- Mặc dù có nhiều vấn đề nóng được đại biểu HĐND gửi lãnh đạo UBND thành phố như cấp đất ồ ạt trước khi sáp nhập, quy hoạch, xây trung tâm thương mại ở Chợ 19/12... nhưng 2/3 chủ đề được "ưu tiên" trả lời lại là chuyện đã được chất vấn nhiều lần: xã hội hóa y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai phó chủ tịch UBND thành phố cùng hai giám đốc sở đã đăng đàn.
Đóng cửa KCN nếu không có hệ thống xử lý nước thải
Nhận được nhiều câu hỏi nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyện các con sông "chết" do rác thải làng nghề, y tế, khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh. Ảnh: Phạm Hải
ĐB Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: "Thành phố đang xây dựng đề án đánh giá tác động ô nhiễm môi trường. Tại sao nhiều cơ sở sản xuất, KCN chưa có hệ thống xử lý vẫn được cấp giấy phép hoạt động? Ai chịu trách nhiệm khi thẩm định và phê duyệt dự án?".
Ông Nam dẫn chứng, nhà máy bia Kim Bài (Thanh Oai) sau thời gian dài hoạt động mới chịu bỏ ra 8 tỷ đồng để xây hệ thống xử lý ô nhiễm.
Thừa nhận việc xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh giải thích, trừ các dự án được phê duyệt trước khi Luật môi trường ra đời, còn các cơ sở sản xuất, KCN đều phải đánh giá tác động môi trường trước khi hoạt động. Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý dự án.
Ông Khanh hứa, TP sẽ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến giáo dục, cao điểm là tháng 5, tháng 6/ 2009.
Trong 8 cơ sở vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nội thành, năm tới sẽ xử lý dứt điểm 7 cơ sở, và 2010 sẽ xử lý nốt. Đến cuối năm 2009 sẽ xây dựng xong quy định về bảo vệ môi trường. Trong ba năm tới, thành phố sẽ quy hoạch và di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Các KCN, cơ sở kinh doanh phải có hệ thống xử lý nước thải, nếu không sẽ đóng cửa.
Chưa hài lòng với phần trả lời ngắn hơn cả câu hỏi, ông Nguyễn Hoài Nam tiếp tục: "Thành phố nói sẽ kiên quyết xử lý nhưng đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh không dễ vì còn giải quyết việc làm. Vậy xin ông có thể nêu sơ bộ phương án xử lý, biện pháp hỗ trợ và dự kiến chi phí hỗ trợ nếu đóng cửa?".
Ông Khanh đáp lại: "Thời gian không có nhiều, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tài liệu, sẽ gửi ĐB".
Ảnh: Phạm Hải
Ô nhiễm chỉ giảm khi kinh tế tăng trưởng cao
ĐB Nguyễn Tiến Thắng "truy" tiếp: "Dự án và các kế hoạch rất hay nhưng nếu làm không đến nơi đến chốn thì sao? Tháng 4, tháng 6 sắp tới mà không đúng tiến độ thì xử lý thế nào?". Ông Khanh cam kết: "Chúng tôi phấn đấu và quyết tâm làm nghiêm túc bằng tất cả tấm lòng, tình cảm nhưng Hội đồng nhân dân cũng phải sát cánh bên cạnh".
ĐB Nguyễn Văn Bảo tiếp tục: "Sắp tới sẽ còn phát triển KCN, nếu không làm triệt để thì hiệu quả không cao?".
ĐB Bùi Thị An: Bao giờ người dân Thủ đô được đi dạo ven sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, được ngắm tôm cá bơi lội dưới dòng nước trong lành chứ không phải tôm đen, cá đen? Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh: HN đang nghiên cứu phương án xử lý nước thải sinh hoạt, sẽ không đổ dồn về các con sông. 2009 sẽ làm thí điểm ở sông Tô Lịch.
Phó Chủ tịch Khanh giải thích, phát hiện cơ sở sản xuất vi phạm ô nhiễm môi trường đến đâu xử lý đến đấy. Thành phố cam kết không cấp phép hoạt động cho cơ sở đăng ký mới mà không có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Bà Phạm Thị Thành và ông Nguyễn Văn Trịnh lập tức dẫn chứng ngay hai địa chỉ vi phạm ô nhiễm môi trường. Như KCN Sài Đồng thải ra sông Cầu Mây, ô nhiễm nguồn nước của con sông cung cấp tưới tiêu cho cả hai huyện Gia Lâm và Long Biên.
Ô nhiễm từ các làng nghề của Hoài Đức ảnh hưởng đến cả vùng lân cận là xã Tây Mỗ (Từ Liêm). "Vedan trong Đồng Nai đã bị xử lý và phải đền bù hàng trăm triệu, vậy Hà Nội thế nào?", bà Thành hỏi.
Ông Khanh cam kết, thành phố sẽ xử lý nếu phát hiện có vi phạm ô nhiễm môi trường ở Hoài Đức. Vừa qua, khi kiểm tra 89/125 cơ sở, Hà Nội đã xử phạt hành chính 18 cơ sở. Thành phố cũng sẽ cử cán bộ xuống khảo sát mức độ ô nhiễm của khu công nghiệp Sài Đồng.
Tuy nhiên, ông Trịnh cho hay, Sở TNMT từng xuống kiểm tra và vẫn kết luận là chấp nhận được.
Nghi ngờ mốc thời gian 2 năm mà ông Khanh liên tục hứa, ĐB Trần Trọng Hanh yêu cầu: "Xin thành phố cho biết định hướng tiếp cận để xử lý công việc, chẳng hạn, những hạng mục nào bị cấm đầu tư? Vì 2010 mới xong quy hoạch vùng thì khó nói được là sẽ xong quy hoạch môi trường".
Ông Khanh phân bua, đúng là TP đang chờ quy hoạch tổng thể Thủ đô nhưng sẽ làm từng việc, sau đó mới khớp nối lại để ra quy hoạch chung.
Theo ông Khanh, bao giờ HN hết ô nhiễm còn phụ thuộc vào kinh tế. Để giảm 10% ô nhiễm nước thải, Hà Nội sẽ phải chi 1.100 tỷ đồng và 100 tỷ bảo dưỡng. Thành phố đặt chỉ tiêu đến 2015 sẽ giảm 40% tỷ lệ ô nhiễm nguồn nước với điều kiện tăng trưởng kinh tế tốt.
Muốn mua rau an toàn cứ đến siêu thị
Tại kỳ họp trước, Phó Chủ tịch HN Vũ Hồng Khanh từng cung cấp những số liệu "giật mình" khi trả lời chất vấn của HĐND: Cứ 5 hộ nông dân HN trồng rau thì có 1 hộ phun hỗn hợp các loại thuốc theo định kỳ. TP chỉ đáp ứng 40% nhu cầu rau và chỉ 8,6% trong số đó là an toàn. 60% rau cho người HN tiêu thụ nhập từ Hà Tây, Vĩnh Phúc, Trung Quốc, Thái Lan... "Rau nhập về Hà Nội, theo số liệu kiểm tra tại các siêu thị, về cơ bản không đảm bảo tiêu chuẩn rau an toàn".
Liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam truy: "Khi nào Hà Nội có quy hoạch vùng rau an toàn? Nông dân lấy nước ở các con sông ô nhiễm để tưới rau, chăn nuôi thì có an toàn không? Hà Nội có hàng chục lò mổ, nhưng Phó Chủ tịch có đảm bảo những con gia cầm đã đóng dấu mang ra chợ là từ các lò giết mổ không?".
Dù đã được GĐ Sở Y tế cùng chia lửa, nhưng phần trả lời của Phó Chủ tịch TP Đào Văn Bình vẫn buộc nhiều đại biểu phải đứng lên hỏi lại.
Ông Bình vắn tắt, sau khi có quy hoạch vùng, Hà Nội sẽ thống nhất vùng rau an toàn. "Một gánh rau mang lên HN bán, cơ quan chức năng muốn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải sau 3 ngày mới có kết quả. Không thể phạt họ được".
Phó Chủ tịch khuyến cáo, dân muốn mua rau an toàn nên tìm đến các cửa hàng kinh doanh rau sạch và siêu thị vì TP không thể kiểm soát được những người buôn thúng bán mẹt.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thương mại HN Hapro cho hay, siêu thị rất ít bày bán rau an toàn bởi kinh doanh mặt hàng này không có lãi.
Xã hội hóa: Hà Nội có sẵn sàng làm cỗ mời nhà đầu tư?
Đi tìm lời giải cho việc vì sao xã hội hóa y tế ở Hà Nội "rùa bò" so với các thành phố khác, GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Sửu nêu 3 lý do: Bất cập chính sách, thủ tục hành chính và thiếu phối hợp giữa chủ đầu tư với nhà nước.
Phó Chủ tịch Đào Văn Bình. Ảnh: Phạm Hải
Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ không hài lòng: "Nhà nước đã quy định rõ lắm, ví dụ xây sẵn và cho thuê để làm trường, bệnh viện. Thế thì Hà Nội vướng chỗ nào? Đụng đến tiền, đến đất, đến quy hoạch, thủ tục..... ai chịu trách nhiệm? Xã hội hóa là làm cỗ để mời chứ? Nhà đầu tư không đến hay cơ quan nhà nước không chịu mời?"
Ông Sửu phân bua: "Chính sách của TƯ có nhiều thay đổi nên TP chưa theo kịp. Sau hợp nhất, còn nhiều văn bản chưa thống nhất, phải xem xét kỹ hơn".
GĐ Sở Y tế Lê Anh Tuấn nói luôn, có dự án xây bệnh viện, nhà đầu tư Hàn Quốc đã động thổ 2 năm nay mà chưa làm được do vướng giải phóng mặt bằng. Ông Tuấn đề nghị thành phố phải giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh nêu một thực tế, hầu hết ngân sách cho giáo dục và y tế hàng năm đều dùng không hết, phải chuyển nguồn, trong lúc đó lại đi kêu gọi xã hội hóa. Tuy xem đây là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm hai năm qua nhưng chưa có chuyển biến.
Kết thúc phiên chất vấn, bà Thanh cho hay, khác với nhiều lần trước, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho lãnh đạo thành phố.
Trả lời chất vấn của nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Triệu Đình Phúc về dự án thoát nước giai đoạn 2, liên quan đến vốn ODA của Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, dự án vẫn đang được tiếp tục thực hiện bình thường. |
-
Lê Nhung