- Với dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện - Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít.
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
Ngày 24/4, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã thay mặt Bộ Chính trị ký Thông báo số 245- TB/TW về Kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.
Đặc biệt quan tâm an ninh, quốc phòng
Bộ Chính trị nêu rõ: Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng.
Công nhân Trung Quốc trên công trường bô-xít Tân Rai.
Bộ Chính trị lưu ý quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải "trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội", trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...
Nhận định khai thác bô-xít, sản xuất alumin "có tác động lớn đến môi trường" từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không được quản lý tốt, không tính hết đến tác động môi trường sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn", Bộ Chính trị yêu cầu phải sử dụng "thiết bị và công nghệ hiện đại" trên thế giới.
Một yêu cầu nữa là phải quan tâm đúng mức đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, việc sử dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật.
"Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá", Kết luận nhấn mạnh.
Chưa chủ trương bán cổ phần cho nước ngoài
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin, nhôm phải "bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững" của đất nước, có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu, trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thuỷ điện, cung cấp một phần cho việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bô-xít phục vụ trong nước và xuất khẩu.
"Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá".
Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ, gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện.
Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, đồng thời chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Sử dụng lao động trong nước
Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc sử dụng lao động trong nước, "chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết", lựa chọn công nghệ hiện đại, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Riêng dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác. Trên cơ sở kết quả của 2 dự án, tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở Kết luận này, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít và triển khai 2 dự án nói trên. Trong đó, lưu ý chỉ đạo chặt chẽ về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động nước ngoài và trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án.
Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Kết luận này, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Tại hội thảo khoa học về các dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên ngày 9/4, tiếp thu những ý kiến phản biện của giới khoa học, Chính phủ đã hứa xem lại hiệu quả kinh tế các dự án này và điều chỉnh quy hoạch ngành bô xít. Riêng dự án Nhân Cơ, Chính phủ phải đợi có báo cáo tác động môi trường bổ sung mới có thể xem xét triển khai tiếp. Ngày 16/4, tại thị xã Gia Nghĩa, UBND Đắk Nông tổ chức họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ, công suất 650.000 tấn/năm, có xem xét khả năng mở rộng đến 1 triệu 200 ngàn tấn/năm. Trước những lo ngại của các nhà khoa học về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, báo cáo này chưa đủ tính vững chắc để thuyết phục Hội đồng khoa học tỉnh Đắk Nông. Cũng tại hội thảo ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, với những dự án có sản lượng 1-2 triệu tấn alumin/năm, sẽ phải trình xin ý kiến Quốc hội. |
-
V.Anh