- Để đại biểu Quốc hội - những người do dân bầu ra từ lá phiếu trực tiếp - thực hiện được trọn vẹn quyền điều tra nói riêng - nếu được trao, và quyền giám sát nói chung, phải tính đến căn nguyên vấn đề. Ngoài năng lực, tâm huyết, liệu họ có đủ thời giờ để làm việc đó hay không?
Một ngày đầu năm 2008, đại biểu Quốc hội Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh kiên nhẫn bỏ cả buổi sáng tiếp hơn chục công dân Thủ đô đến phòng tiếp dân của thành phố khiếu kiện. Từ chuyện tố cáo cán bộ tham nhũng đến chuyện tranh chấp đất đai... Những người đi khiếu nại, tố cáo lần đầu hết sức hy vọng vị đại biểu Quốc hội - vốn công tác trong ngành kiểm sát - sẽ giúp được họ thoát khỏi mớ bòng bong bấy lâu. Nhưng không ít người đi "kiện" đã hàng năm trời thì không mấy tin tưởng. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, một cán bộ về hưu ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, nằm trong số đó.
Cử tri trông cậy nhiều ở đại biểu Quốc hội. Ảnh chụp tại một cuộc tiếp xúc với cử tri của đại biểu QH Hà Nội. Ảnh: VA
"Tôi gửi đơn lên quận, rồi UBND thành phố từ mấy năm nay rồi. Tôi cũng đã từng gửi đơn cho một đại biểu Quốc hội trẻ của quận tôi ở, thậm chí gọi điện. Cô ấy hứa giúp giải quyết đấy, nhưng không thấy động tĩnh gì cả. Chẳng biết lần này bà Khánh có tích cực hơn không".
Bản thân đại biểu Quốc Khánh tỏ ra vô cùng thông cảm với những công dân mà bà gặp và trò chuyện, dù chỉ trong mươi phút. Lắng nghe câu chuyện của họ, hiểu ý nguyện của họ, song việc duy nhất mà bà tự tin sẽ làm được, đó là chuyển những lá đơn mỏng hay những tập hồ sơ dày cộp đến các cơ quan có thẩm quyền, và yêu cầu những nơi này giải quyết.
Tâm trạng của bà Khánh không khác ý nghĩ "bất lực" của một đại biểu Quốc hội khóa trước, cũng của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Anh Nhân. Trước khi rời nghị trường, bà Nhân từng trăn trở: "Cử tri trông chờ rất nhiều vào đại biểu, vì thế, cái đau đớn nhất của người đại biểu Quốc hội là khi người ta trông chờ mà mình không giải quyết được gì".
Bà cũng thẳng thắn đề nghị, phải xem xét cơ chế giải quyết khiếu nại của dân khi phản ánh đến đại biểu Quốc hội. "Còn bây giờ, với cơ chế không rõ ràng, đại biểu cũng chỉ biết kính chuyển và kính gửi mà thôi".
Có lẽ xuất phát từ chính băn khoăn này của những cuộc, tại cuộc Hội thảo về "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội" diễn ra đầu tuần này, không ít người đã lên tiếng đề nghị trao thêm quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội.
Tiến sỹ Trương Thị Hồng Hà (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính và Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) còn đề xuất xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như tiêu chí của việc thành lập Ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra, thành lập Ủy ban giám sát của Quốc hội làm nhiệm vụ điều hoà các hoạt động giám sát.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long kiến nghị trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các luật, pháp lệnh có liên quan đến khiếu nại, tố cáo, nên xem xét lại quy định về việc chuyển đơn khiếu nại theo hướng đại biểu Quốc hội không chuyển đơn khiếu nại, chỉ nghiên cứu, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp xét thấy có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội nghiên cứu giám sát theo thẩm quyền. Các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội chỉ chuyển đơn khiếu nại khi nghiên cứu đơn và các tài liệu liên quan xét thấy có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật.
Ông Long cũng muốn sớm xúc tiến nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính nhà nước, đồng thời thành lập phòng chuyên trách ở các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân chuyên lo phục vụ hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong phạm vi địa phương.
Tuy nhiên, để đại biểu Quốc hội - những người do dân bầu ra từ lá phiếu trực tiếp - thực hiện được trọn vẹn quyền điều tra nói riêng - nếu được trao, và quyền giám sát nói chung, phải tính đến căn nguyên vấn đề. Ngoài năng lực, tâm huyết, liệu họ có đủ thời giờ để làm việc đó hay không?
Như nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão nhận xét: "Hiện nay, trên 2/3 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho nhiệm vụ giám sát không nhiều nên những nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo cần tăng thêm số đại biểu chuyên trách và coi trọng năng lực thực sự của các ứng cử viên để lựa chọn được những đại biểu có tài".
-
Vân Anh