- Cho đến trước hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế với chính phủ (CG) diễn ra sáng nay (4/12), đã có nhiều băn khoăn về mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho năm 2009.
Những băn khoăn đó xuất phát từ thực tế là các nước cho vay có thể cắt giảm viện trợ do kinh tế toàn cầu suy thoái, tốc độ giải ngân các dự án ODA ở Việt Nam chậm lại do giá cả và lạm phát tăng cao, và đặc biệt là vụ PCI.
Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia sử dụng hiệu quả vốn ODA nhất trên thế giới. |
Câu hỏi đặt ra là, nếu cam kết năm nay giảm so với mức 5.4 tỷ USD của năm ngoái, thì có phải là thất bại cho các nhà đàm phán?
Tuy nhiên, những dấu hiệu hậu trường cho thấy, cam kết ODA cho Việt Nam năm 2009 có thể sẽ không suy giảm.
WB và ADB giữ nguyên cam kết
Cho đến trước cuộc họp CG hôm nay tại Hà Nội, các quan chức Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư vẫn tiến hành những cuộc tiếp xúc với các nhà tài trợ lớn như WB, ADB và Nhật Bản.
Một trong những nội dung chính của các cuộc tiếp xúc đó là thảo luận về khả năng cam kết của các nhà tài trợ này cho Việt Nam năm tới, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tăng cao.
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại tiết lộ, chính sách của hai nhà tài trợ lớn là WB và ADB không thay đổi gì. “Chúng tôi đã liên hệ với hai ngân hàng này thì được biết, cam kết của họ trong giai đoạn 2009 và 2010 sẽ không giảm so với trước”, ông Khang nói mà không đề cập đến nhà tài trợ Nhật Bản.
Trong khi đó, quyền Trưởng đại diện quốc gia của WB Martin Rama cho biết, WB vẫn muốn duy trì mức cam kết khoảng 1 tỷ USD vốn ODA một năm cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, WB cũng đã đồng ý cấp khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD lãi xuất thấp trong vòng 3 năm tới, và Việt Nam được chọn là một trong năm quốc gia đang phát triển được ưu tiên vay vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi xuất của WB trong năm 2008.
Cả Chính phủ và WB cùng đang xem xét các thủ tục để ký kết các hiệp định lớn trong năm 2009 bao gồm dự án phát triển thuỷ điện (100 triệu USD), dự án phát triển năng lượng tái tạo (150 triệu USD), dự án đảm bảo chất lượng đào tạo trường học (100 triệu USD).
Những tín hiệu từ ADB cũng cho thấy cam kết ODA có vẻ lạc quan. Chính phủ đã lên danh sách một loạt các dự án lớn để ký với ADB trong năm tới, bao gồm dự án sản xuất điện Cà Mau (400 triệu USD), dự án đường vành đai 2 tại TP. HCM (300 triệu USD) trong năm tới.
"Đau đầu" với PCI
Kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt Nam tháng 11 năm 1993 đến nay, đã có 22 tỷ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỷ USD vốn ODA cam kết. Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia sử dụng hiệu quả vốn ODA nhất trên thế giới, với tỷ lệ đói nghèo giảm từ khoảng 58% năm 1992 xuống khoảng 15% năm 2007. |
Tuy vậy, nhiều cặp mắt đang nhìn về phía Nhật Bản, nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam và đang chịu tác động của vụ PCI, liên quan đến quan chức bị cho là nhận hối lộ ở dự án Đại lộ Đông - Tây tại TP. Hồ Chí Minh.
Trước Hội nghị CG, các cơ quan đại diện của Nhật Bản từ chối mọi cuộc phỏng vấn báo chí về chủ đề này.
Tuy vậy, việc chính phủ hai nước thiết lập Uỷ ban phối hợp để ngăn chặn tham nhũng trong sử dụng ODA - một động thái chưa từng có tiền lệ cho cả hai bên, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị CG cho thấy thái độ nghiêm túc như thế nào đối với vụ việc này.
Trưởng đại diện Bộ Phát triển Anh quốc (DFID), bà Fiona Lappin cho hay cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát diễn biến của vụ việc này. “Đối với trường hợp PCI, chúng tôi ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi quyết tâm vụ này đến cùng và chúng tôi sẽ theo dõi diễn tiến tình hình rất chặt chẽ", bà nói.
Một quan chức cao cấp của Bộ Kế hoạch Đầu tư, người vừa tiếp xúc với các quan chức cao cấp của Nhật Bản tại Hà Nội xác nhận rằng đang “rất đau đầu” vì vụ này trước cuộc gặp CG.
Kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt Nam tháng 11 năm 1993 đến nay, đã có tới 22 tỷ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỷ USD vốn ODA cam kết.
Cho đến gần đây, Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia sử dụng hiệu quả vốn ODA nhất trên thế giới, với tỷ lệ đói nghèo giảm từ khoảng 58% năm 1992 xuống khoảng 15% năm 2007.
Tuy Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình 1.000 USD/người vào năm 2010 - điều kiện để cắt giảm ODA ưu đãi - nhưng trước mắt sẽ còn nhiều việc phải làm, cả với Chính phủ và với các nhà tài trợ.
Bà Lappin nhận định, vì lẽ đó cam kết ODA của các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ không chịu tác động nhiều. Bà nói: “Các nhà tài trợ nhận thấy một điều là Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn nhận trợ giúp từ bên ngoài. Hơn nữa, xét về mặt chính sách, người ta không thể thay đổi chính sách nhanh như vậy… Hiện tại chúng tôi cũng đã trao đổi với các bạn đồng nghiệp để xem mức hỗ trợ của chúng tôi nên là như thế nào trong vài năm tới”.
-
Tư Giang