- Thảo luận ở tổ sáng 6/11, ĐBQH không đồng tình với quy định của dự Luật Lý lịch tư pháp, theo đó cá nhân tham gia thành lập, quản lý DN dẫn đến phá sản, muốn thành lập mới sẽ phải xin lý lịch tư pháp chứng thực đã từng phá sản. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp đã quy định chi tiết nội dung tương tự.
ĐB Vũ Hồng Anh: Quy định của luật còn mập mờ. Ảnh: LAD
ĐB Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Nội cho rằng Luật Doanh nghiệp đã quy định rất rõ những đối tượng nào không được thành lập, bị cấm không được tham gia quản lý hay góp cổ phần vào các doanh nghiệp.
Ông Sơn đề nghị bỏ hẳn quy định này vì "nếu Luật Lý lịch tư pháp lại quản lý phục vụ đăng ký kinh doanh thì sẽ không thể quản lý chặt chẽ hơn, thậm chí doanh nghiệp mất thời gian hơn. Tham chiếu với Luật Doanh nghiệp đương nhiên sẽ xung khắc, rắc rối".
ĐB Vũ Hồng Anh cũng cho rằng quy định như vậy rất mập mờ, trong khi thực tế Luật Doanh nghiệp quy định có thể tự tuyên bố phá sản và trong trường hợp cần thiết mới đệ đơn ra tòa án xử, chứ không phải ai phá sản cũng ra tòa.
Chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi việc tuyên bố phá sản thuộc về lý lịch của một tổ chức doanh nghiệp thì luật có nên đặt quy định về vấn đề này nữa không. Ông quả quyết: "Chúng tôi thấy là không nên".
Lãng phí
Hầu hết các ĐBQH băn khoăn việc dự án luật quy định thành lập trung tâm lý lịch tư pháp và trao cho trung tâm này nhiều chức năng gây tranh cãi về mặt pháp lý. Điểm băn khoăn lớn nhất, đó là giao cho trung tâm lý lịch tư pháp được xóa án tích, trong khi tổ chức trung tâm này theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu.
ĐB Chu Sơn Hà: Trung tâm lý lịch tư pháp không thể xóa án tích. Ảnh: LAD
ĐB Chu Sơn Hà nói cơ quan nào nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam tuyên án thì cơ quan đó phải ra văn bản quyết định xóa án tích, chứ không thể là một cơ quan hành pháp như trung tâm lý lịch tư pháp.
Nhiều ĐBQH chung quan điểm, khẳng định xóa án tích phải thuộc thẩm quyền của tòa án, của cơ quan tư pháp còn trung tâm mang tính chất hành chính tư pháp, không thể có quyền xóa án tích cho công dân vi phạm pháp luật. Nếu dự án Luật quy định nhu vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề rắc rối cũng như xung đột không đáng có.
ĐBQH cũng băn khoăn về quy định trung tâm lý lịch tư pháp ở cấp tỉnh do chủ tịch UBND thành lập để giúp quản lý về lý lịch tư pháp. ĐB Chu Sơn Hà cho rằng tổ chức như vậy không đồng bộ mà nên cơ cấu trung tâm như một bộ phận của Sở Tư pháp, đảm bảo đồng bộ trong quản lý ngành dọc.
Có ý kiến cho rằng thành lập quá nhiều trung tâm lý lịch tư pháp sẽ sinh ra sự lãng phí, dàn trải, không nhất thiết mỗi tỉnh phải có những trung tâm như vậy mà chỉ tổ chức theo khu vực, thành lập trung tâm dữ liệu và chia sẻ thông tin.
ĐB Nguyễn Đình Quyền dẫn tranh luận của nhiều thành viên UB Tư pháp QH thẩm tra dự án luật đề nghị ngoài Bộ Tư pháp, chỉ nên thành lập 3 trung tâm lý lịch tư pháp lớn: Bắc - Trung - Nam.
ĐB Lê Thị Nga cho rằng về tổng thể, dự án Luật Lý lịch tư pháp nếu ban hành phải điều chỉnh lại toàn bộ nội dung phạm vi điều chỉnh. Trong đó ban soạn thảo không nên thay đổi những chức năng liên quan tới nghiệp vụ của công an, viện kiểm sát liên quan đến lý lịch tư pháp công dân.
-
Xuân Linh