221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1121923
Luật vẫn "bỏ trống" nợ của doanh nghiệp nhà nước
1
Article
null
Luật vẫn 'bỏ trống' nợ của doanh nghiệp nhà nước
,

 - Góp ý tại các tổ cho dự án Luật Quản lý nợ khu vực công chiều 27/10, ĐBQH muốn luật quản lý nợ công phải điều tiết cả việc vay nợ của các DNNN, "nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm vì nhiều tập đoàn đua nhau đi vay", nhiều DN vay vốn lớn gấp nhiều lần vốn sở hữu.

Cần đầu mối duy nhất 

Đại biểu muốn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện vay nợ công. Ảnh: LAD

Vay nợ công dễ nhưng trả rất khó là nhận định của nhiều ĐBQH. Để xét trách nhiệm vay nợ, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) băn khoăn "có quá nhiều đầu mối" như trong dự án Luật quy định, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp. 

"Chúng tôi băn khoăn không hiểu phân cấp như vậy Chính phủ và Nhà nước có quản lý được tổng vay nợ công hay không. Chính phủ cần thống nhất giao cho một tổ chức duy nhất thực hiện chức năng vay nợ công", ông Sơn nói.

Cũng ở tổ ĐBQH Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh cho rằng dự án luật chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm của các bộ: "Quy định như vậy nhưng để xét đến trách nhiệm cuối cùng thì không rõ. Khi có phần việc thì dựa vào nhau, khi sự việc không hay lại đổ trách nhiệm loanh quanh".

Không thể có ngoại lệ

Đa số đại biểu phản đối dự án luật quy định Thủ tướng quyết định trường hợp ngoại lệ vay nợ công. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng khi Luật quy định rõ các điều kiện liên quan đến vay nợ rõ ràng thì không nhất thiết phải có ngoại lệ và khi thực hiện vay nợ chỉ cần làm đúng quy định nêu rõ trong Luật.

"Nếu quy định như vậy thì trường hợp nào cũng thành ngoại lệ được", đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói.

Về vay nợ ở địa phương, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng phải có cơ quan cấp cao ở trung ương phê duyệt khoản nợ công bởi lãnh đạo HĐND, UBND địa phương hoạt động theo nhiệm kỳ không thể quyết định được. Ông Hà không loại trừ khả năng "không có lý gì người ta không ký nếu không có lợi, bất chấp việc trả nợ sau này thế nào". 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Tây Ninh) phản án tình trạng ở địa phương "tìm mọi cách thuyết phục các bộ, ngành cho vay nhưng lại không có những ràng buộc về trách nhiệm pháp lý khiến việc giám sát rất khó".

Cả nợ trong và ngoài nước đều không có nợ xấu. "Nợ của Chính phủ hiện đang ở mức dưới 40% GDP, tức mức nợ an toàn". 

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Đại biểu Chu Văn Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định lo ngại rủi ro: "Chẳng hạn, nhiều anh sẽ nghĩ tôi còn 2 năm nhiệm kỳ lãnh đạo, tôi cứ thế đi vay lấy tiền về đã còn trả nợ thì ai đứng ra cũng được. Thế là cả đất nước thi nhau đi vay thì gay lắm. Cả quốc gia đi vay nợ thì đời sau lấy ai trả nợ đây?".

DNNN "bình chân như vại"

Là doanh nhân, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu ý kiến Luật nên điều chỉnh cả vay nợ của DNNN dù về nguyên tắc "doanh nghiệp tự vay thì tự trả".

Theo bà Loan, nếu không đưa vào để quản lý trong luật thì khu vực nợ của DNNN sẽ bị bỏ trống và không biết quản lý ở luật nào. Trong khi đó, nợ vay của DNNN như mô tả của đại biểu đang "rất nguy hiểm, nhiều tập đoàn nhà nước thi đua vay, nhà nhà đi vay, người người đi vay".

Bà Loan dẫn giải sự nguy hiểm ở chỗ tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu của các DNNN rất cao. "Theo thông tin thì Cienco 5 vay nợ gấp 42 lần trên vốn của chủ sở hữu, Lilama 21 lần, Vinashin 22 lần".

Bà Loan làm phép so sánh giữa các tập đoàn kinh tế quốc tế chỉ vay từ 1 đến 3 lần so với vốn sở hữu và DNNN ở Việt Nam "vay gấp đến 42 lần vẫn chưa phá sản, vẫn bình chân như vại và vẫn được tiếp tục cho vay".

"Nói DNNN tự vay, tự trả nhưng nếu không có luật điều tiết thì điều này vô cùng nguy hiểm. Tôi đề nghị nếu không đưa vào Luật Quản lý nợ công thì phải có một luật khác để điều tiết sử dụng vốn của các DNNN", đại biểu Loan nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ hiện vẫn đang quản lý vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Ông dẫn chứng, vừa rồi có tập đoàn đã xin Chính phủ cho đi vay tiếp nhưng Chính phủ "không cho phép vì đã đến giới hạn an toàn". Liên quan đến việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ, ông Ninh khẳng định: "Chính phủ chỉ bảo lãnh một số trường hợp, dự án chứ không có bảo lãnh tràn lan".

Bộ trưởng Ninh cũng khẳng định cả nợ trong và ngoài nước đều không có nợ xấu. "Nợ của Chính phủ hiện đang ở mức dưới 40% GDP, tức mức nợ an toàn". 

  • Xuân Linh - Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,