- Ngày 24/2 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2010. Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng sau cuộc họp này.
Không khuyến khích công nghệ tiêu hao năng lượng
Theo đánh giá của Thủ tướng, năm 2008, việc cấp điện thiếu hụt kéo dài, xảy ra diện rộng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Tiến độ xây dựng nhiều công trình nguồn và lưới điện không đảm bảo ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các năm sắp tới.
Ảnh: VNN
Tỷ trọng điện sản xuất của các nhà máy thuộc Tập đoàn hiện đang chiếm tới gần 70%. Sắp tới tỷ lệ này có thể giảm nhưng EVN và các đơn vị phát điện nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo.
Từ 1/3, khi giá điện tăng thì chất lượng, dịch vụ cũng phải tăng. Đặc biệt là cần sử dụng tiết kiệm điện. Mặc dù mức tiêu thụ điện bình quân đầu người ở Việt Nam thấp nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Ở nhiều nước, GDP tăng 1%, điện tăng dưới 1% nhưng ở Việt Nam, GDP tăng 1% thì điện tăng gần 2%.
Một trong các giải pháp tiết kiệm là không phát triển các dự án công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng.
Xác định tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn ODA cho các dự án điện nhưng Chính phủ cũng yêu cầu EVN phải chủ động tìm các nguồn vốn khác như vay thương mại, phát hành trái phiếu... Việc hình thành thị trường, đưa cạnh tranh vào ngành điện là cần thiết với mục đích cung cấp điện ổn định, chất lượng ngày càng nâng cao, thu hút mọi thành phần kinh tế cùng tham gia.
Đánh giá thực hiện cổ phần hóa các nhà máy điện
Năm 2008, doanh thu đạt trên 66 nghìn tỷ đồng. Ngành điện đã đầu tư nhiều công trình nguồn và lưới điện. Từ 2006 - 2008, tổng vốn đầu tư 96 nghìn tỷ. Năm nay, sản lượng điện phải tăng 11,33%. Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 8,85%. Đầu tư, đưa vào vận hành 9 công trình nguồn điện là các nhà máy thủy điện và nhiệt điện như Ba Hạ, Bản Vẽ... Khởi công xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1, Mông Dương 1.
Thủ tướng yêu cầu năm 2009 phát triển đồng bộ các dự án lưới điện, truyền tải và phân phối để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Đặc biệt, tiếp nhận các xã để bán điện trực tiếp đến các hộ nông dân, sao cho đến 2010, nông dân được mua đúng giá quy định.
Thường trực Chính phủ cũng đưa ra những định hướng chủ yếu cho năm 2010.
Theo đó, để bắt nhịp với nền kinh tế sẽ phục hồi, EVN cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu điện tăng khoảng 14 - 15% so với 2008, thu xếp đủ vốn và tập trung đầu tư để đưa vào khoảng 2.300 MW nguồn điện mới và lưới điện đồng bộ vào vận hành.
Để giúp EVN thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Thủ tướng giao Bộ Công thương rà soát, hiệu chỉnh lại quy hoạch điện VI và chuẩn bị lập quy hoạch điện VII.
Bộ Công thương có trách nhiệm dự báo tốc độ tăng nhu cầu điện, trên cơ sở đó, kiến nghị các dự án điện cần phải đầu tư, nếu cần sẽ phân công lại.
Các chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, các dự án nguồn điện cấp thiết chậm triển khai sẽ chuyển giao sang các tập đoàn khác có đủ năng lực. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu tham gia phát triển các nguồn điện sử dụng khí đốt. Tập đoàn Than và Khoáng sản chủ yếu phát triển các nhà máy đốt than và cung cấp than... Đặc biệt, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tỷ lệ nhất định.
Bộ Công thương cũng là đơn vị chịu trách nhiệm cân đối các nguồn nhiên liệu than, dầu khí sử dụng cho điện đến năm 2015.
Thời gian tới, cần đánh giá tình hình thực hiện cổ phần hóa các nhà máy điện. Báo cáo Thủ tướng xem xét việc tiếp tục thực hiện cổ phần hóa dự án điện và giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong lĩnh vực phát điện.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xem xét tăng vốn điều lệ cho EVN.
Ngày 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi liên quan đến đề án tái cơ cấu ngành điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết chủ trương của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước đang triển khai và EVN không phải ngoại lệ. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, hiện Thủ tướng chưa có ý kiến về vấn đề này.
-
Ngọc Lê