221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1190280
Gặp chính khách Anh có nhân duyên đặc biệt với Việt Nam
1
Article
null
Quan hệ Việt - Anh trong thế kỷ 21:
Gặp chính khách Anh có nhân duyên đặc biệt với Việt Nam
,

 - Ông được cho là nhân vật quyền lực thứ hai trong Chính phủ Anh đương nhiệm, cựu Ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Tony Blair: Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw. Không chỉ là người đặt bút ký những chính sách quan trọng thúc đẩy quan hệ Anh - Việt, ông còn có một mối nhân duyên đặc biệt với Việt Nam. Phóng viên VietNamNet có dịp gặp Bộ trưởng Jack Straw tại trụ sở làm việc của ông tại London.

Cơ hội gặp gỡ riêng ông, một chính khách quốc tế tầm cỡ, một vị bộ trưởng luôn bận rộn và có nhiều sự quan tâm không chỉ giới hạn ở nước Anh như ông không dễ dàng, ngay cả đối với các phóng viên quốc tế thường trú tại London. 

Bộ trưởng Jack Straw ấn tượng về những cải thiện trong quan hệ Anh - Việt. Ảnh: Xuân Linh

Ngạc nhiên về sự bao dung của người Việt

Nhắc đến mối nhân duyên với Việt Nam trong quá khứ - điều đã làm nên chất xúc tác nhất định cho sự phát triển quan hệ Anh - Việt, đặc biệt dưới thời ông làm Ngoại trưởng và nay là Bộ trưởng Tư pháp Anh, Bộ trưởng Jack Straw trải lòng:

"Khi còn là sinh viên tại Đại học Leeds, tôi đã tham gia và sau đó trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên quốc gia năm 1969. Thời kỳ đó, chúng tôi đã tham gia vào các phong trào biểu tình, chống chiến tranh tại Việt Nam, một cuộc chiến tranh mà tôi tin rằng đó là phi nghĩa. Đó là cuộc chiến tranh khủng khiếp. Và, điều đã gây ngạc nhiên trong tôi sau này đó là sự bao dung của người Việt Nam với nỗi đau đã phải trải qua. Cuộc chiến tranh đã nhào nặn xã hội đất nước các bạn khủng khiếp. Việt Nam đã phải chịu đau thương nhiều hơn những gì chúng tôi chịu đựng trong cuộc chiến tranh trước".

Tháng 9/2008, khi đến thăm và nói chuyện với sinh viên Đại học Luật Hà Nội, Bộ trưởng Jack Straw cũng nhắc tới những cảm nhận sâu sắc về những gì đã xảy ra tại Việt Nam cách đây 40 năm, khi ông là sinh viên tham gia biểu tình chống chiến tranh.

Nhận định từ quá khứ đến hiện tại, Bộ trưởng Jack Traw nói Việt Nam giờ đây đã trở thành một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở châu Á và đang quyết tâm gia nhập vào hàng ngũ những nước mà Việt Nam gọi là “các nước công nghiệp hiện đại” trong vòng 12 năm tới.

"Đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam, đó là một bằng chứng cụ thể rằng các quốc gia khác vẫn có niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước... Bởi vậy, việc Việt Nam được mời trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới không phải là điều đáng ngạc nhiên và hoàn toàn xứng đáng.

Việt Nam đã tiến vào vũ đài quốc tế một cách ngoạn mục và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam như một lực lượng kinh tế đã được toàn thế giới công nhận", ông nói.

Việt Nam - Thế hệ tôi

Nếu ai đó nhắc đến tên Việt Nam, điều đầu tiên ông nghĩ tới là gì?

- Thế hệ chúng tôi không thể không nghĩ về chiến tranh Việt Nam. Tôi muốn nói rằng, nó là một phần, chính xác là nó đã diễn ra, là một chuỗi những sự kiện khủng khiếp suốt tuổi trẻ của tôi, và phần nào chính là những nhận thức chính trị của tôi.

Đó là sự thật trung thực. Tôi có nhiều suy nghĩ tốt về Việt Nam, cả chuyến thăm Việt Nam đáng nhớ của tôi và vợ tôi hồi tháng 9/2008. Nhưng bạn hỏi tôi điều mà tôi nghĩ tới thế hệ của tôi, những người đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nó là một cuộc chiến không lời giải thích.

Nên ghi nhớ rằng tôi đã phần nào chịu trách nhiệm về quyết định để Anh tham gia vào cuộc chiến xâm lược Iraq. Nhưng, cuộc chiến đó chính là điều tôi nghĩ đến vào thời điểm đó, và ngay cả chính sau này, dù nó không có một lý lẽ nào chứng minh là đúng cả. Tôi biết cả câu chuyện, tôi biết nó đã xảy ra thế nào, nhưng không có một sự bào chữa nào cả.

Theo ông, bài học nào Việt Nam có thể học được trong quá khứ để có thể viết tiếp câu chuyện của mình trong thế kỷ này?

- Đó là sự tha thứ, bao dung, tinh thần tái thiết đất nước của các bạn mà tôi nghĩ rằng rất ấn tượng, cũng như quyết tâm phát triển hệ thống chính trị theo con đường riêng của mình.

Trong hợp tác giữa Anh Quốc và Việt Nam, điều ông ấn tượng là gì?

- Nhìn chung là những cải thiện trong quan hệ giữa hai nước. Đó là ấn tượng tốt. Quan hệ thương mại, văn hóa cũng đang rất phát triển. Và, hợp tác ngày càng tốt đẹp hơn giữa kênh chính phủ hai nước, trong đó bao gồm cả những công cụ, chính sách mà tôi đã đặt bút ký.  

Ủng hộ Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh

Tháng 9/2008, lần đầu tiên thăm và làm việc tại Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp Anh, ông Jack Straw và người đồng nhiệm Hà Hùng Cường đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Chính phủ, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam và Anh đến năm 2013 xác định hai bên sẽ hợp tác mang tính xây dựng trong các vấn đề liên quan đến cải cách pháp luật và tư pháp.

Việt Nam và Anh cũng đang đàm phán về khả năng ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Bên cạnh đó, Anh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam xây dựng Luật Tiếp cận thông tin, hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm các nước để tham vấn sửa đổi Luật Báo chí.

Bộ trưởng Jack Straw ủng hộ Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh. Ông cho rằng pháp quyền giúp hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng và bình đẳng, góp phần xóa bỏ tệ tham nhũng.

Ông nói: "Pháp quyền chỉ có thể có hiệu quả nếu có cơ chế quản lý hành chính và các thể chế rõ ràng, rành mạch. Chính phủ Việt Nam cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề này - bằng chứng là lập trường của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, là việc ban hành luật thương mại và việc soạn thảo luật mới về tiếp cận thông tin.

Nhưng điều quan trọng nhất là những chủ trương tốt đẹp của Chính phủ Việt Nam cần được hiện thực hóa bằng những thay đổi cụ thể. Cũng như đối với pháp quyền, chỉ khi nào các nguyên tắc được thực hiện thì người ta mới nhận thấy lợi ích của chúng".

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,