221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1145838
2009: Thời cơ của ngành thông tin - truyền thông
1
Article
null
2009: Thời cơ của ngành thông tin - truyền thông
,

 - Tới dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm mới của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 2009 đánh dấu thời cơ của ngành, khi nhu cầu thông tin trở nên đặc biệt bức thiết trong hoàn cảnh sụt giảm kinh tế.

Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, áp lực của những khó khăn kinh tế bắt buộc doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, do đó phải nắm được thông tin về thị trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với Bộ trưởng TT - TT Lê Doãn Hợp và nguyên Thứ trưởng Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực. Ảnh: VA

"Ngành thông tin - truyền thông phải nắm lấy thời cơ này, cùng với các ngành kinh tế, cung cấp thông tin cho nhà sản xuất", Phó Thủ tướng nói, sau khi biểu dương nỗ lực của thông tin và truyền thông - "ngành duy nhất không suy giảm, không tăng giá dịch vụ, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội".

Giao cho ngành nhiệm vụ về đích trước cả nước trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ bàn biện pháp, lộ trình cụ thể về thị trường và nhân lực, sao cho 2 năm tới, công nghiệp phần mềm đạt đích 1 tỷ USD. Những nhiệm vụ khác là khai thác hiệu quả vệ tinh VINASAT-1 và triển khai các vệ tinh tiếp theo, đưa Internet vào các trường học trong cả nước...

Riêng về công tác quản lý báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh báo chí phải phản ánh đúng thực tiễn, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, phát hiện điển hình tốt...

Trước đó, trong báo cáo tổng kết năm 2008, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay những khó khăn, thách thức mà ngành gặp phải: Lĩnh vực xuất bản, báo chí hết sức nhạy cảm; lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển nhanh, tư duy quản lý chưa theo kịp tình hình...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt nhiều hy vọng vào ngành thông tin - truyền thông. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, ngành đã gặt hái những thành quả không nhỏ: Viễn thông và Internet tăng trưởng mạnh, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại tăng mạnh, tổng số thuê bao hiện có vượt trên 82 triệu máy, thuê bao di động chiếm 85,5%, mật độ điện thoại 97,5 máy/dân. Toàn quốc có gần 21 triệu người sử dụng Internet.

Năm 2008, lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển với năng suất, hiệu quả cao. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4,5 tỷ USD, công nghiệp phần cứng máy tính đạt 700 triệu USD, phần mềm khoảng 670 triệu USD.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều văn bản luật, dưới luật đã được ban hành: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, Luật Viễn thông... Luật Báo chí sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội trong năm 2009.

Bộ cũng đã ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 30 cơ quan, đơn vị trực thuộc. Một số đơn vị quản lý nhà nước mới ra đời như Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại đã tham mưu ban hành các văn bản quan trọng như Thông tư về blog... Sở Thông tin và Truyền thông của 63 tỉnh, thành đã được thành lập.

Bộ trưởng TT - TT Lê Doãn Hợp. Ảnh: Phạm Hải

Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 lên vũ trụ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông, thông tin của đất nước. Các doanh nghiệp cung cấp mạng điện thoại cố định được cho phép quy hoạch lại đầu số, tiến tới thống nhất một giá cước điện thoại nội hạt trên toàn quốc.

Năm 2009, theo Thứ trưởng Thắng, ngành sẽ đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ công nghệ thông tin có trình độ cao, theo hai hướng: Cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài và mời chuyên gia nước ngoài đào tạo tại Việt Nam. 

2009 cũng là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử, triển khai sâu rộng từ Trung ương đến các địa phương. Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, quy chế quản lý mới.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ phát triển, nhất là mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet.

Bộ sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn quy định về cước bưu chính công ích và thông tư về cước phát hành báo chí, thực thi công tác quản lý nhà nước về khuyến mại dịch vụ di động, về quản lý thuê bao di động trả trước, phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích khai thác Internet băng rộng, tạo cơ chế phát triển công nghiệp phần mềm, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) cho cán bộ, công chức, đánh giá trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các bộ, địa phương, giám sát việc triển khai Thông tư về ứng dụng chữ ký số trong các dịch vụ công, nếu Thông tư này được thông qua.

Riêng đối với báo chí, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng ban hành quy hoạch báo in đến năm 2020, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, rà soát, chấn chỉnh các cơ quan báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ.

  • Vân Anh

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,