221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1186640
Không nên qui định "quá cứng" về kiến trúc sư trưởng
1
Article
null
Không nên qui định 'quá cứng' về kiến trúc sư trưởng
,

 - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, KTS Nguyễn Thế Thảo vừa ký công văn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội tham gia ý kiến về dự luật Qui hoạch đô thị, trong đó đề nghị bỏ điều 18 qui định về "kiến trúc sư trưởng".  

TIN LIÊN QUAN

Công văn có đoạn: "Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình kiến trúc sư (KTS) trưởng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước từ năm 1992. Đến 2002, Thủ tướng đã cho phép thành lập Sở Qui hoạch - Kiến trúc thay thế KTS trưởng thành phố. Hiện nay, khi còn chưa đủ căn cứ và cơ sở khoa học để khẳng định mô hình KTS trưởng có hiệu quả, mặt khác mô hình này đã được thí điểm trong 10 năm nhưng chưa thành công, do đó chưa nên qui định quá cứng bằng việc đưa vào luật.

Vì vậy, đề nghị bỏ điều 18 trong Luật Qui hoạch đô thị. Trước mắt, có thể giao Chính phủ triển khai thí điểm mô hình này với nội dung khác mô hình đã thí điểm trước đây.

Theo mô hình KTS trưởng làm "tư vấn" cho Chủ tịch UBND TP, không làm chức năng quản lý nhà nước và có thể kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch. Khi đó, nhiệm vụ của Hội đồng Kiến trúc Qui hoạch cũng là nhiệm vụ của KTS trưởng và KTS trưởng sẽ giữ vai trò là Thường trực của Hội đồng.

Với chức năng nhiệm vụ như vậy, KTS trưởng và Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch sẽ không chồng chéo với chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành thuộc Thành phố (như Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch đã hoạt động nhiều năm nay)". 

PGS.TS Huỳnh Đăng Hy (Ảnh: H.H)

"KTS trưởng chỉ là thư ký của Thị trưởng?" - PGS.TS Kiến trúc Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Các thành phố từ loại 2 trở lên đến thành phố đặc biệt cần có chức danh KTS trưởng thành phố. KTS trưởng là chức danh cá nhân, phải đứng đầu tổ chức quản lý qui hoạch - kiến trúc đô thị mới đúng nghĩa.

Nhưng qui định như dự luật Qui hoạch đô thị lần này thì KTS trưởng chỉ là một viên thư ký của Chủ tịch TP (Thị trưởng), không có tác dụng gì trong quản lý!

Quản lý qui hoạch - kiến trúc là công việc đa dạng, phức tạp, tính chuyên môn cao, cần một tổ chức mạnh, hội đủ các chuyên gia có nghề và đạo đức nghề nghiệp tốt - như cơ quan (sở, tổng sở) qui hoạch - kiến trúc thành phố. Đứng đầu sở này là giám đốc, là KTS trưởng của thành phố đó và giúp việc có một số phó KTS trưởng cùng nhiều ban, ngành chuyên môn.

Có thể ví KTS trưởng thành phố như một nhạc trưởng trong dàn nhạc với nhiều nhạc công sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau. Một nghệ sĩ duy nhất biểu diễn không thể gọi là nhạc trưởng được!

"Tôi không tán thành KTS trưởng hoàn toàn độc lập" - TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội. 

TS Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: H.H)

Không nên đưa qui định về KTS trưởng và Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch vào dự thảo vì nó chỉ là đặc thù chứ không đại trà. Luật nhằm qui định trách nhiệm, hành vi và nghĩa vụ của đối tượng chứ không tập trung vào vấn đề cơ cấu tổ chức.

Chính phủ đã có Nghị định qui định về kiến trúc đô thị rồi thì nên tiếp tục thí điểm chứ không đưa vào luật làm gì cả.

KTS trưởng là một chức danh cá nhân, là một nhà chuyên môn có năng lực, có chức danh KTS trưởng cho đô thị và cũng có KTS trưởng cho một đồ án, thậm chí một số nước trước đây còn có KTS trưởng của một đường phố...

Đã có lúc, HĐND TP Hà Nội định lập KTS trưởng của một khu vực nhưng sau không tìm được ai và cũng thấy rằng cơ chế này không làm được. 

Thứ trưởng Trần Ngọc Chính (Ảnh: H.H)

"Chúng tôi mong muốn xác lập lại KTS trưởng thành phố" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính

Chúng tôi mong muốn xác lập lại KTS trưởng thành phố. Các nước phát triển hầu như đều có KTS trưởng nhưng 20 năm trở lại đây mô hình này không còn nữa vì tốc độ đô thị hóa đã đạt đến 70, 80, thậm chí 90%, người dân có ý thức trách nhiệm cao về văn minh đô thị.

Ví dụ, khi có một mảnh đất, họ sẽ biết ngay nên xây thế nào, chứ không cần đọc luật thật kỹ mới biết cần phải làm gì trong xã hội; khi nhà họ mốc meo, có giấy gửi đến đề nghị sơn lại đúng màu này và họ có trách nhiệm tự làm ngay, nếu không, một tháng sau sẽ có người đến sơn và chủ nhà phải trả tiền gấp đôi.

Do đó, các nước phát triển hiện nay đã chuyển sang một kiểu quản lý mới mà không có chế độ KTS trưởng. Song ở nước ta, tốc độ đô thị hóa như thế, trình độ văn minh đô thị như thế, những vấn đề quản lý đô thị như thế... rất cần một KTS trưởng - nhạc trưởng cho từng đô thị - để có chiến lược quản lý sự phát triển của đô thị mình và tư vấn cho chủ tịch UBND TP những ý kiến tốt nhất về đô thị...

Chúng tôi thiết kế mô hình KTS trưởng không chỉ cho Hà Nội và TP.HCM, mà cho tất cả các đô thị trực thuộc trung ương, đô thị đặc biệt như Huế, Hội An... Nhưng riêng Hà Nội và TP.HCM phải có giải pháp riêng. Có thể chuyển Sở QH-KT sang lĩnh vực đó, còn chuyển thế nào là do cách làm, vì bản chất của Sở này là Văn phòng KTS trưởng cũ.

Đối với đô thị, nếu không có Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch thì rõ ràng một KTS trưởng không thể nhìn nhận được sự phát triển của đô thị một cách toàn diện. Cần phải có bộ óc tinh tường của Hội đồng Kiến trúc - Qui hoạch đô thị.

  • Tràng An Nguyễn (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,