221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1123553
Xử lý tham nhũng có xu hướng "nhẹ trên, nặng dưới"
1
Article
null
Xử lý tham nhũng có xu hướng 'nhẹ trên, nặng dưới'
,

 - Tại phiên thảo luận ngày 31/10 về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền cho rằng xử lý tội tham nhũng vẫn chưa kiên quyết, chưa triệt để và có xu hướng "nhẹ trên, nặng dưới".

 

Tranh luận bên hành lang QH. Ảnh: LAD

Nghi ngờ số liệu

 

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) không đồng tình với tính xác thực của số vụ tham nhũng phát hiện được công bố trong năm qua khi lập luận cả nước có 379 vụ tham nhũng, tính bình quân mỗi tỉnh chỉ có khoảng 6 - 7 vụ tham nhũng.

 

Ông Thuyền nói: “Rõ ràng số liệu này không phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Cử tri rất lo lắng vấn đề này và chúng ta phải nghiên cứu”.

 

Về xử lý tội tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng vẫn “chưa kiên quyết, chưa triệt để và có xu hướng "nhẹ trên, nặng dưới".

 

“Cử tri nói ví dụ đối với nhân dân thì 500.000 đồng là bị bỏ tù, nhưng vụ Nguyễn Lâm Thái, người nào trên 1 tỷ mới xử lý hình sự, người nào dưới 1 tỷ chúng ta không xử lý hình sự", ông Thuyền nói.

 

Cũng băn khoăn về số liệu, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 375 bị cáo xét xử về tội tham ô tài sản, thì có 17 trường hợp tòa án tuyên không phạm tội, 139 bị cáo được tòa án cho hưởng án treo, chiếm 37%.

 

Ông Tuân băn khoăn: “Tôi nghĩ rằng điều này gây nên một tâm lý khó hiểu trong xã hội, mặc dù tòa án các cấp đã xét xử nghiêm minh theo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tôi xin đề nghị Quốc hội có kế hoạch giám sát một số vụ án trọng điểm”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) quan tâm đến việc còn quá ít người có trách nhiệm dám mạnh dạn đấu tranh tố giác tham nhũng do sợ bị trù dập và "đấu tranh thì tránh đâu?".

  

Lập BCĐ chống tham nhũng ở huyện: Không đúng pháp luật

 

Nhiều ĐBQH nêu vấn đề về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương cũng như địa phương. Đặc biệt là việc một số huyện ở địa phương cũng lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không đúng theo quy định của pháp luật.

 

Thừa nhận vai trò thiết thực của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, đại biểu Thuyền ví von muốn bắt “chuột” phải có “mèo”. Dù có thể bắt được hoặc chưa bắt được “chuột” nhưng có tiếng “mèo” kêu chuột cũng “sợ”. 

 

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho hay trong bối cảnh tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện thì cử tri và đại biểu mong chờ ở Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương có vai trò nhiều hơn.

 

Liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở một số huyện, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thừa nhận: “Các đồng chí lập như thế cũng có phần không phù hợp với pháp luật”.

 

Theo ông Truyền, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ nghiên cứu để hướng dẫn lại về mặt tổ chức để không phạm quy định của pháp luật, đặc biệt không để cho bộ máy này trở thành một tầng nấc, bộ máy gây cản trở công việc.

 

Ngành kia lấp lại, ngành nọ xới lên

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chuyển đến QH nỗi bức xúc của cử tri cho rằng Nhà nước vẫn còn hô hào nhiều về việc tiết kiệm, chống lãng phí mà chưa thấy kiểm tra, xử lý cụ thể.

 

Theo bà Hà, “vẫn phổ biến hiện tượng tổ chức nhiều lễ hội ở nhiều địa phương mà nội dung chương trình không khác nhau, trên ti vi không tuần nào không thấy các doanh nghiệp tổ chức hội nghị, khai trương, khánh thành, khởi công, động thổ, đúng là căn bệnh hoành tráng”.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) đặt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị để xảy ra thất thoát, lãng phí như dự án cầu Hoàng Hoa Thám ở TP.HCM xây dựng 10 năm mới chỉ được 3 trụ, thiệt hại gần 130 tỷ. Hay dự án cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải bỏ ra thêm hàng trăm triệu USD do không đảm bảo tiến độ. Vụ hàng chục triệu cuốn sách giáo khoa năm học mới in xong đã phải chỉnh sửa, gây tốn kém rất lớn tiền của nhân dân.

 

“Lãng phí nhiều như vậy hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, ai ai cũng biết”, ông Lưu nói.

 

Trong khi đó, đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận) chỉ ra chuyện có công trình ai cũng nhận biết là lãng phí nhưng vẫn làm, không khắc phục được. “Ngành này làm xong lấp lại, ngành kia lại xới lên như giao thông, điện nước, cáp quang cứ đào lên rồi lấp lại”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn chuyện lãng phí nhân lực đào tạo. Hàng năm cả nước có khoảng 8 vạn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chỉ có 15 - 20% sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên môn, số còn lại làm trái ngành, nghề đào tạo, thậm chí không tìm được việc làm, gây lãng phí lớn cho xã hội.

 

Bà Bé kiến nghị Chính phủ có những giải pháp thực hiện trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tránh lãng phí, thất thoát như trong thời gian qua.  

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,