- Lần đầu tiên, QH thông qua Nghị quyết về phiên chất vấn tại kỳ họp. Bên hành lang QH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, đây sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữ lời hứa của bộ trưởng. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, Nghị quyết nên chỉ ra trách nhiệm cụ thể thì mới dễ giám sát.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Việc chất vấn tại kỳ họp cho thấy có nhiều vấn đề rất bức xúc của cuộc sống, thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của Chính phủ. Ảnh: VA |
Việc ra Nghị quyết về chất vấn đã đề cập rất nhiều rồi nhưng đến kỳ họp này mới thực hiện được. Theo ông, lý do vì sao mãi đến nay QH mới ra được Nghị quyết này?
- Luật giám sát cũng như nội quy kỳ họp đều nói khi cần thiết, QH mới ra nghị quyết (NQ) chứ không phải hễ chất vấn là phải có.
NQ sẽ có sức nặng hơn bản tổng kết, nó có tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm bộ trưởng. Nội dung gồm đánh giá về tình hình chất vấn và trả lời chất vấn, xác định một số vấn đề mà các ĐB yêu cầu bộ trưởng phải thực hiện.
Ngoài ra, những vấn đề ĐB đã nêu nhưng chưa đủ thời gian trả lời ngay tại hội trường sẽ được giao để chất vấn ở UBTVQH và ghi rõ trách nhiệm giám sát của Thường vụ, ĐBQH.
Việc chất vấn tại kỳ họp cho thấy có nhiều vấn đề rất bức xúc của cuộc sống, thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của Chính phủ. Cho nên cần xác định rõ trách nhiệm đó để có được những giải pháp thực hiện.
Chưa áp dụng bỏ phiếu tín nhiệm
Trong NQ có chỉ rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ trưởng cho từng vấn đề cụ thể không, thưa ông? Nếu NQ chỉ nói chung chung là thực hiện lời hứa mà không chỉ ra địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể thì cũng khiến ĐB khó giám sát?
- Đây là một kỳ chất vấn có đổi mới và ấn tượng rõ hơn các kỳ họp trước. Các vấn đề chất vấn đều tập trung vào những việc đang thực sự bức xúc và còn có những khó khăn vướng mắc trong quản lý điều hành của các bộ liên quan đến kinh tế, an sinh xã hội, tài nguyên môi trường…
Có thể nói, chưa phải là đi đến tận cùng vấn đề như mong muốn nhưng cũng đã tập trung vào vấn đề đại biểu quan tâm.
Nhưng NQ có nói gì đến trách nhiệm của bộ trưởng trong kỳ họp sau, chẳng hạn nếu không hoàn thành lời hứa sẽ có hình thức xử lý ràng buộc?
- Phải để cho các bộ trưởng xem họ có làm đúng những gì đã hứa không thì mới nói được. Hiện tại, họ chưa thực hiện, chỉ là nêu vấn đề để tới đây họ cần làm gì thôi.
Nhưng không cần đợi đến kỳ sau, ngay trong đợt chất vấn này ĐBQH đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra dự báo sai về lúa gạo, xảy ra vi phạm Vedan... Nhưng tại sao NQ cũng không xác định rõ trách nhiệm?
- Nhưng cũng đã có gì đâu mà xử lý. Việc này sẽ tùy thuộc vào quyết định của QH.
Vậy khi bàn bạc về việc ra NQ, UBTVQH có cân nhắc đến việc Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm trong vụ xuất khẩu lúa gạo vừa qua và xin chịu mọi hình thức kỷ luật không?
- Đó là một thái độ rất chân thành và thể hiện ý thức trách nhiệm. Nhưng sau khi bộ trưởng giải trình thì thấy rằng chưa đến mức xử lý trách nhiệm với ông.
Để xảy ra những thiệt hại như vậy cho người nông dân, trách nhiệm cuối cùng thuộc cơ quan nào? Bởi nhiều ĐB cho rằng nếu không làm rõ thì nội dung NQ cũng chẳng khác gì các kết luận trước đây?
- Vấn đề này không những Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã giải trình trước QH.
Ông có cho là khi đã có NQ về việc chất vấn thì hoạt động giám sát sẽ được nâng cao hơn không?
- Chắc chắn sẽ nâng cao hơn, vì đây là cơ sở pháp lý để đại biểu QH và cử tri giám sát việc các thành viên trả lời chất vấn thực hiện lời hứa của mình thế nào.
Ngoài việc ra NQ, UBTVQH có tính tới việc áp dụng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm trong những trường hợp cần thiết sau phiên chất vấn không?
- Luật cũng đã quy định rằng không chỉ theo đề nghị của 20% ĐBQH mà còn có thể theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc một UB nào đó mà tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, nếu thấy vấn đề cần truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa thực hiện theo quy định này.
-
Lê Nhung