- "Trong điều kiện hội nhập, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cần được chấn chỉnh lại theo hướng chặt chẽ về tổ chức thống nhất quản lý đối ngoại, phát huy vai trò vị trí của người đứng đầu, đồng thời huy động sự phối hợp của mọi nguồn lực", Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH, Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực VN tại Geneva, trao đổi với VietNamNet trước phiên thảo luận của QH chiều 7/11 về dự án Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đại sứ không phải của riêng bộ, ngành nào
Trong dự án Luật có tổ chức ghép kinh tế, thương mại với đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ thành một bộ phận chung, tức bỏ cách tổ chức hệ thống thương vụ riêng như trước. Có ý kiến không đồng tình, cho rằng sẽ khó thực hiện chức năng thương vụ ngoại giao ở mức tốt nhất, nhất là với các đối tác kinh tế lớn. Ý kiến của ông?
- Có thực tế các bộ, ngành kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động khoa học - công nghệ… ngày càng cử nhiều người hơn tham gia vào biên chế tổ chức của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Ông Ngô Quang Xuân: "Hãy nhìn thực tế hoạt động ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Hà Nội". Ảnh: LAD |
Lĩnh vực, bộ phận nào cũng quan trọng. Nhưng nếu cứ lập luận phải được tách ra, độc lập về trụ sở, các cơ sở vật chất, quản lý hành chính, nhà cửa, người đứng đầu chỉ quản lý về chính trị ngoại giao chung thì mọi hoạt động, sự phối hợp để tham mưu cho Nhà nước ta vẫn sẽ bị chia năm xẻ bảy.
Theo đó sẽ không phát huy được lợi thế mạnh mẽ của luật pháp quốc tế trao cho vai trò người đứng đầu là các đại sứ, đại diện duy nhất của Chủ tịch nước, đại diện duy nhất của Nhà nước ta ở nước ngoài cũng như chi phí về mọi mặt sẽ quá lớn.
Những ý kiến không đồng tình do e ngại vai trò chỉ đạo của bộ, ngành chuyên môn đối với cán bộ biệt phái sẽ bị hạn chế. Thực tế dự án luật vẫn tạo cơ chế cho các bộ, ngành chỉ đạo chuyên môn cán bộ biệt phái của mình nhưng sẽ đồng thời thông báo cho đại sứ, người đứng đầu cơ quan đại diện để chỉ đạo triển khai các hoạt động ở địa bàn sở tại.
Hãy nhìn thực tế hoạt động ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Hà Nội. Tất cả các bộ phận chuyên môn trong cơ quan đều là bộ phận tham mưu tin cậy, tập trung cho hoạt động hiệu quả nhất, ở mức cao nhất và tích cực nhất của đại sứ, người đứng đầu cơ quan của họ trong quan hệ với lãnh đạo, với các bộ, ngành, với các địa phương của ta.
Họ có chỉ hoạt động ngoại giao chính trị đâu trong khi rất chú trọng ta như một đối tác tin cậy, điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, du lịch nước ngoài!
Theo ông, cách tổ chức hành chính như vậy sẽ khắc phục được hạn chế về công tác quản lý chung về xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp bước vào thị trường nước ngoài của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài?
- Tại những hội nghị, hội thảo, tọa đàm gần đây nhất về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các cấp, các ngành, đại biểu các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều có tiếng nói chung, yêu cầu rất cao đối với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đòi hỏi cao về sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành.
"Ở đâu có những phàn nàn về thái độ cửa quyền trong công tác hành chính đối với bà con kiều bào quả là điều đáng buồn. Pháp lệnh đã trao cho đại sứ được quyền quyết định đưa về nước những trường hợp vi phạm đặc biệt. Các điều khoản của dự thảo Luật Cơ quan đại diện cũng đề cập rõ chế tài đối với các thành viên ngoại giao ở nước ngoài". |
Điều quan trọng, cần nhìn nhận cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là cơ quan đại diện của đất nước. Đại sứ, người đứng đầu là đại diện của Nhà nước chứ không phải của riêng một bộ, ngành nào.
Nhìn từ góc độ lợi ích chung đó mới có thể giải quyết được các vấn đề dễ dàng, đơn giản, hiệu quả hơn rất nhiều, tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ và chắc chắn hiệu quả hơn giữa đại sứ, người đứng đầu cơ quan đại diện với lãnh đạo các bộ, ngành chuyên môn.
Thu hút trí thức kiều bào
Cơ quan đại diện ngoại giao là cầu nối quan trọng trong việc thu hút chất xám, trí thức kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dự thảo luật dường như không đề cập cụ thể quy định trao cho cơ quan đại diện ngoại giao chức năng rộng rãi hơn để làm công tác này?
- Thực tế, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã đề cập một cách tổng thể các vấn đề của công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong dự thảo Luật Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, có điều 10 quy định nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như một nhiệm vụ trọng tâm.
Như vậy, có thể hiểu ở đây bao hàm mọi chức năng, kể cả chức năng động viên, thu hút trí thức kiều bào hướng về góp phần xây dựng phát triển đất nước như là một bộ phận quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ chính trị của cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có cộng đồng kiều bào sinh sống.
Lâu nay có những phàn nàn về thái độ cửa quyền trong công tác hành chính với kiều bào của một bộ phận cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông, luật có nên đặt ra chế tài để xử lý nghiêm minh hơn đối với những trường hợp như vậy? Kiều bào muốn khiếu nại, góp ý những bức xúc thì tiếp nhận và xử lý như thế nào?
- Ở đâu có những phàn nàn về thái độ cửa quyền trong công tác hành chính đối với bà con kiều bào quả là điều đáng buồn. Pháp lệnh đã trao cho đại sứ được quyền quyết định đưa về nước những trường hợp vi phạm đặc biệt. Các điều khoản của dự thảo Luật Cơ quan đại diện cũng đề cập rõ chế tài đối với các thành viên ngoại giao ở nước ngoài.
-
Xuân Linh