- Nhận được 21 câu hỏi trong hơn 100 phút đăng đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân dành thời gian để thông tin nhiều hơn là trả lời trực tiếp vào chất vấn của ĐBQH.
Trong suốt buổi chất vấn, nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải lưu ý Bộ trưởng GD-ĐT không nói lòng vòng mà hãy đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi.
Rất nhiều thông số được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu trong phần chất vấn, song nhiều ĐB chưa hài lòng với phần trả lời của ông. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận xét Bộ trưởng "hiểu rộng, hiểu sâu nhưng hiểu những vấn đề xa quá, không thực tế, không sát với những vấn đề đại biểu nêu".
"Nếu người học thận trọng chọn lọc kỹ, có lẽ đã không tạo ra tốc độ tăng các trường ĐH, CĐ nhanh như hiện nay". Ảnh: LAD |
Chăm ngọn, bỏ gốc?
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) trăn trở trước thực trạng giáo dục bậc mầm non chưa được Bộ quan tâm, trong khi lại dành quá nhiều sự quan tâm đối với các hệ giáo dục khác, mở tràn lan các trường ĐH, CĐ, nhất là đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, từ đó, sinh viên ra trường khó xin việc do mất cân đối cung cầu.
"Mới đây, Bộ GD-ĐT chủ trương trong 10 năm đào tạo cấp tốc 20.000 tiến sỹ. Như vậy có phải là lo phần ngọn mà quên phần gốc, lo đào tạo tiến sỹ mà quên mất khu vực giáo dục hình thành nên nhân cách của học sinh? Vấn đề chú trọng giáo dục cấp mầm non đã được nêu nhiều năm, qua nhiều khóa, nhưng có vẻ như Bộ lẩn tránh, với nhiều điều kiện này khác" - ĐB Cuông nêu.
ĐB Cuông cho rằng, vô hình chung, Bộ GD-ĐT "chống bệnh thành tích nhưng lại tạo ra làn sóng bệnh thành tích mới" và đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không phải Bộ không quan tâm đến giáo dục mầm non, nhưng trong từng giai đoạn chỉ đủ sức tập trung cho 1 bậc nhất định.
Ông Nhân cho biết, "dù muốn chi nhiều hơn cho mầm non, phổ cập mầm non nhưng chưa làm nổi vì đang tập trung phổ cập THCS".
Sau khi ĐB Cuông chất vấn lại rằng Bộ trưởng không đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Nhân khẳng định cá nhân ông quan tâm đến giáo dục mầm non và đã là người chủ động đề xuất phổ cập mầm non 5 tuổi, bắt đầu từ năm 2009.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông: Có phải là Bộ lo đào tạo cấp tốc tiến sỹ mà quên mất khu vực giáo dục hình thành nên nhân cách của học sinh? Ảnh: TTXVN
Khẳng định đã có hỗ trợ về lương cho giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nhân cũng nói: "Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương chuyển mầm non công lập thành tư thục, chỉ có bán công thì thành tư thục hoặc dân lập thôi. Làm như vậy thì mới phổ cập được giáo dục mầm non".
ĐH tư mở ra ồ ạt: Xử lý kiểu "giơ cao đánh khẽ"?
Ngay cả vấn đề được xem là ưu tiên của Bộ GD-ĐT hiện nay là giáo dục ĐH cũng gây nhiều quan ngại, trăn trở trong cử tri và ĐBQH.
Ông Lê Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng: "Chúng ta cấp phép nhiều trường trong khi các trường không thực hiện đúng cam kết đã nêu trong quyết định được Bộ phê duyệt".
Ông Dũng đơn cử Trường đào tạo tư thục công nghệ thông tin Gia Định mở 7 ngành đào tạo nhưng chỉ có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân gửi đề án lên Bộ, nêu số lượng giảng viên cơ hữu rất hoành tráng gồm 20 tiến sỹ, 105 thạc sỹ, 62 cử nhân nhưng thực tế kiểm tra, chỉ có vẻn vẹn 18 giảng viên, trong đó chỉ có 1 tiến sỹ
Theo ĐB Dũng, việc này đồng nghĩa với việc sẽ cho "ra lò hàng vạn cử nhân chất lượng kém, đâu khác gì hàng giả, hàng rởm. Liệu Bộ sẽ xử lý thế nào hay chỉ giơ cao đánh khẽ như hiện nay?"
Bộ trưởng phân trần, "ở địa phương cũng có phần quan tâm chưa đúng mức bởi các trường này chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương. Lẽ ra nếu địa phương biết thì cũng có tác động sớm, không kéo dài đến như bây giờ".
"Ký túc xá cho sinh viên là vấn đề rất bức xúc. Mục tiêu của CP đến năm 2010 có 60% sinh viên dài hạn có chỗ ở nội trú, nhưng chưa có đủ kinh phí nên chắc chắn năm 2010 không đạt được mục tiêu này. Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình phát triển nhưng sau khi phê duyệt rồi, không có kinh phí". Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nhân cũng nhận định lỗi phần nào là do người học: "Nếu người học thận trọng chọn lọc kỹ, có lẽ đã không tạo ra tốc độ tăng các trường ĐH, CĐ nhanh như hiện nay". Từ 110 trường ĐH và CĐ năm 1997, đến nay, chúng ta đã có thêm 200 trường ĐH, CĐ nữa.
Tuy nhiên, vị Tư lệnh ngành vẫn quả quyết bản thân chiến lược giáo dục đặt vấn đề phải tăng số trường ĐH, CĐ, bởi hiện nay, tỷ lệ sinh viên trên 1 vạn dân của Việt Nam mới chỉ bằng 1/2 của Thái Lan, Nhật Bản, Pháp và bằng 1/3 với các nước như Mỹ, Australia. Bản thân các gia đình cũng muốn con em học ĐH.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho rằng việc để diễn ra tình hình này là do việc "thông tin chưa tốt, kiểm tra điều kiện chưa nghiêm túc, bởi các địa phương xuất phát từ nhu cầu nhân lực của mình muốn trường ĐH phát triển".
Bộ trưởng Nhân chỉ nhận trách nhiệm của ngành là "giám sát xem điều kiện có đủ không. Khi xin phép, các trường đảm bảo đủ yêu cầu nhưng triển khai thực tế lại không xử lý đúng quy trình".
Hiện nay Bộ đang tiến hành 10 giải pháp để cải thiện tình hình, đồng thời ra quy định mới nâng số giảng viên cơ hữu của các trường lên 60% thay vì 30% như trước đây, đồng thời quy định rõ cơ cấu thạc sỹ - tiến sỹ.
Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu các trường đăng ký thực hiện các cam kết về số giảng viên cơ hữu, chất lượng giảng viên và trong 3 năm, Bộ sẽ liên tục kiểm tra. "Nếu các trường làm không tốt, sẽ xử lý nghiêm".
-
Phương Loan