- Liệu có ai đó, nhân danh bất cứ ai, vì bất kì điều gì, bao bọc bởi bất cứ luận điệu nào, đang nhóm lên một mối bất đồng trong lòng dân tộc? Nếu có bất kì mầm mống nào của điều đó, thì mỗi chúng ta - những người sinh ra từ một dân tộc đã từng đi qua quá nhiều đau khổ - sẽ bằng mọi cách để khước từ.
Khước từ...
Hai cuộc đánh bom vừa diễn ra mấy ngày qua tại Afghanistan gây nên cái chết của gần một trăm người, làm hàng trăm người khác bị thương. Tang thương đang bao trùm lên đời sống của người dân nước này.
Các nhà phân tích chỉ ra những cuộc đánh bom vừa xảy ra ở Afghnistan có nguyên nhân từ việc "một số thành phần không hài lòng với chính quyền". Đặc biệt, mâu thuẫn giữa các giáo phái tưởng đã có dấu hiệu bớt căng thẳng trước đó, lại bị đẩy lên cao trong tháng 4 này.
Chính quyền có thể đã không làm hài lòng một số thành phần ở mức độ nào đấy. Nhưng sự thực là chính quyền không gây nên cái chết của bất cứ ai trong số đó. Chính những người "không hài lòng" với chính quyền đã làm nên tang thương cho đồng loại của mình mấy ngày qua.
Nổi dậy ở Palestine, biểu tình liên tiếp ở Thái Lan, bạo lực gia tăng ở Iraq... tất cả không mang lại gì hơn ngoài nỗi đau khổ cùng cực của thường dân. Gần 90.000 người Iraq chết vì bạo lực 4 năm qua, những rối loạn ở Thái Lan biến "xứ sở của những nụ cười" thành đất nước đầy ắp bạo loạn và người dân Iraq chìm đắm trong nỗi sợ ám ảnh.
Còn chúng ta, ngay bây giờ, ở đây, trên khắp dải đất Việt Nam bé nhỏ, dẫu còn nhiều vất vả khó nhọc này, nhưng chúng ta có hòa bình và đoàn kết. Chúng ta biết ơn vì đang được bảo vệ khỏi những điều khủng khiếp như bạo loạn, xung đột sắc tộc, chiến tranh tôn giáo...
Liệu có ai đó, nhân danh bất cứ ai, vì bất kì điều gì, bao bọc bởi bất cứ luận điệu nào, đang nhóm lên một mối bất đồng trong lòng dân tộc?
Nếu có bất kì mầm mống nào của điều đó, thì mỗi chúng ta - những người sinh ra từ một dân tộc đã từng đi qua quá nhiều đau khổ - sẽ bằng mọi cách để khước từ.
"Chúa và Phật là hai anh em"
Xin được mượn tinh thần của cuốn "Going Home, Jesu and Buddha as Brother" (Trở về nhà, Chúa và Phật là hai anh em) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để nói về mục đích tận cùng của mọi tôn giáo.
Hai "người anh em" đó - một người chịu đóng đinh trên cây thánh giá, một người từ bỏ cung vàng điện ngọc đi tìm đường giải thoát cho con người - đã hi sinh vì cái gì nếu không phải là hòa bình, tự do và hạnh phúc cho con người?
Chúa, Phật, Thánh Alla, hay bất cứ vị thần linh nào đã tồn tại trong lịch sử và ý thức của loài người, cũng đều chỉ tay về một hướng: hòa bình và hạnh phúc cho loài người.
Nhưng loài người, đã nhân danh tôn giáo - hay nhân danh sự mê muội của chính mình - chia rẽ, bất đồng và tàn sát lẫn nhau.
Việt Nam của thế kỉ 21, đang được ngưỡng vọng như một biểu tượng hòa bình. Vẫn còn đó bao nhiêu nhân chứng về cái giá của hòa bình mà chúng ta phải đánh đổi trong dằng dặc ba phần tư thế kỉ trước.
Hòa bình tận gốc rễ, tận xóm thôn khối phố là điều quý giá nhất của đất nước này. Đưa lợi ích dân tộc lên hàng đầu, tôn thờ hòa bình và đoàn kết hơn mọi lợi ích khác đã là nguyên tắc ứng xử trong truyền thống.
Nhưng trong những ngày này, đâu đó người ta bày tỏ sự "không hài lòng", "kêu gọi bất tuân", phản đối... sẽ mang lại gì đây nếu không phải là một cái "nhân" rạn vỡ.
Biết rằng đất nước còn nghèo, còn rất nhiều mệt mỏi, nhưng quay lưng lại với nhau, vì lợi ích một nhóm, mà gây thêm một vết cứa trong lòng dân tộc, rồi mai đây ta lại gặt quả gì?
Đối thoại với nhau, gieo một hạt từ tâm, hành động tận tụy vì lợi ích dân tộc... là cách mà rất nhiều người sáng suốt đang chọn. Vì một nền hòa bình đã phải đánh đổi bằng quá nhiều đau thương, dân tộc Việt Nam khước từ mọi phản ứng đối đầu hay tiêu cực.
-
Linh Thủy