>> Bài 1: Vượt bão 2009: Đảng phải tập hợp sức dân bằng trí tuệ và gương mẫu
Không thể đổ hết lỗi cho ngoại giao
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ: Hình ảnh Việt Nam đang bị hoen ố đi phần nào.
- Là người từng gắn bó lâu năm với ngành ngoại giao, ông có cảm thấy hình ảnh ngoại giao Việt Nam đang bị ảnh hưởng với một loạt sự cố trong năm 2008: CH Séc ngưng cấp visa cho người Việt, Qatar ngưng gia hạn visa, cán bộ ngoại giao buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi và Nhật Bản tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam do vụ đưa và nhận hối lộ PCI?
Đúng là trong ngoại giao gần đây có những vấn đề nhất định. Ví dụ, Nhật Bản thực tế là nước muốn Việt Nam mạnh để có lực lượng cân bằng ở khu vực Đông Nam Á nhưng đã phản ứng với Việt Nam như vậy. Chuyện PCI không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ với Nhật Bản, nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, mà còn tác động đến các nước khác đang giúp Việt Nam, khiến họ lo ngại. Hình ảnh Việt Nam đang bị hoen ố đi phần nào.
Tuy nhiên, không thể chỉ trách tội và đổ lỗi hết cho ngoại giao. Trong vụ buôn lậu sừng tê giác, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ngành ngoại giao. Nhưng với các vụ việc khác, ngoại giao không phải là đầu mối của những rắc rối.
Chúng ta thực hiện ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, nhưng muốn thực hiện tốt, có hiệu quả cả về chính trị, ngoại giao và văn hóa, phải có sự kết hợp tốt giữa nội trị và ngoại giao.
Ví dụ chuyện ngoại giao văn hóa, chúng ta phải hiểu đó không chỉ là cái ăn, cái mặc của người Việt, không chỉ là việc tổ chức các festival, nơi người nước ngoài thưởng thức nem, phở Việt Nam, mặc áo dài truyền thống... mà văn hóa chính là lối sống của người Việt, là cách người Việt mình ra nước ngoài sống như thế nào.
Khi bạn thấy người Việt cướp bóc lẫn nhau, buôn rượu lậu, cờ bạc thì đó là hình ảnh rất xấu về con người Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài, chưa nói tài năng, công việc như thế nào, nhưng lối sống như thế khó được chấp nhận. Mà việc này là do chúng ta chưa chuẩn bị kĩ, thiếu sự giáo dục từ trong nước. Đây là vấn đề thuộc về nội trị.
Những vụ việc như PCI, lao động ở Qatar... khiến nỗ lực ngoại giao giới thiệu cái hay, cái đẹp của Việt Nam bị mờ nhạt đi. Ảnh: TTO |
Ngày nay, trong toàn cầu hóa, cả thế giới chống tham nhũng. Dù ngoại giao có thuyết phục thế nào thì với vụ PCI như thế, người ta có cảm giác Việt Nam chống tham nhũng kém. Ngay người trong nước cũng có ấn tượng như vậy, huống hồ là bên ngoài.
Đó là những việc khiến những nỗ lực ngành ngoại giao làm: giới thiệu cái ăn, cái mặc, cái hay, cái đẹp của Việt Nam bị mờ nhạt đi.
Có thể nói, nội trị có tốt thì ngoại giao mới tốt. Ngoại giao có tốt thì mới giúp kinh tế trong nước phát triển được. Hai nội dung này phải phối hợp chặt chẽ với nhau, không cái nào được buông lỏng.
"Biến đại sự thành tiểu sự"
- Để xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa rồi, phải chăng do ngoại giao Việt Nam chưa chuẩn bị kỹ và chưa áp dụng nhuần nhị nguyên tắc "biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự", "dĩ bất biến, ứng vạn biến" mà Bác Hồ từng nhấn mạnh với ngoại giao?
- Muốn biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ phải tốt. Đất nước này luôn phải ở thế giải quyết những vấn đề khó xử nên phải có những cán bộ ngoại giao thực sự sáng suốt, tài giỏi và có tâm với đất nước, dân tộc.
Nhưng nguyên tắc "biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự" không chỉ với ngoại giao, mà cả nội trị cũng cần như vậy. Đáng tiếc, trong nhiều việc, chúng ta đã không làm được điều này.
Thận trọng xử lý biển đảo- Xu hướng đa cực trên thế giới đang rõ ràng hơn, với sự lớn mạnh của một số cường quốc, có khả năng trở thành một cực khác trên trường quốc tế. Vậy Việt Nam nên xử lý quan hệ với các nước lớn như thế nào?
- Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải làm thế nào để xử lý và có được quan hệ tốt với tất cả các cường quốc: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và EU.
Khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với các vấn đề không liên quan tới Việt Nam thì ta cố gắng xử lý theo trình độ của mình, khôn khéo bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số. Với những việc liên quan tới Việt Nam như vấn đề biển đảo thì xử lý thận trọng, chú ý yếu tố láng giềng Trung Quốc.
Quan hệ với Trung Quốc về cơ bản tốt, dù có vài trục trặc. Đây là mối quan hệ Việt Nam còn phải xử lý lâudài.
Quan hệ với Nga đang tốt trở lại, tuy nhiên, Nga ít quan tâm tới Việt Nam.
Trật tự thế giới ngày nay đã thể hiện rõ xu hướng đa cực. Điều này có lợi cho Việt Nam hơn so với trật tự đơn cực hoặc lưỡng cực. Vị thế Việt Nam đã khác. Chúng ta đã quan hệ rộng khắp với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn. Dù trong quan hệ với một vài nước chúng ta vẫn có những đụng chạm nhưng không còn khắc nghiệt như trước
Quan hệ với Mỹ, theo tôi, về xu hướng là tốt, nhất là với tân Tổng thống Obama. Nếu có một chiến lược tốt, quan hệ hai nước có thể sẽ trở lại thời kỳ của Clinton hay Carter. Giữa hai nước vẫn tồn tại vấn đề nhân quyền, người Việt ở Mỹ còn chống đối, nghi kị, thù hận bởi quá khứ, nhưng lớp người đó sẽ qua đi.
Nhật Bản có thể vươn lên trở thành một cực. Trong quan hệ với Nhật Bản, dở nhất là vấn đề PCI, không chỉ gây tác hại rất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng chính sách kinh tế của các nước, các đối tác khác với Việt Nam.
Rút cuộc, mọi chuyện phải từ đầu não, dù là nội trị hay ngoại giao. Việt Nam phải có người lãnh đạo thực sự vì dân, vì nước thì mọi sự mới giải quyết được.
Khôn khéo với nước lớn
- Từ kinh nghiệm xử lý quan hệ với các nước lớn, theo ông, bài học quan trọng nhất với nước nhỏ Việt Nam là gì?
- Bản thân Việt Nam rất giàu kinh nghiệm với các nước lớn, cả trong việc là nạn nhân của sức ép từ các nước lớn cũng như kinh nghiệm thành công. Phải khẳng định, nước lớn luôn có ưu thế; nước lớn lớn thật, cả về kinh tế, chính trị và ảnh hưởng. Tất cả các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới đều phải có tiếng nói và sự ủng hộ của các nước lớn.
Trong ứng xử với các nước lớn, chúng ta có hai lựa chọn: Một là tìm nước lớn khác làm đối trọng cân bằng, nhằm bớt đi sức ép. Cách thứ hai là liên kết với các nước nhỏ trong khu vực.
Kinh nghiệm xương máu của dân tộc ta trong những thập kỷ qua cho thấy, cần có chính sách quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, khôn khéo lợi dụng những khác biệt về lợi ích giữa họ với nhau, gắn lợi ích của Việt Nam với lợi ích an ninh và phát triển của các nước láng giềng trong khu vực để tạo cho nước ta một thế quốc tế thuận lợi hơn.
Muốn có chiến lược trước hết phải có thống nhất về tư duy. Ảnh: AFP |
Xử lý trong quan hệ với các nước lớn để giữ vai trò của mình là không dễ. Việc này đòi hỏi phải luôn khôn khéo, mưu mẹo và tỉnh táo. - Trong quan hệ với các nước trong khu vực thì sao, thưa ông? - Trong quan hệ với các nước trong khu vực, điều cần lưu ý nhất là quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Quan hệ với Trung Quốc như đã nói, là câu chuyện lâu dài. Quan hệ với Campuchia đang tốt hơn. Quan hệ với Lào đã tốt rồi.
Với ASEAN, quan hệ của Việt Nam theo tôi là tương đối được. Trong ASEAN hiện cũng có lủng củng nhưng ít liên quan đến ta, ví dụ như tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia. Về cơ bản, xung đột đã được thu xếp tương đối ổn, tránh nổ ra xung đột lớn. Vấn đề lớn nhất của thế giới chính là xử lý câu chuyện người Hồi giáo cuồng tín. Trong ASEAN cũng có nhiều nước có người Hồi giáo: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam, tuy chưa có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, trong xử lý, cần chú ý thái độ cho đúng. Nhìn trong khu vực như vậy để trong nước, chúng ta xử lý vấn đề dân tộc cho tốt bằng nội trị. Thống nhất tư duy - Vậy chiến lược đối ngoại cho Việt Nam trong tình hình mới phải định hình ra sao, thưa ông?
Muốn có chiến lược, trước hết, phải có thống nhất về tư duy. - Việt Nam đã có được sự thống nhất về tư duy đó chưa, theo đánh giá của ông? - Ngay cả vào thời điểm tôi tham gia hoạt động đối ngoại, dù hoạt động ngoại giao được đánh giá tích cực, thành công, giúp mở cửa với thế giới, thì trong nội bộ cũng còn những trục trặc, không thống nhất chứ nói gì bây giờ. Tôi nhớ vào thời điểm khi xử lý vấn đề Campuchia, có lúc đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải cùng ngồi lại, thảo luận, thống nhất với nhau về tư tưởng, đường lối. Bây giờ, tôi thấy vẫn tồn tại các luồng chính sách ngược nhau, nên không thể rõ ràng, dứt khoát về chiến lược đối ngoại được. Không có một chiến lược dài hơi, các hoạt động đối ngoại sẽ chỉ là sản phẩm của những thỏa hiệp giữa hai xu hướng đó.