221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1178664
Kích cầu: Chính phủ muốn xin ý kiến Quốc hội cũng khó
1
Article
null
Kích cầu: Chính phủ muốn xin ý kiến Quốc hội cũng khó
,

 - Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ QH hôm nay (20/3) về gói kích cầu 17 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu thực tế QH không họp thường xuyên nên Chính phủ muốn xin ý kiến cũng khó.

Giải pháp đột xuất

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc: Chủ trương đợi đến tháng 5 họp Quốc hội mới đưa ra trình thì con đâu tính chất nhạy bén của chính sách nữa?

Để hỗ trợ cho 62 huyện nghèo, do chưa được Quốc hội thông qua trong kế hoạch ngân sách năm 2009, Chính phủ đã phải tạm ứng, đợi xin ý kiến. Vậy còn 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ kích cầu qua lãi suất thì sao? Chính phủ có thể tự quyết định hay đáng ra phải đợi ý kiến của Quốc hội? 

Trả lời chất vấn này của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho hay cũng nhiều người hỏi các thành viên trong Chính phủ: Tại sao ở Mỹ, Tổng thống phải xin ý kiến Quốc hội để kích thích kinh tế, còn Việt Nam thì không? 

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Phúc cho rằng, mỗi nước có những quy trình tổ chức thích ứng. Nước Mỹ chỉ Tổng thống quyết nên cần cơ quan lập pháp kiểm tra. Trong khi đó, Việt Nam đã qua mấy lần tập thể bàn: Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị. 

"Quốc hội của Việt Nam không họp thường xuyên, mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ chỉ khoảng một tháng, muốn xin ý kiến cũng khó", Bộ trưởng lý giải.

Nhấn mạnh hỗ trợ kích cầu là giải pháp "đột xuất", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói nguồn tiền này lấy từ dự trữ ngoại hối, Chính phủ có quyền linh hoạt điều động. "Nước nào cũng vậy, trong lúc khó khăn, có thể huy động tiền dự trữ, nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các ngân hàng".

"Chủ trương đợi đến tháng 5 họp Quốc hội mới đưa ra trình thì còn đâu tính chất nhạy bén của chính sách nữa? Đương nhiên, Chính phủ cũng sẽ báo cáo để Quốc hội giám sát trong kì họp tới".

Không đồng tình với cách viện dẫn cơ chế này, ĐB Ngô Văn Minh nhấn mạnh, nếu kì họp cuối năm ngoái, dự báo tốt, lường trước được tình hình phức tạp, thì trong Nghị quyết có thể giao Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp xử lý. "Nói như vậy là để cả Chính phủ và Quốc hội đều nhận ra lỗi và rút kinh nghiệm".

Nhiều "cắc cớ" trong phân cấp

Việc kích cầu không chỉ là bỏ vốn ra, mà theo ĐB Lê Quốc Dung, quan trọng là phải gỡ những vướng mắc về thủ tục. Ở các địa phương, có bao nhiêu dự án nhỏ nhưng chủ đầu tư không có khả năng, phải "ngâm" đấy. 

Thêm nữa, bố trí vốn vẫn còn dàn trải, dù Chính phủ đã tập trung vốn để đầu tư tạo sức mạnh tổng hợp, tập trung giải quyết dứt điểm các công trình. Chúng ta vẫn còn cấp phép theo kiểu để dành, sai quy định. "Thực tế đi kiểm tra, ở nhiều nơi, các công trình dở dang nhất loạt", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu.

ĐB Lê Quốc Dung đặt vấn đề: Trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu trong việc kiểm tra, xử lý các vấn đề trong đầu tư? "Phân cấp không có nghĩa là Bộ hết trách nhiệm".

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận, Chính phủ vẫn còn nhiều cắc cớ trong đầu tư, phân cấp, nhất là về thủ tục chồng chéo. Luật pháp chưa tốt, mà ngay cả khi tốt rồi, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. "Đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chẳng hạn, người dân thường không biết, sai 2 - 3 lỗi là bình thường. Cán bộ làm có tâm sẽ chỉ dẫn để họ sửa luôn. Người không có tâm thì mỗi lần chỉ hướng dẫn sửa một lỗi. Cựu Thủ tướng, rồi các bộ trưởng đều từng vướng phải thủ tục rắc rối".

Chính phủ đã thấy điều này và giao sửa luật với tinh thần sửa những vấn đề cấp bách nhất.

Ngân hàng, điện... có chung lưng đấu cật với Chính phủ?

Sau mấy tháng triển khai gói kích cầu, hiện nay, các ngân hàng đã cho vay được 150 nghìn tỷ đồng, trong số 600 nghìn tỷ đồng để có thể sử dụng hết 17 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất..

Nhiều đại biểu lo ngại, hiệu quả thực tế của gói kích cầu đến đâu, có hay không chuyện đảo nợ, khiến cho tiền chỉ chạy vòng quanh các ngân hàng? Liệu nó có làm tăng trưởng dư nợ cho Việt Nam, trong khi thâm hụt ngân sách đã lớn?

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) muốn biết đã bao nhiêu tiền kích cầu qua lãi suất tới được doanh nghiệp. Thực tế ở Hưng Yên, trong số 4.000 doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh, chỉ có duy nhất 1 hợp tác xã đã tiếp cận được vốn.

"Chia lửa" với Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, tới thời điểm này chưa phát hiện bất kỳ trường hợp đảo nợ nào. "Không cần quá lo lắng về tăng trưởng dư nợ, bởi mục tiêu chính sách nhằm vào các khoản vay ngắn hạn, tăng vốn lưu động cho doanh nghiệp, nên không làm tăng dư nợ tín dụng".

ĐBQH nhấn mạnh, ngân sách kích cầu là tiền thuế của dân, phải công khai, minh bạch, công khai các nhóm lợi ích được hưởng để người dân biết, Quốc hội giám sát.

ĐB Hải nêu rõ, như trường hợp ngành ngân hàng, ngành điện, ưu đãi được hưởng nhiều, liệu họ có chung lưng đấu cật cùng Chính phủ, hay "khi có lãi chia nhau, lúc lỗ thì chìa tay xin Nhà nước"?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, việc ngân sách cho đầu tư và tiêu dùng luôn công khai. Với số tiền kích cầu cũng vậy, tất cả các ngân hàng tham gia đều công khai việc sử dụng của mình.

Nhưng rốt cuộc, sau hơn 2 giờ trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đã "quên" không trả lời câu hỏi về những giải pháp cụ thể để đảm bảo chống thất thoát, tham nhũng trong sử dụng số tiền ngân sách lớn như vậy, cũng như câu hỏi về trách nhiệm.

  • Phương Loan

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;