221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1196376
Cử tri Hà Nội muốn Quốc hội giám sát dự án bô-xít
1
Article
null
Cử tri Hà Nội muốn Quốc hội giám sát dự án bô-xít
,

 - "Chúng tôi đề nghị Quốc hội giám sát việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên ngay tại kỳ họp này", ông Bùi Đình Tư, cử tri phường Ngọc Hà (Hà Nội) kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, tại buổi tiếp xúc cử tri sáng nay (4/5).

  >> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

"Quốc hội phải lắng nghe chuyên gia"

Ông Phạm Nghi An (phường Giảng Võ - người đứng): Bộ Chính trị đã có ý kiến, Quốc hội càng nên đưa bô-xít vào chương trình giám sát. Ảnh: LN 

Theo ông Phạm Nghi An (phường Giảng Võ), sau khi Bộ Chính trị có ý kiến về việc thí điểm khai thác bô-xít Tây Nguyên, Quốc hội càng nên đưa nội dung này vào chương trình giám sát. Bởi mặc dù chủ trương là làm thí điểm và chỉ sử dụng lao động nước ngoài có kỹ thuật cao nhưng thực tế nhiều công nhân nước ngoài đã "đổ bộ" vào các công trường.

Ông Nguyễn Văn Cừ (phường Điện Biên) đề nghị Quốc hội phải lắng nghe góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về hiệu quả từ dự án này.

Từ đó, có sự phân tích thấu đáo để kiến nghị Chính phủ đưa ra những giải pháp khai thác hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng.

Sau khi lắng nghe những đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giải thích: "Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla".

Tuy nhiên, trong báo cáo về kinh tế - xã hội đưa ra trước Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ dành một phần để đánh giá về dự án khai thác bô-xít.

"Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu", ông Trọng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận, không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên. Nhưng đây là chủ trương lớn đã được thống nhất cao sau khi tính đến hiệu quả kinh tế, an ninh.

"Đây là chính sách với dân tộc, vùng nghèo. Nếu lỗ thì không ai làm. Lao động nước ngoài cũng không chỉ có Trung Quốc mà rất nhiều nước khác và đều được quản lý theo Luật Lao động", ông Trọng cho hay.

Tiền đền bù cho khách sạn trong công viên lấy ở đâu?

Một cử tri khác của phường Giảng Võ, ông Trần Trung Chương cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội Hà Nội phải làm rõ sau khi dừng dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất, ai sẽ phải đứng ra đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: "Cử tri nói thì chẳng cãi vào đâu được". Ảnh: LN

"Tiền đền bù ai sẽ bỏ ra, hay lại tiếp tục là tiền của dân? Chúng tôi muốn thành phố công khai sớm và dứt điểm sớm phương án đền bù. Làm như thế nào? Đăng công khai trên báo nào để dân còn biết và giám sát?", ông Chương nói.

Có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình phân trần, không đơn giản để đưa ra phương án đền bù cho một dự án đã kéo dài qua 4 đời Thủ tướng và 5 đời Chủ tịch TP.

"Thành phố đang bàn bạc với chủ đầu tư, để cùng chia sẻ lợi ích. Có thể sẽ xử lý như Chợ 19-12, vườn hoa 19/8 sao cho hài hòa lợi ích nhà đầu tư và nhu cầu mở rộng khuôn viên cây xanh", ông Bình nói.

Bao giờ phân loại xong nhà biệt thự?

Đại diện cho những người dân sống ở quận Ba Đình - trung tâm Hà Nội, ông Đỗ Minh Việt (phường Quán Thánh) bức xúc về chủ trương bán nhà biệt thự "dùng dằng bấy lâu chưa giải quyết".

Phường Quán Thánh là nơi tập trung nhiều biệt thự Pháp cổ. Sau khi HĐND TP thông qua đề án bán nhà biệt thự, người dân đã đến tìm hiểu thông tin về chủ trương này và có nguyện vọng mua lại.

Tuy nhiên, cả phường và quận đều cho hay, thành phố vẫn chưa phân loại xong thế nào là biệt thự sẽ bán, biệt thự sẽ bảo tồn, bán bao nhiêu phần trăm, vì thế chưa biết khi nào người dân mới có cơ hội mua lại.

"Chỉ có nhà các quan chức đang ở mới gọi là biệt thự đúng nghĩa, còn những biệt thự dân vào ở mấy chục năm nay đã không còn là biệt thự nữa rồi. Dân thì đã vào ở, vẫn phải trả tiền thuê nhà, lại không được sửa chữa, mà chủ trương bán thì thành phố đã thông qua, bao giờ mới thực hiện việc phân loại?", ông Việt thắc mắc.

Ông Phạm Văn Chanh, Chủ tịch UBND quận Ba Đình giải thích, theo phân loại sơ bộ, có hơn 500 biệt thự đã bán một phần sẽ tiếp tục được bán. Trong thời gian chờ phân loại, thành phố và người dân sẽ tiếp tục bảo quản giữ nguyên trạng, đặc biệt trên các tuyến phố Phan Đình Phùng, Quán Thánh.

Lắng nghe từ chuyện "dưa cà" như một bóng đèn công cộng bị cháy mà 4 cơ quan không ai giải quyết, cho đến chuyện bô-xít Tây Nguyên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: "Cử tri nói thì chẳng cãi vào đâu được".

Các cử tri hy vọng cùng với các đại biểu khác của Hà Nội, ông Trọng sẽ phản ánh những bức xúc của họ vào đường lối, chính sách ở nghị trường.

  • Lê Nhung 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,