221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1193080
Việt Nam sẽ thành nước Đức của châu Á?
1
Article
null
Việt Nam sẽ thành nước Đức của châu Á?
,

 - Việt Nam không thể chỉ ở mãi dạng tiềm năng. Nếu giữ tiềm năng không khai thác, nó sẽ tụt mất, không còn ở lại với Việt Nam. Việt Nam cần “dọn nhà” trong hội nhập, chủ động đi đầu thay vì nhảy theo mức nước, để đóng vai trò lãnh đạo - Ý kiến của các diễn giả tại Hội thảo Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 chiều 24/4 ở TP.HCM.

Chất lượng lựa chọn phụ thuộc vào Việt Nam. Ảnh: Đoàn Quý

Tiềm năng phải được khai thác

Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam Đàm Thủy trăn trở trước thực tế mấy chục năm qua Việt Nam vẫn mãi được nhắc tới với nhiều "tiềm năng" và rất ít trong số đó biến thành hiện thực.

“Tiềm năng phải được biến thành hiện thực, phải được khai thác. Nếu để tiềm năng quá lâu, nó sẽ tụt mất, không còn ở lại với Việt Nam”, bà Đàm Thủy nói.

Việt Nam buộc phải chọn lựa. Ra khỏi khủng hoảng, các nước khác sẽ cạnh tranh với Việt Nam, giành vốn và vươn tới vị trí cao hơn. Việt Nam phải sẵn sàng cho điều đó.

Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam, sẽ thấy màu hồng nếu xem từng yếu tố riêng lẻ nhưng nếu gộp chung lại, đó lại là bức tranh có nhiều màu xám, với thách thức khiến nhiều người mất kiên nhẫn, bà Thủy nói.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam tìm hiểu và ra đi. Do đó, phải cải thiện và giữ chân người đầu tư lâu dài, không để họ vào vài năm rồi rút lui.

“Chúng ta có những nguyên liệu đầy đủ làm nên cái bánh thành công. Hơn 20 năm Đổi mới vừa qua đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, con đường phía trước như thế nào, tốt xấu, may rủi nằm trong chính tay người Việt Nam”, bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy và ông Johnathan Pincus, kinh tế gia của chương trình Fulbright Việt Nam cho rằng, chính khủng hoảng là cơ hội tốt để chọn lựa.

“Cải cách luôn là quá trình căng thẳng, luôn có người muốn đẩy nhanh và có người muốn kéo lại”. Ai cũng có quyền chọn lựa và chất lượng của các chọn lựa đó là khác nhau. Việt Nam cần xác định hướng đi của mình, tăng minh bạch và trách nhiệm giải trình, ông Pincus nói. 

Việt Nam cần dọn dẹp bên trong nhà mình. Ảnh: Đoàn Quý.

Dọn dẹp bên trong

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote cho rằng, hội nhập đã tạo ra bộ khung tốt cho Việt Nam. “Khung của ngồi nhà chắn chắn đã được xây dựng, nhưng mở ra trong nhà vẫn còn rối rắm: môi trường kinh doanh, quản trị DN, thủ tục kế toán đúng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo người dân đóng thuế. Việt Nam còn phải dọn dẹp nhiều thứ trong nhà mình”.

Trong thương mại, các giao dịch ở biên giới Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, nhưng bên trong đường biên giới còn cần có sự điều chỉnh, bà Virginia Foote nói.

Vào Việt Nam, các DN hiện vẫn phải học cách làm ăn của Việt Nam, với những tiêu chuẩn riêng không tương thích với chuẩn quốc tế.

Bà Virginia Foote và bà Đàm Thủy đều cho rằng, Việt Nam cần thay đổi nguyên tắc và cách thức làm ăn, đúng chuẩn quốc tế.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt vấn đề, Việt Nam sẽ hướng tới đâu trên con đường phát triển? Việt Nam rất giỏi giải quyết vấn đề ngắn hạn. Nhưng để vượt lên tầm trên, là nước dẫn đầu, Việt Nam phải can đảm hơn.

Chính phủ cần có vũ khí chống lại chu kì kinh tế bất lợi, đưa Việt Nam vào vị thế tốt hơn để cạnh tranh trong nước và khu vực. Không thể để nền kinh tế như bong bóng, nổ rồi xẹp.

"Chính phủ cần ở vị trí đi đầu, chủ động chứ không phải chỉ nhạy theo mức nước", ông Johnathan Pincus nhấn mạnh.

Cầu nối Trung Quốc và Asean

Đặt vấn đề vị trí lãnh đạo của Việt Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Trikona Capital Aashish Kalra nhận định Việt Nam có thể là một nước Đức của châu Á, với những điểm chung về lịch sử phát triển và quy mô của nền kinh tế. Cũng như Việt Nam, nước Đức từng trải qua chiến tranh và có mấy chục năm phát triển nhanh chóng sau chiến tranh. Việt Nam có thể xem Đức như là hình mẫu để đóng vai trò ở khu vực.

Ông Gu Xiaosong, Phó Chủ tịch Viện khoa học xã hội Quảng Tây cho rằng, cùng với Thái Lan, Indonesia, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng sẽ là cầu nối cho Trung Quốc với ASEAN.

Trong khi đó, bà Virginia Foote dự đoán Việt Nam có thể đóng vai trò chuyên nghiệp ở Hội đồng Bảo an, lãnh đạo ở APEC và ASEAN trong những năm tới. 

  • Hoàng Phương - Đoàn Quý

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;