221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1154483
Bảo vệ chủ quyền đất nước: Điểm tựa là dân tộc
1
Article
null
Bảo vệ chủ quyền đất nước: Điểm tựa là dân tộc
,

 - Năm 2008, Việt Nam đã củng cố bước đi hội nhập, vươn ra thế giới với vai trò lớn hơn, tích cực và chủ động hơn. Những thách thức hội nhập rộng mở đã đặt ra cho ngành ngoại giao những yêu cầu mới, đặc biệt vấn đề nhân lực - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với VietNamNet trong cuộc trò chuyện đầu năm.  

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Trường Sơn

Khẳng định những thành tựu ngoại giao năm qua, Thứ trưởng Phạm Bình Minh nhận định Việt Nam đang vươn ra thế giới với vai trò lớn hơn, tích cực và chủ động hơn.

Nhìn lại tiến trình đổi mới và từng bước hội nhập trong hơn 20 năm qua, từ việc tham gia khu vực ASEAN, không ngừng mở rộng và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới, cho đến tham gia các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và gần đây nhất đảm trách vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), Việt Nam đã thực sự vươn ra môi trường toàn cầu.

“Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc các vấn đề trong phạm vi khu vực thì giờ đây, Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh toàn cầu, kể cả những khu vực xa xôi như  ở châu Phi. Sự ổn định hòa bình trong khu vực và trên thế giới tác động trực tiếp đến hòa bình của Việt Nam. Đó là thành tựu quan trọng”, ông Minh nói.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thời hội nhập

- Năm 2009, tình hình khu vực và thế giới được dự báo phức tạp, biến đổi nhanh chóng. Ngoại giao Việt Nam đã xác định cái bất biến ứng với những vạn biến của thế giới sắp tới như thế nào?

- Ngoại giao Việt Nam luôn phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong mọi thời đại. Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là nước nhỏ phải chịu nhiều ngoại xâm. Nhưng ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng quan hệ với các nước. Đó là nền tảng để phát triển hòa bình, ổn định. Phong thái ngoại giao đó đã được xây đắp và ghi dấu ấn qua các hội nghị quốc tế đàm phán kết thúc chiến tranh ở Việt Nam như Hội nghị Genève, Hội nghị Paris.

Ngày nay, ứng dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong một thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ với quá nhiều lợi ích, mâu thuẫn đan xen phức tạp quả là một gánh nặng đối với ngành ngoại giao. Dĩ bất biến, thời nào cũng vậy, là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hướng tới dân giàu nước mạnh. Ứng vạn biến là muôn nghìn con đường, cách thức và ứng xử hết sức linh hoạt, đôi khi tinh tế, để đi tới mục tiêu thành công.

Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".  Nhưng chúng ta cũng luôn sẵn sàng đấu tranh, kiên quyết giữ nguyên tắc trong những vấn đề không thể nhân nhượng.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh và lãnh đạo Phái đoàn Việt Nam tại cuộc họp HĐBA ngày 16/4/2008. Ảnh: UN Photo

Ngoại giao không đơn độc trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền

 - Trong quá khứ, khi sự phân biệt địch - ta, đồng minh - kẻ thù khá rõ ràng, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Hiện nay, vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước không căng thẳng như xưa nhưng lại có vẻ phức tạp hơn khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức mới về chủ quyền vô cùng tinh vi, có lúc nhẹ nhàng đến mức ta không nhận thấy được. Ngoại giao sẽ đóng vai trò như thế nào trong sứ mệnh này?

- Thời nào cũng thế, ngoại giao là một phương thức quan trọng mang lại hòa bình. Ngoại giao đóng góp vào việc kết thúc các cuộc chiến tranh. Việt Nam đã từng ghi dấu ấn vào lịch sử với những nhà ngoại giao, nhà đàm phán lẫy lừng như Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ.

Để có thể mang lại sự yên bình cho người dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, chúng ta rất cần các cán bộ ngoại giao giỏi. Mà để trở thành một cán bộ giỏi, tôi thấy việc bản thân mỗi người phấn đấu vượt qua chính mình là điều khó nhất. Vai trò của người cán bộ ngoại giao trong thời bình cũng quan trọng như vai trò của người lính trong thời chiến. 

"Bảo vệ chủ quyền đất nước, tình yêu Tổ quốc, gìn giữ non sông chung cho tất cả là ngọn cờ tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân trong hay ngoài nước. Đó là sức mạnh lớn của chúng ta".

Vừa qua, chúng ta đã trải qua nhiều cuộc đàm phán khó khăn, phức tạp. Ngày cuối cùng của năm 2008, chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, đấy là sự kiện trọng đại đối với cả hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai dân tộc, chúng ta phân định xong đường biên giới hòa bình trên bộ, góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước.

Trong hoạt động ngoại giao, đàm phán không chỉ để giải quyết tranh chấp, mà ngay cả đàm phán một hiệp định kinh tế cũng là mang lại lợi ích bảo vệ chủ quyền đất nước.

Giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, trong một thế giới đầy biến động với những giằng xé, ràng buộc về lợi ích đòi hỏi những ứng xử vô cùng linh hoạt, thậm chí phải tinh tế nhưng tỉnh táo, dựa trên sợi chỉ đỏ xuyên suốt: Chủ quyền đất nước là không thể nhân nhượng.

Những trả giá lớn lao bằng sinh mạng và xương máu của cha ông trong quá khứ nhắc nhở chúng ta ngày nay nỗ lực thông qua con đường hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền đất nước, đặc biệt trong vấn đề biển đảo. Ngoại giao phải đóng vai trò hàng đầu trong sứ mệnh đó.

Nhưng tôi tin rằng, ngành ngoại giao không đơn độc trong sứ mệnh ấy, bởi có điểm tựa phía sau là cả dân tộc. Bảo vệ chủ quyền đất nước, tình yêu Tổ quốc, gìn giữ non sông chung cho tất cả là ngọn cờ tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân trong hay ngoài nước. Đó là sức mạnh lớn của chúng ta.

- Những biến động trong năm qua đặt ra những bài học lớn về công tác dự báo cho tất cả mọi ngành, trong đó có ngành ngoại giao. Để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, theo Thứ trưởng, công tác dự báo của ngành trong năm nay được đặt ra như thế nào?

- Bản thân công tác dự báo là khó, không thể ai dự báo đúng 100%. Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua là một ví dụ. Nhiều nhà dự báo giỏi cũng khó dự đoán những biến động khó lường. Công tác dự báo chưa trúng một phần vì tình hình thế giới biến động quá nhanh và phức tạp.

Để nâng cao năng lực dự báo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong năm qua, Bộ đã thiết lập Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao nằm trong Học viện Quan hệ quốc tế. Với việc tận dụng tri thức, kinh nghiệm của các nhà ngoại giao kỳ cựu, ngành hy vọng sẽ đóng góp cho công tác nghiên cứu dự báo chung của cả nước tốt hơn.

Làm thế nào để có chính sách đòn bẩy trong lĩnh vực này là điều mà chúng tôi đang trăn trở nhất. Không ai muốn ngồi im một chỗ nghiên cứu cả. Lãnh đạo Bộ đang cố gắng xây dựng chính sách lương, đãi ngộ phù hợp với điều kiện chung của đất nước nhưng chí ít phải khuyến khích, tạo thuận lợi cho cán bộ yên tâm nghiên cứu.

Tin vào người trẻ

- Lại nói về chuyện cán bộ, một câu nói rất cũ: Con người là yếu tố căn bản quyết định mọi thành công. Ông thấy đội ngũ cán bộ ngoại giao hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa?

- Nếu đặt câu hỏi đội ngũ cán bộ ngoại giao hiện nay đã đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu chưa, thì phải thẳng thắn thừa nhận là chưa. Bởi lẽ, yêu cầu luôn ngày càng cao. Nhưng mặt bằng chung, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay có lợi thế dễ dàng bồi đắp tri thức, ngoại ngữ, đi ra ngoài mở mang, học hỏi kinh nghiệm. Đường lối đối ngoại đa dạng, rộng mở cũng tạo điều kiện cho thế hệ làm công tác đối ngoại trẻ được cọ xát nhiều với thực tế. 

"Chúng ta nên tin vào lớp cán bộ trẻ. Nếu được tin tưởng và trao trách nhiệm, chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ làm nên được rất nhiều". Ảnh: XL

- Rõ ràng, như ông nói, những người làm ngoại giao hiện nay có cơ hội học hỏi và trưởng thành nhanh hơn thế hệ đi trước. Nhưng tại sao chúng ta lại thiếu vắng những tên tuổi ghi dấu ấn như lớp thế hệ ngoại giao kỳ cựu thời kỳ trước, những người đã ghi tên mình vào lịch sử, được thế giới nể trọng như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Mai…? Có phải ngành ngoại giao đang đối mặt với thách thức “khủng hoảng thế hệ” như nhận định của một số nhà ngoại giao lão thành?

- Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đặc biệt thời kỳ chiến tranh, bao vây cấm vận khó khăn, đã có những con người kiệt xuất, ghi dấu ấn. Thời thế tạo anh hùng, những thách thức tạo cơ hội nên trong khó khăn có nhiều con người tỏa sáng. Giai đoạn ngoại giao thời kỳ hội nhập của Việt Nam, không phải không có những tên tuổi sáng chói, ghi dấu ấn, mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một trong số đó.

Nếu nhận định khủng hoảng thế hệ với nghĩa bi quan quá thì không hẳn. Như tôi đã nói, mặt bằng cán bộ ngoại giao hiện nay có trình độ đồng đều về ngoại ngữ, kiến thức có điều kiện phát huy rộng và tốt hơn trước. Tôi đã công tác trong ngành gần 30 năm, được đào tạo khá bài bản nhưng phải thừa nhận đào tạo trước đây không thể bằng bây giờ.

Thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay nhiều cơ hội nhưng điều đáng lo là trong cơ chế thị trường, họ có nhiều lựa chọn. Ngày xưa, ngành ngoại giao gần như là ngành duy nhất được đi nước ngoài nhiều và phải người giỏi mới được đi. Nhưng đất nước mở cửa, hội nhập, đó không còn là đặc cách của ngành ngoại giao. Ở lĩnh vực nào, ai cũng có cơ hội đi đây đó để học tập, làm việc và mở rộng quan hệ.

- Phải chăng, như điều ông nói, thế hệ đi trước, dù có ít cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu nhưng thừa lý tưởng và hoài bão để bù đắp mọi khiếm khuyết, còn hiện nay, cơ hội rộng mở, lựa chọn nhiều hơn nhưng lý tưởng và bản lĩnh với người trẻ lại trở thành xa xỉ?

- Giáo dục lý tưởng, hoài bão cho thanh niên là vấn đề lớn của ngành ngoại giao. Thực tiễn đã nảy sinh những yêu cầu nhiệm vụ mới, những địa bàn hoạt động khó khăn hơn nhưng Bộ lại gặp khó về nguồn cán bộ. Cơ chế kinh tế thị trường có nhiều lựa chọn. Không phải sinh viên, thanh niên nào cũng thích những môn học về chính trị, ngoại giao thuần túy. Đây là một trong những vấn đề mà Bộ trăn trở về những giải pháp lâu dài.

- Được biết, năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ để đảm nhiệm trực tiếp công việc ngoại giao đa phương tại HĐBA, nơi Việt Nam lần đầu tiên giữ vai trò Ủy viên không thường trực. Là người trực tiếp nắm việc này, ông đánh giá thế nào?

- Kết quả rất rõ ràng. Những cán bộ trẻ làm ngoại giao đa phương tại HĐBA trong năm qua đã trưởng thành nhanh chóng và có nhiều kinh nghiệm. Đây không phải đánh giá chủ quan của cá nhân tôi mà kết quả được cán bộ ngoại giao của các nước trong HĐBA thừa nhận về thành quả chung trong một năm đảm nhiệm công việc tại HĐBA của Việt Nam.

Ngoại trừ Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các vị phó, cán bộ làm trực tiếp đều là các bạn trẻ mới có 3-4 năm trong nghề. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Phái đoàn, các cán bộ trẻ đã bắt nhịp công việc rất tốt.

Tôi không cho rằng việc sử dụng cán bộ trẻ trong nhiệm vụ đầy thử thách mới là mạo hiểm. Để vào cuộc chính thức, Bộ đã có quá trình chuẩn bị cán bộ, nhân lực với chủ trương đào tạo và thực tập bài bản. Không chỉ tại Phái đoàn, các cán bộ hậu phương cũng đều là những người trẻ. Khi có chủ trương, việc sử dụng cán bộ trẻ trong công việc rất hiệu quả.

Tôi nghĩ, dù thế nào, chúng ta cũng nên tin vào lớp cán bộ trẻ. Nếu được tin tưởng và trao trách nhiệm, chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ làm nên được rất nhiều.

Ông Phạm Bình Minh, 49 tuổi, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, vừa được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành TƯ Đảng X. Điều ít người biết, ông chính là con trai của cố Bộ trưởng ngoại giao kiệt xuất Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương).

Vào nghề từ năm 1981, nhưng ông Minh tỏ ra kín đáo và ngại nói về cá nhân mình. Cũng chính vì sự kín tiếng này mà chỉ đến khi ông Minh chính thức trúng cử ủy viên dự khuyết TƯ Đảng khóa X tháng 4/2006, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, nhiều người mới biết rằng Bộ trưởng Thạch có một người con nối nghiệp làm ngoại giao.

Ông Minh kể: “Tôi vốn học khá các môn tự nhiên. Cả hai anh chị của tôi cũng đều theo học tự nhiên và không làm việc gì liên quan tới ngoại giao cả. Khi tôi quyết định thi vào Đại học Bách khoa, cha tôi tìm tôi tâm sự. Cha tôi nói rằng ông rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp. Nghe lời ông, tôi đã chuyển sang thi vào trường ngoại giao. Tôi thật sự biết ơn cha tôi vì đã hướng tôi vào một công việc nhiều ý nghĩa”.

“Vậy con đường thăng tiến trong nghề nghiệp của ông có nhiều ảnh hưởng từ cha mình không?”

“Vâng, có lẽ đó cũng là suy nghĩ của nhiều người. Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã lâu nên không thể nói tôi nhờ ông can thiệp này nọ vào công tác tổ chức nhân sự. Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”.

Những điều ông Thứ trưởng học được từ người cha tài giỏi là sự miệt mài, say mê công việc, là việc tư duy bằng phương pháp luận trong mổ xẻ, phân tích các vấn đề, là tinh thần học hỏi không ngừng từ các đồng nghiệp, các đối tác làm việc và những người xung quanh.

 “Cha tôi luôn dạy tôi phải học từ chính thực tế. Và quan trọng hơn, cha dạy tôi cách đứng vững trên đôi chân bằng kinh nghiệm và vốn sống của chính mình”, ông Minh tâm sự.

  • Xuân Linh - Việt Lâm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;