221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1191488
Không "công chức hóa" kiến trúc sư trưởng
1
Article
null
Không 'công chức hóa' kiến trúc sư trưởng
,

 - Góp ý về dự Luật Quy hoạch đô thị chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng cần có thiết chế kiến trúc sư trưởng nhằm bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và giữ gìn bản sắc của đô thị.

Đồng tình nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận phản biện ngay việc thực hiện thiết chế kiến trúc sư trưởng dứt khoát không thể như mô hình của Hà Nội và TP HCM trong giai đoạn 1992 -2001. Theo đó, nếu thực hiện, phải đảm bảo hoạch định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về chuyên môn rõ ràng của kiến trúc sư trưởng.

Quyền hạn phải khác trước

Những năm thí điểm tại hai thành phố trên, một trong những bất cập dẫn đến sự phá sản kế hoạch thực hiện kiến trúc sư trưởng, đó là cá nhân kiến trúc sư trưởng đã bị công chức hóa. Thay vì làm công việc chuyên môn, kiến trúc sư trưởng tổ chức cấp phép xây dựng, thỏa thuận địa điểm xây dựng, thỏa thuận kiến trúc quy hoạch, không còn nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện chức năng chính là tham mưu chuyên môn.

Có kiến trúc sư trưởng, đô thị sẽ không còn lộn xộn? Ảnh : photoworld.com.vn

Nhiệm vụ thực thi được giao thời kỳ đó có sự nhầm lẫn giữa chỉ đạo đầu tư xây dựng công trình với công việc quản lý phát triển không gian đô thị (quy hoạch - kiến trúc). Mô hình thí điểm lần đầu tiên mang tính chất đặc biệt về nghệ thuật quản lý phát triển không gian đô thị. Nhưng cán bộ, công chức của văn phòng kiến trúc sư trưởng khi đó lại chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý cho một lĩnh vực đặc thù hơn các loại hình quản lý khác. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chuyên viên cao cấp Trần Ngọc Chính cũng đồng tình với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, Việt Nam rất cần có kiến trúc sư trưởng - một nhạc trưởng uy tín, có năng lực để đô thị mới hình thành và phát triển quy củ, có bản sắc.

"Nên có thiết chế kiến trúc sư trưởng nhưng chức năng, quyền hạn phải khác trước đi", ông Chính nhấn mạnh.

Có uy tín nghề nghiệp

Theo chiến lược phát triển đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp. Khi đó, tốc độ đô thị hóa dự kiến khoảng 50%. Trong bối cảnh đó, ông Chính thúc giục việc đưa vào Luật quy định thực hiện Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và thiết chế kiến trúc sư trưởng để bản sắc đô thị đi vào nề nếp.

Ủy ban Thường vụ QH đồng tình đề nghị quy định về kiến trúc sư trưởng ngay trong dự thảo Luật theo hướng việc lập chức danh này căn cứ vào yêu cầu quản lý về quy hoạch, kiến trúc đối với thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh có đô thị có nghĩa quốc gia về văn hóa, lịch sử cần bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị và theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, thiết chế kiến trúc sư trưởng sẽ bao gồm kiến trúc sư trưởng, bộ máy giúp việc và hệ thống các quy định để bảo đảm cho kiến trúc sư trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Với kỳ vọng vào vai trò của thiết chế kiến trúc sư trưởng, Bộ Xây dựng cũng đặt ra bộ tiêu chí lựa chọn vị nhạc trưởng của đô thị. Một trong những tiêu chí đầu tiên, đó là phải được đào tạo chuyên môn về kiến trúc, quy hoạch đô thị, có uy tín nghề nghiệp trong giới chuyên môn, được các hội nghề nghiệp có liên quan lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch công nhận. Kiến trúc sư trưởng cũng phải có kinh nghiệm thực tế về công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị và am hiểu về luật pháp.

Về Hội đồng Kiến trúc quy hoạch, Ủy ban Thường vụ QH cũng đồng tình việc thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có thể được thành lập tại thành phố, thị xã theo yêu cầu quản lý của chủ tịch UBND.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mong muốn các quy định liên quan đến thiết chế kiến trúc sư trưởng, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch được xem xét đưa ngay vào luật ngay, không thực hiện giai đoạn thí điểm. Khi có kiến trúc sư trưởng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc ở Hà Nội và TP. HCM sẽ mặc nhiên chấm dứt hoạt động.

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công. Đa số ý kiến nhất trí về thẩm quyền phê duyệt được quy định trong dự thảo Luật quản lý nợ công, theo đó, Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chiến lược nợ dài hạn.

Về thẩm quyền của Quốc hội, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công như mục tiêu chiến lược, định hướng huy động, sử dụng và quản lý nợ trong từng giai đoạn 5 năm, chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm...

Các ý kiến cũng đồng tình dự thảo Luật cần xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ khu vực công cũng như là cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ và đại diện cho các khoản vay nước ngoài.

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;