Một loạt các giải pháp cụ thể triển khai kích cầu được Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp ngày 18/2 của Thường trực Chính phủ, trong đó có việc dùng sản phẩm nội địa cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Tỷ giá khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu
Thủ tướng: Giảm bớt thủ tục, kinh phí đối với người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Cổng TTĐTCP
Trên cơ sở báo cáo và ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế và Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính làm việc cụ thể với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, trước hết là chính sách thuế, thủ tục hải quan; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không nóng ruột vì kích cầu mà cho vay dự án kém hiệu quả.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thống nhất với các bộ, ngành mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ 4% vay vốn ngân hàng.
Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn phải ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời triển khai chính sách này đến tận doanh nghiệp ở huyện và xã. Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ phương án điều hành tỷ giá theo hướng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu gắn với đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể.
Các bộ, ngành và địa phương phải tập trung đôn đốc quyết liệt tiến độ các dự án đã bố trí đủ vốn đầu tư; tập trung giải ngân hết hơn 44.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư các dự án trong năm nay; không triển khai tràn lan xây trụ sở cơ quan đơn vị; trình sớm các dự án bổ sung cần tạm ứng vốn ngân sách năm 2010, trong đó ưu tiên các công trình dự án đường Trường Sơn Đông, đường tuần tra biên giới và Trường Sa.
Lành mạnh hóa tài chính DNNN
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tính toán xây dựng cụ thể danh mục dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn ODA nối lại của Nhật Bản theo hướng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cấp bách, nhất là các dự án có thu hồi vốn; tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tạo thuận lợi đẩy mạnh đầu tư, giải ngân các nguồn vốn và giải phóng mặt bằng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Tài Chính siết lại hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, rà soát, cơ cấu lại vốn và lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
Đối với hỗ trợ xuất khẩu, Thủ tướng đồng ý tăng thêm kinh phí xúc tiến thương mại; lựa chọn những ngành nghề, mặt hàng gặp khó khăn để hỗ trợ trực tiếp nhằm đảm bảo việc làm, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày…
Làm đường nông thôn bằng xi măng nội
Đồng tình với Đề án đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nội địa của Bộ Công thương, Thủ tướng cho rằng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước thì phải sử dụng sản phẩm trong nước. Đơn cử như 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn, nhất là giao thông thì dứt khoát sử dụng xi măng trong nước.
Thủ tướng cũng đồng ý cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương, bảo hiểm, trợ cấp mất việc làm cho người lao động; cho vay ưu đãi tạo việc làm cho người lao động và đào tạo nghề cho người lao động mất việc làm; tăng cường cho vay để đẩy mạnh xuất khẩu lao động gắn với giảm bớt thủ tục, kinh phí đối với người đi xuất khẩu lao động; hỗ trợ đào tạo nghề trực tiếp cho bộ đội xuất ngũ.
Các bộ, ngành ngay trong tháng 2 này phải triển khai các kết luận tại cuộc họp.
Theo TTXVN