- Phải đến gần 13 tháng sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, văn phòng công chứng (VPCC - công chứng tư) đầu tiên mới được chính thức khai trương tại Hà Nội. Tháng 1 vừa qua, tức chỉ 6 tháng sau đó, Bộ Tư pháp ra văn bản yêu cầu UBND TP tạm dừng việc cấp phép thành lập văn phòng mới.
"Trâu chậm uống nước đục"
Một trong những "nạn nhân" của văn bản này là GS.TS Nguyễn Niên. Được bổ nhiệm làm công chứng viên từ tháng 12/2008, hồ sơ, thủ tục và kinh phí cũng đã chuẩn bị "hòm hòm" nhưng ông đã " chậm chân" không kịp mở VPCC của riêng mình.
VPCC Hoàn Kiếm mới khai trương tuần đầu tháng 3 vì đã nhận giấy phép từ trước khi Bộ Tư pháp ra văn bản. Ảnh: Quang Huy
Vị cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ không giấu vẻ thất vọng: "Tháng 12 Bộ cấp chứng chỉ để tôi mở văn phòng công chứng rồi, thế mà tháng 1 lại yêu cầu Hà Nội dừng việc cấp phép. Trong khi cấp hay không là thẩm quyền và trách nhiệm của UBND Thành phố. Tôi đã được cấp chứng chỉ thì tôi có quyền hành nghề".
Đã lên phương án hoạt động cho VPCC sẽ mở tại Cầu Giấy, ông Niên cho rằng, không thể đưa ra lý do "phân bổ chưa hợp lý" để quy hoạch VPCC theo kiểu "rải đều". "Thị trường sẽ tự điều tiết. Nếu mở ra mà không làm ăn được thì tất yếu anh sẽ chết yểu thôi. Không thể dùng một mệnh lệnh hành chính để quyết định, hơn nữa mệnh lệnh này lại tạo sự bất bình đẳng giữa những người đã kịp mở VPCC và những người "chậm chân" như tôi".
Đồng quan điểm này, TS luật Trần Đình Triển nói: "Đã xã hội hóa thì cứ để những ai có đủ điều kiện được phép lập VPCC và coi đây là một sự cạnh tranh lành mạnh. Nơi nào làm tốt, phục vụ chuyên nghiệp, giá cả hợp lý, dân sẽ tự tìm đến và ngược lại".
Trong khi đó, đại diện phía Bộ Tư pháp - cơ quan ra văn bản, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nói việc dừng lại là do chưa có quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng với địa bàn Hà Nội mở rộng. Do đó, trước mắt sẽ yêu cầu thành phố dừng cấp phép, tiến hành rà soát để lên quy hoạch mới.
Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất - một trong những tác giả tích cực nhất cho chủ trương xã hội hóa công chứng - cũng nói: "Sau khi mở rộng địa giới hành chính, cần phải làm đề án mới, mà một trong những nội dung quan trọng là phải quy hoạch, phân bổ mạng lưới hành nghề công chứng một cách hợp lý".
Ở Hà Tây (cũ), nơi các giao dịch về nhà đất đang phát triển nhanh, lại chưa có VPCC nào được thành lập. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, ở nội thành Hà Nội hiện nay, có quận có tới 7 VPCC, và có nơi không có văn phòng hay phòng công chứng nào.
Trên thực tế, trừ huyện Sóc Sơn, tất cả các quận, huyện của Hà Nội (cũ) đều đã có các VPCC.
VPCC đang gặp khó hay là "con gà đẻ trứng vàng"?
"Lẽ ra việc quy hoạch phải được đặt ra và giải quyết trước khi triển khai hoạt động công chứng tư. Đợi đến khi đã mở được một số rồi mới tạm ngừng để quy hoạch thì vô hình trung, Nhà nước tạo ra tình trạng phân biệt đối xử giữa người đến trước và người đến sau". TS Nguyễn Ngọc Điện
Như vậy, việc cấp phép thành lập văn phòng công chứng mới sẽ phải tạm dừng trong thời gian tiến hành rà soát, xem xét các tổ chức hành nghề công chứng và chờ quy hoạch tổng thể phát triển nghề công chứng mà Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng phê duyệt vào giữa năm 2009. Mục tiêu của đề án nhằm hình thành bản đồ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp, phân bố hợp lý trên toàn quốc.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng "gợi ý", với những công chứng viên (CCV) đã được bổ nhiệm như ông Nguyễn Niên, trước mắt khuyến khích họ đến làm việc ở các VPCC đã mở.
Các trưởng VPCC hiện đang hoạt động nhờ nhanh nhạy với chủ trương xã hội hóa khi được hỏi đều cho rằng chuyện dừng cấp phép là đúng. Than "gặp khó", "đói" khách hàng, doanh thu thấp, thậm chí có người còn lo lắng tương lai "các văn phòng sẽ phải sáp nhập để duy trì hoạt động".
Thực tế, số liệu thống kê được nộp lên Sở Tư pháp Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng, 19 VPCC đã thu được hơn 4,3 tỉ đồng tiền lệ phí từ trên 15.000 hợp đồng giao dịch.
Theo TS luật Nguyễn Ngọc Điện, đúng là cần quy hoạch để bảo đảm công ăn việc làm cho CCV cũng như để tránh chuyện cạnh tranh không lành mạnh. "Điều đáng nói là, lẽ ra việc quy hoạch phải được đặt ra và giải quyết trước khi triển khai hoạt động công chứng tư. Đợi đến khi đã mở được một số rồi mới tạm ngừng để quy hoạch thì vô hình trung, Nhà nước tạo ra tình trạng phân biệt đối xử giữa người đến trước và người đến sau. Như vậy là không đúng luật".
Đó mới chỉ là khía cạnh số lượng. Về chất lượng hoạt động, hệ thống dữ liệu chung để công chứng nhà nước cũng như tư nhân chia sẻ với nhau trước mắt trong phạm vi một tỉnh và sau đó trên toàn quốc, nhằm tránh những rủi ro, sai sót, cho đến giờ này, vẫn chưa được triển khai.
-
Lê Nhung