- Xã hội hóa trong việc cải thiện môi trường là một việc nên làm. Tuy nhiên, xã hội hóa không có nghĩa là giảm vai trò quản lý của nhà nước. Đây là ý kiến của Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch trong buổi giám sát về việc xử lí rác thải và nước thải tại 2 công trình trọng điểm của TP ngày 13/5.
Có “ép non” việc nhận rác ở bãi rác Đa Phước?
Giám sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (thuộc Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam) và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP), huyện Bình Chánh TP.HCM. ông Trần Du Lịch và nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đánh giá cao công nghệ được sử dụng tại đây và ủng hộ việc xã hội hóa trong việc cải thiện môi trường.
Đoàn ĐBQH TP.HCM giám sát tại bãi rác Đa Phước. Ảnh: Đoàn Quý |
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch và GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân vẫn còn nhiều băn khoăn về cách làm, cách quản lý và những nguy cơ tiềm ẩn xung quanh khu vực này.
TS. Trần Du Lịch quan ngại, trong quá trình thi công và xử lý chất thải, cơ quan quản lý nhà nước nào giám sát cái công nghệ xử lý và quá trình xử lý chất thải này? Quá trình xử lý nước gỉ chưa xây dựng xong, nhưng phải tiếp nhận rác với số lượng lớn, phải chăng do chúng ta phải đóng cửa bãi rác Gò Cát nên phải “ép non”?
Theo Phó GĐ Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Văn Phước, đây là một dự án 100% vốn nước ngoài. Cũng như những dự án đầu tư khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng phải làm theo quy trình của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phước cũng cho rằng, không loại trừ khả năng đơn vị thi công không làm theo. Nhưng trong quá trình triển khai dự án, từ khi san lấp mặt bằng Sở đều theo dõi, giám sát quá trình thực hiện.
Có “ép non” việc nhận rác ở bãi rác Đa Phước hay không thì Phó GĐ Sở TNMT TP cho biết, do bức xúc về ô nhiễm môi trường ở bãi rác Gò Cát, Sở đã báo cáo UBND TP việc ngưng tiếp nhận ở bãi rác này. Mặt khác, qua cân đối và đánh giá khả năng tiếp nhận tại bãi rác Đa Phước, tháng 11/2007 rác đã được chuyển về đây để xử lý.
“Theo lịch trình thì tháng 3/2008 họ mới tiếp nhận” – Ông Phước nói.
TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, nhiều người dân phản ánh xe chở rác của Công ty Vệ sinh môi trường TP gỉ nước trong quá trình chuyên chở gây ô nhiễm môi trường khu vực gần bãi rác Đa Phước.
“Đây là kiếm khuyết trong quá trình quản lý, giám sát, theo dõi. Có lúc xe đến quá nhiều nên mới xảy ra tình trạng “có mùi” tại khu vực này nhưng đây là vấn đề cá biệt”, Phó GĐ Sở TNMT nói.
Thực hư chuyện sử dụng vốn vẫn là một “bí ẩn”
Theo Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, bãi rác Đa Phước có tổng số vốn đầu tư là 90 triệu USD, hiện đã sử dụng hết khoảng 50% số tiền này vào việc xây dựng và xử lý chất thải.
Chất thải rắn tại bãi rác Đa Phước. Ảnh: Đoàn Quý |
Tuy nhiên, đoàn giám sát ĐBQH TP hỏi, ngoài 9 triệu USD thành phố đã đầu tư vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, thật sự công ty này đã bỏ ra bao nhiêu tiền, số tiền này có được kiểm toán không? Phía công ty này cho rằng không ai yêu cầu.
“Tôi không hiểu quản lý của nhà nước mình trong vấn đề này ở đâu, có kiểm toán không và ai chịu trách nhiệm kiểm toán”, TS. Lịch đặt vấn đề.
Trước đó, trong quá trình giám sát tại đây, Ban kinh tế ngân sách của HĐND TP.HCM cũng đã nêu ra vấn đề này, tuy nhiên đoàn giám sát của HĐND TP cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Câu chuyện sử dụng vốn của công ty này vẫn là một ẩn số.
Dưới nhãn quan của một nhà nghiên cứu khoa học, nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhận định: “Qua làm việc với Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, tôi thấy xử lý rác tại đây là một chuyện, mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư là biến bãi rác Đa Phước thành sân golf càng nhanh càng tốt”.
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh “đây là mặt ưu nhưng cũng chính là hạn chế của bãi rác Đa Phước. Quản lý nhà nước cần thấy điểm này”.
“Trong cơ chế thị trường lo cái bỏ, cái thải ra là khó nhất. Sau 23 năm công ty này sẽ đóng cửa để làm dự án đầu tư sân golf, chúng ta phải có kết hoạch gì đó”, ông Lịch nói.
“Nên có sự quan tâm đặc biệt với dự án Đa Phước, lấy đó làm điển hình và rút kinh nghiệm cho những dự án đầu tư tiếp theo”.
-
Đoàn Quý