liên quan đến dân tộc, tôn giáo...

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH nói, không nên đặt vấn đề xếp hạng vì chiếu theo Công ước năm 2003 của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể thì người ta không xếp hạng.

"Như hát quan họ Bắc Ninh thì chúng ta xếp là di sản quốc gia. Vậy thì hát si, hát lượn ở Lạng Sơn có xếp là quốc gia không hay cấp tỉnh?", ông Thuyết nói.

Vì rõ ràng, xếp hạng như vậy sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các cộng đồng.

Theo ông Thuyết, dự thảo luật chỉ quy định là khi nào lập đủ hồ sơ sẽ đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia là  đúng  theo quy ước quốc tế.

Vị Phó Chủ nhiệm cũng cho hay, chuyện xác minh yếu tố gốc của văn hóa phi vật thể là rất khó. Vì một trong những nguyên lý của văn hóa dân gian là có nhiều biến dị. 

"Một  số vị lãnh đạo cấp ủy địa phương không có chuyên môn về bảo tàng, nhưng đã vào thăm các bảo tàng địa phương và thích chỉ đạo những chuyện rất cụ thể về xây dựng, về sắp đặt, về bố trí. Điều này không khác gì việc các vị vào bệnh viện chỉ đạo các bác sĩ chuyên khoa chữa bệnh. Bảo tàng học là một ngành khoa học và cần có các chuyên gia được đào tào chuyên sâu phụ trách và chịu trách nhiệm". (ĐB Nguyễn Lân Dũng)

 "Luật Xây dựng còn quy định là xây một ngôi nhà phải có một phối cảnh, chúng tôi cũng đề nghị là trước khi bảo tồn di tích nào chúng ta trưng bày tất cả dự án ấy ra cho nhân dân được xem, cho nhân dân được đóng góp, cho nhân dân chia sẻ và đồng thời nó bảo đảm tính minh bạch để chúng ta có thể làm cho việc bảo tồn có một tác động tích cực" (ĐB Dương Trung Quốc)

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,