221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1171056
Đề xuất bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội
1
Article
null
Đề xuất bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội
,

Tại Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội tổ chức chiều 2/3, nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội sớm củng cố và hoàn thiện các công cụ giám sát phù hợp như bổ sung quyền chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban.

Chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội - hoạt động giám sát tối cao được đông đảo cử tri theo dõi.

Hội thảo kéo dài 2 ngày này do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì. Nguyên các Phó Chủ tịch Quốc hội: Vũ Đình Cự, Mai Thúc Lân, Nguyễn Văn Yểu, Nguyễn Phúc Thanh và Thường trực Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội dự Hội thảo.

Giám sát là một trong ba chức năng của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Những năm gần đây, dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát tối cao thông qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp toàn thể của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. 

Nội dung giám sát đã tập trung vào những vấn đề bức xúc trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Qua hoạt động chất vấn đã thể hiện được vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm pháp luật được thực thi một cách công bằng và minh bạch. 

Tuy nhiên, phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: " Mặc dù Quốc hội luôn tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát nhưng hoạt động giám sát chưa đạt được kết quả như mong đợi; hoạt động giám sát các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, việc bỏ phiếu tín nhiệm dù pháp luật đã quy định rõ nhưng trên thực tế vẫn chưa được thực hiện, khiến dư luận cử tri băn khoăn".

Khẳng định việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội là đòi hỏi tất yếu của tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất: " Hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội chỉ thực sự được nâng cao khi Quốc hội tăng cường giám sát tại Hội đồng dân tộc và các ủy ban".

Theo đó, nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội sớm củng cố và hoàn thiện các công cụ giám sát phù hợp như bổ sung quyền chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban; Xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như tiêu chí của việc thành lập các ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão cho rằng: "Hiện nay, trên 2/3 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho nhiệm vụ giám sát không nhiều nên những nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo cần tăng thêm số đại biểu chuyên trách và coi trọng năng lực thực sự của các ứng cử viên để lựa chọn được những đại biểu có tài". 

Hoạt động giám sát của Quốc hội không nên dàn trải mà cần chọn lọc những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội và cố gắng đi đến tận cùng nội dung giám sát; coi trọng giám sát theo chuyên đề, làm rõ thực chất và phân tích đầy đủ các nguyên nhân và đề ra các kiến nghị để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh đề cao tính độc lập, khách quan trong thực hiện quyền giám sát và hoạt động giám sát của Quốc hội. Ông nhấn mạnh phải hệ thống hoá và cập nhật thường xuyên các chính sách, chế độ mới cũng như những thông tin cần thiết về kinh tế, tài chính, xã hội, những định mức, tiêu chuẩn làm căn cứ cho việc thẩm tra, đánh giá và giám sát để cung cấp cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục trong ngày mai (3/3).

Theo TTXVN

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,