- Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN, một hoạt động gắn với Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) diễn ra sáng nay (1/12) tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu (Eurocham) cho rằng VN cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế sao cho có thể tăng năng suất và tận dụng tối đa các tiềm năng phát triển chưa được giải phóng.
Kiểm soát thâm hụt thương mại Sau 6 tháng đầy biến động kể từ Hội nghị CG giữa kỳ hồi tháng 6, cộng đồng các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận định Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các nhà tài trợ ủng hộ việc Chính phủ hạ bớt chỉ tiêu tăng trưởng và tăng cường chính sách kiềm chế lạm phát, những nhân tố quan trọng để duy trì và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Với nguy cơ sụt giảm về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu (Eurocham) Alain Cany cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là Chính phủ cần hành động để kiểm soát thâm hụt thương mại, thâm hụt vãng lai, để giữ và xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư, tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng "các khoản thâm hụt đã được dự báo trước" như đã thấy hồi đầu năm. "Theo cảm nhận chung, chúng tôi cho rằng đường hướng đúng đắn cho Chính phủ trong tình hình hiện nay là đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế sao cho có thể tăng năng suất và tận dụng tối đa các tiềm năng phát triển chưa được giải phóng", ông Alain Cany nói.
"Mặc dù lạm phát đã lên đến mức rất cao, nhưng nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm phát, bối cảnh chung đã thay đổi với những lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong tương lai", đại diện Phòng Thương mại châu Úc tại VN (Auscham), ông Giles Cooper nhận định.
Lãi suất cao, nhiều DN ngưng hoạt động
Các doanh nhân VN đã tận dụng Diễn đàn để bày tỏ bức xúc về những khó khăn mà các DN vừa và nhỏ đang phải đối mặt.
Ông Vũ Quốc Thắng, đại diện cho giới doanh nhân trẻ TP.HCM nói, dù Chính phủ đã có những chính sách giảm lãi suất để bình ổn thị trường tài chính nhưng mức giảm này "không đáng kể". Do khó khăn, nhiều DN đang phải tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.
Theo tính toán của Hiệp hội công thương TP Hà Nội, khu vực DN dân doanh những năm trước tăng trung bình từ 28 đến 30% nhưng tính chung 9 tháng đầu năm nay, giảm 9,6% và sẽ còn giảm, ít nhất từ nay đến quý I năm tới.
"Hiện nay, hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu bùng phát ở nhiều doanh nghiệp. Nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không trụ nổi trên thị trường, xã hội sẽ phải đối mặt với nạn thất nghiệp diễn ra trên bình diện rộng của cả nước", ông Thắng lo ngại.
Theo Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội Phạm Thị Loan, hàng loạt ngân hàng đã phá vỡ cam kết với DN, với nhiều dự án về tỷ lệ lãi suất và nguồn tín dụng, dẫn đến DN thiếu vốn kinh doanh. Nhiều dự án đã tổ chức đấu thầu thực hiện nhưng DN không có đủ vốn trả cho nhà thầu và cũng không có nguồn trả cho ngân hàng, bị ngân hàng liệt vào nhóm nợ xấu, không cho vay, xiết nợ, làm cho nhiều DN rơi vào tình trạng khốn đốn, đóng cửa sản xuất.
Trong khi đó, theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội, nếu tiếp tục "thắt chặt" kéo dài sẽ đẩy thêm nhiều DN dân doanh vào tình cảnh "suy vi", dư nợ quá hạn sẽ tăng lên (hiện tại là 35.000 tỷ đồng). Ông Thái cho rằng cần giảm lãi suất, mở rộng diện được vay và điều kiện cho vay để các VN dân doanh khôi phục sản xuất kinh doanh sau gần 1 năm đình đốn do tín dụng ngân hàng bị thắt chặt.
Môi trường kinh doanh "tạm được"
Trái với kết quả điều tra của năm 2007, Báo cáo cảm nhận về môi trường kinh doanh 2008 công bố tại Diễn đàn cho thấy hầu hết các DN chỉ mong đợi một môi trường kinh doanh "tạm được". Cảm nhận chung của DN tham gia điều tra, cả trong nước lẫn nước ngoài, là môi trường kinh doanh năm nay kém thuận lợi hơn so với các năm trước do lo ngại tình hình kinh tế vĩ mô kém ổn định.
Cơ sở hạ tầng vẫn là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của DN. Điện năng thiếu hụt và không ổn định, cảng biển tắc nghẽn, giao thông đường bộ yếu kém đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của DN.
"Hạn chế về cơ sở hạ tầng đe dọa các dự án FDI hiện tại và tương lai trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng là bức thiết, đặc biệt trong việc xây dựng cảng biển nước sâu và nhà máy điện", Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại VN (Amcham) Michael J.Pease kiến nghị.
Cả nhóm DN trong nước và nước ngoài đều nhất trí cho rằng "ngăn chặn và kiểm soát tệ nạn tham nhũng" là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên xử lý hàng đầu, bởi vấn đề này có tác động tiêu cực mạnh tới hoạt động của DN.
-
Xuân Linh