- "Không biết EVN làm mình làm mẩy thế nào chứ ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. 5 năm vừa rồi 4.000 kỹ sư ra khỏi ngành vì làm DNNN, thu nhập khống chế. Đây là trăn trở của Thủ tướng" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trần tình trước QH sáng 13/11.
"Số liệu không công bố nên ĐB không biết"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ KHĐT bên hành lang. Thủ tướng cho biết, không cần lập thêm cơ quan dự báo mới. Ảnh: LN
Từng làm nóng hai phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Công thương, nghịch lý "lúa gạo dư thừa, bà con nông dân điêu đứng" lại tiếp tục được đặt lên bàn Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ chủ động giải thích bối cảnh.
Vào đầu năm, miền Bắc có đợt rét đậm, rét hại lịch sử. Dự báo 50% được mùa, 50% mất mùa. Khi đó, nguồn gạo dự kiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 2,4 triệu tấn. Cuối tháng 3, chúng ta mới giao 800 nghìn tấn, còn thiếu 1,6 triệu tấn trong 3 tháng tiếp.
Thủ tướng lý giải: "Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để tập trung lượng gạo hàng hóa cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký là cần thiết, vì nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn".
"Chủ trì cuộc họp bàn mà tôi rất suy nghĩ bởi không ai dám nói là sẽ được mùa hay mất mùa. Rất khó quyết định", Thủ tướng trầm ngâm
Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để tập trung cho các hợp đồng đã ký vì nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn. Đồng thời quyết định này nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Khi giá thế giới lên, Chính phủ tiếp tục không ký hợp đồng mới vì e ngại DN mua vét, đẩy giá gạo trong nước cao lên, kéo theo giá các hàng hóa khác, gây thiệt hại cho toàn xã hội.
Đến tháng 6, Chính phủ đã chỉ đạo DN điều chỉnh tăng giá hợp đồng đã ký và tiếp tục hợp đồng mới. Đến nay đã ký được trên 4,5 triệu tấn. Các DN tiếp tục mua thêm, trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của CP.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể, toàn cục".
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) chia sẻ: "Giá như thay vì dừng, Chính phủ xuất tiền mua theo giá thị trường để đưa vào kho ắt nông dân sẽ được bù lỗ".
Thủ tướng nói, "Vụ đông xuân ở ĐBSCL năm nay đã tăng 758 ngàn tấn so với năm ngoái, chúng tôi mua 300 ngàn tấn. Số liệu không công bố nên ĐB không biết".
Thủ tướng cho biết, sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như hoãn các khoản vay phải trả ngân hàng. Với hộ nghèo, có chính sách hỗ trợ phù hợp.
"Ngành điện độc quyền là tự nhiên lịch sử"
Về việc ngành điện độc quyền "làm mình làm mẩy" đòi tăng giá, trả lại 13 dự án vì thiếu vốn nhưng lại đòi thưởng cao, Thủ tướng cho biết, lợi nhuận của EVN là 5%, đây là mức thấp. "Giá bán như thế, ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù bán thấp", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay.
ĐBQH trao đổi bên hành lang phiên họp. Ảnh: LAD
Để đạt mục tiêu cung cấp hơn 34.000 MW, chiếm 57% dự án điện đến năm 2025, đòi hỏi EVN phải có 882 ngàn tỷ đồng.
"Nhưng Chính phủ không thể ra lệnh ngân hàng cho EVN vay nên đã chuyển một số dự án điện cho Tập đoàn Dầu khí và Than - khoáng sản. Đây không phải là từ chối, thoái thác nhiệm vụ vì tôi trực tiếp điều hành. Nói đùn đẩy thì cũng tội ngành điện", Thủ tướng trần tình.
Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, ngành điện độc quyền là tự nhiên của lịch sử. EVN vừa sản xuất phần lớn, vừa giữ độc quyền phân phối. Chính phủ đã giao Bộ Công thương tách hai phần truyền tải và phân phối, thu hút nhiều thành phần tham gia, riêng khâu phân phối vẫn giữ độc quyền.
"Không biết EVN làm mình làm mẩy thế nào chứ ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. 5 năm vừa rồi 4.000 kỹ sư ra khỏi ngành vì làm DNNN, thu nhập khống chế. Đây là trăn trở của Thủ tướng", ông Dũng nói với QH.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp gỡ vướng cho DN vừa và nhỏ.
Theo đó, Nhà nước sẽ phải chia lửa với DN, đảm bảo đủ vốn. Cùng với thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng đắn, Chính phủ sẽ xác định các tiêu chí cụ thể để giảm thuế và tiếp tục giãn, hoãn tiến độ nộp thuế.
Sắp tới, sẽ điều chỉnh mô hình và cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ. .
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP. HCM) về vai trò đầu tàu, khả năng dẫn dắt của TĐ, TCT với thành phần kinh tế khác, Thủ tướng nói, sẽ hướng khu vực này vào ngành kinh doanh chính.
Thành viên Chính phủ làm chưa tốt, Thủ tướng cũng có trách nhiệm
Liên quan đến chủ đề "trách nhiệm người đứng đầu" sau phiên chất vấn 7 thành viên Chính phủ, nhà sử học Dương Trung Quốc hỏi: "Nếu bộ trưởng phụ trách các ngành khác nhau đã nhận trách nhiệm, vậy khi nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không?".
Các ĐB khác đặc biệt quan tâm đến việc cùng một vấn đề, song việc nhận trách nhiệm của các tư lệnh ngành rất khác nhau.
Nhắc lại việc Bộ trưởng Y tế "đá bóng trách nhiệm" chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyện phân định vai trò tham mưu giữa hai Bộ trưởng NN&PTNT với Bộ Công thương, chuyện tỉnh Đồng Nai và Bộ TNMT "đùn đẩy" vụ Vedan, Thủ tướng nói, "trong cuộc sống nhiều việc phải phối hợp liên ngành. Còn mỗi việc, mỗi công đoạn có một cơ quan chịu trách nhiệm chính là để chủ trì phối hợp cho tốt".
Thủ tướng phân bua: "Là người đứng đầu, khi các thành viên Chính phủ làm chưa tốt, Thủ tướng cũng có phần trách nhiệm. Trong báo cáo QH chúng tôi cũng nhìn nhận 7 hạn chế, khuyết điểm rồi. Chính phủ sẽ cố gắng làm tốt và mong ĐB quan tâm, theo dõi, giám sát phối hợp và góp ý".
-
Lê Nhung