Để giúp nông dân phát triển sản xuất, cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đây là đề xuất mà Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Quý mang tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 5.
Lao động nông nghiệp chiếm 55,7% tổng số lao động xã hội nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 15-16% GDP.
Sáng nay (22/12), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khai mạc tại Hà Nội với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển".
Gần 1.200 đại biểu đại diện cho gần 10 triệu cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, trong đó có 18 người sản xuất kinh doanh giỏi và 1 anh hùng lao động tham dự Đại hội.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, ngoài chính sách bảo hiểm nông nghiệp, nông dân còn cần được hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa và giảm lãi suất vốn vay.
Chủ tịch Hội Nông dân Vĩnh Phúc còn thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại: "Nền sản xuất manh mún, lạc hậu, việc định hướng thị trường nông sản của các ban, ngành liên quan còn yếu, chất lượng hàng hóa thấp, thiếu khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, dẫn đến tỷ lệ lao động thiếu việc làm khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng tăng".
Hệ thống cơ chế, chính sách về lĩnh vực này thiếu đồng bộ, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức ở một số lĩnh vực như tiêu thụ, chế biến nông sản, đào tạo nghề; đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa cho vùng nông thôn thấp, nông dân thiếu thông tin.
Theo ông Quý, cần coi hoạt động của Hội Nông dân là một kênh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân phát triển sản xuất. Trung ương Hội trực tiếp tham gia quản lý, điều hành các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đại biểu trẻ nhất dự Đại hội, chị Hoàng Thị My, dân tộc Dao, đến từ tỉnh Tuyên Quang lại cho rằng: "Cần thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình giao thông nông thôn... tạo điều kiện để nông dân tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống".
Mong muốn của các đại biểu cũng là trăn trở của nhiều nhà khoa học. Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn VN Đào Thế Tuấn và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp Đào Thế Anh nhận định: "Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Để đảm bảo phát triển bền vững, cần giải quyết vấn đề một cách toàn diện, có một chiến lược phòng chống thiên tai, dịch bệnh và rủi ro thị trường đi đôi với việc xây dựng một chế độ bảo hiểm".
Dẫn ra việc nhiều nước đều có bảo hiểm nông nghiệp, hai ông cũng chỉ rõ: "Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân và có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân thì mới hiệu quả".
Tại cuộc họp báo về Đại hội lần này hôm 10/12, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân VN Lê Hoàng Minh thừa nhận: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới".
73% dân số Việt Nam hiện nay là nông dân. Lao động nông nghiệp chiếm 55,7% tổng số lao động xã hội nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 15-16% GDP. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân đạt 6,1 triệu đồng/năm vào năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 18%.
-
PV - TTXVN