- Dự kiến, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa vào ngày 25/4.
Các nhân chứng từng sống và làm việc tại Hoàng Sa tham quan Bảo tàng Hoàng Sa. Ảnh: HC
Theo kế hoạch, ngày 25/4, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch UBND của 8 quận, huyện, trong đó có Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Công Ngữ bày tỏ: "Nếu được tin tưởng và trao trọng trách, tôi sẽ tiếp tục cùng toàn dân cả nước đấu tranh để khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, tiếp tục thu thập tư liệu liên quan đến Hoàng Sa để làm kỷ yếu và hồ sơ lưu trữ”. Ông Đặng Công Ngữ nhấn mạnh, khi chưa có bất cứ sự tranh chấp chủ quyền nào, đã có nhiều nhân chứng tại Đà Nẵng từng sống và làm việc ở huyện đảo Hoàng Sa. Cuối năm 2007, lần đầu tiên TP Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt các nhân chứng này. Theo ông Ngữ, các nhân chứng đã cung cấp thông tin cùng nhiều tài liệu có liên quan để Sở Nội vụ Đà Nẵng sớm hoàn thành tập kỷ yếu về Hoàng Sa, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp sức cùng ngành giáo dục truyền đạt cho học sinh, sinh viên biết rõ thêm về một vùng thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa thông qua các buổi học lịch sử ngoại khóa.
“Việc gặp mặt 4 nhân chứng trong chiều 20/4 vừa rồi cùng với nhiều nhân chứng khác mà hiện chúng tôi đang tiếp tục liên lạc sẽ là bằng chứng sống để những bước đi tiếp theo mà chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng nói riêng, cũng như cả nước nói chung mong muốn. Đó là nhanh chóng khẳng định độc lập chủ quyền toàn vẹn quần đảo Hoàng Sa”, ông Đặng Công Ngữ nhấn mạnh. Về mục tiêu lâu dài, ông Ngữ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bằng con đường ngoại giao, bằng những chứng cứ đã có và sẽ tiếp tục được bổ sung, 10 năm, 20 năm, hay có thể lâu dài hơn nữa vẫn phải khẳng định trước công luận quốc tế về sự thật này, Hoàng Sa chính là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”.
Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập sau khi miền
Tuy nhiên, do tình hình thực tế khách quan cũng như do vướng Luật Bầu cử HĐND nên từ đó đến nay, huyện đảo Hoàng Sa chưa có chủ tịch UBND huyện mà chỉ mới có Trưởng cơ quan thường trú, có trụ sở đặt tại 132 Yên Báy (quận Hải Châu), trước đây do Trưởng Ban Tổ chức chính quyền và nay do Giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm.
Lời giới thiệu tại Bảo tàng Hoàng Sa |
Quần đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15045’B – 17015’ Bắc và kinh độ 1110Đ – 1130 Đông, trên vùng biển rộng khoảng 16.000km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi – VN) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1,5km2). Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa thiên. Ngày 13/7/1961, Tổng thống chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 174-NV quyết định đặt quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải, thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Năm 1982, huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo Nghị định số 07/CP ngày 23/01/1997 của Chính phủ, Hoàng Sa trở thành huyện đảo của TP Đà Nẵng. |
-
Anh Vân