221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1120587
Luật Đất đai sửa nhiều lần vẫn lửng lơ
1
Article
null
Luật Đất đai sửa nhiều lần vẫn lửng lơ
,

 - Làm luật kiểu "đánh trống ghi tên", "QH tư duy kiểu dĩ hòa vi quý", còn các chương trình giám sát "cứ làm mà không hiệu quả" là bức xúc ở hầu hết các tổ ĐB từ Hà Nội, Nam Định, Yên Bái cho đến Cà Mau... trong buổi thảo luận sáng 23/10 về chương trình làm luật và chương trình giám sát năm 2009 của QH.

Bất cập từ soạn thảo đến lúc bấm nút

ĐB Nguyễn Văn Son: QH chưa phát huy được lực lượng chuyên gia khi làm luật. Ảnh: Lê Anh Dũng

"ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến chỉ mang vốn của ngành, của địa phương mình "xài" được chừng nào thì "xài", kể cả ĐB chuyên trách. Lập ban soạn thảo chỉ có người ở bộ chủ quản. Nói không được, chỉ dựa dẫm, không phát huy được lực lượng chuyên gia", ĐB Nguyễn Văn Son (Lạng Sơn) phản ánh tính trạng xây dựng luật chồng chéo, chung chung và bất cập từ khâu soạn thảo đến tận lúc bấm nút thông qua.

Ông Son "gợi ý": "Liệu QH có khả năng đặt hàng luật không?" rồi tự trả lời: "Không có khả năng vì đơn thương độc mã, không có cơ quan tham mưu".

ĐB này phân tích, phải ưu tiên các luật do nhu cầu cấp bách của cuộc sống, không phải làm để giải ngân cho xong: "Phải điều chỉnh vấn đề bức xúc của cuộc sống chứ ban hành luật về những thứ ngon lành thì 1 - 2 năm biến động lại sửa".

Bức xúc lớn nhất của nhiều ĐBQH là vì sao một bộ luật cấp bách như Luật Đất đai (sửa đổi) đã bị rút khỏi chương trình năm 2008, lại chỉ được đưa vào cho ý kiến ở kỳ họp thứ 6 (2009), nghĩa là nếu làm gấp gáp, ít nhất phải đến 2010 mới kịp thông qua.

"Vướng ở đâu? Tại sao những luật cấp bách cho cuộc sống lại không được khẩn trương tập trung?", ĐB Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh) thắc mắc.

Giải trình việc đã thảo luận "nát" ra, ĐB Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói: "Biết Luật Đất đai chi phối toàn xã hội, nhưng vẫn cách làm như hiện nay thì hiệu quả không cao. Từ 1987 đến nay đã 5 lần sửa đổi. Trung bình 4 năm lại sửa nhưng tại sao không ổn? Sửa phải ra sửa, phải thay đổi cơ bản và đổi mới cách quản lý hiện nay. Chứ nếu vấp hôm nay, sửa, rồi giải quyết được 2 - 3 năm lại sửa tiếp thì không ăn thua".

ĐB Nguyễn Đình Quyền (HN): "Các bộ toàn tình trạng "đánh trống, ghi tên", nên luật xây dựng vội, không chất lượng, xu hướng làm luật để củng cố quyền lực của mình, tốt không sao, nhưng tiêu cực, đùn khó cho dân thì phải loại bỏ".

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (HN): "Chúng ta làm luật quá rẻ. Mấy tỷ đồng không đáng ngồi tư duy. Đại biểu QH một năm có mấy triệu bạc làm luật. Luật tốt phải tập trung trí tuệ, chú trọng chất lượng hơn số lượng".

Ông Nguyên "chua chát": "Có chuyên gia kỳ cựu về đất đai nói: sửa mà vẫn "ái nam ái nữ", lơ lửng, không thực tiễn. Đất nông nghiệp giao cho nông dân không thu thuế, bỏ hoang, chỉ chờ khi nào Nhà nước thu hồi  bắt đầu làm giá. Các nước dùng thuế để điều tiết tất cả còn hỗ trợ kiểu khác".

Ông Nguyên nói thêm, đất nông nghiệp trước đây giao 20 năm, bây giờ có giao lâu dài không? Nếu lâu dài thì cơ chế, chính sách phải khác, khi thu hồi cũng theo kiểu khác. "Không giải quyết được quan điểm lớn thì có sửa cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt", Bộ trưởng Nguyên lưu ý.

Ông Phạm Khôi Nguyên cũng tha thiết "kêu cứu" về tình trạng luật chồng lên luật nên trên một mảnh đất có 3 luật, 4 -5 nghị định thông qua. Xem ra, mục tiêu đến đến 2010 cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó thành hiện thực vì vẫn tồn tại hai loại giấy đỏ, giấy hồng, chưa có cách nào thống nhất.

Thiếu chế tài hậu giám sát

Việc chọn 2 trong số 3 chuyên đề giám sát mà QH dự kiến sẽ triển khai được đa số ĐB "giải quyết" chóng vánh vì hầu hết đều chỉ quan tâm đến việc "đã mất công đi giám sát, nhưng sao hiệu quả xử lý sau đó lại chưa cao? Năm nào cũng nói hiệu quả thấp sao chưa năm nào chuyển biến?"

Các ĐB tổ Cà Mau - Sơn La - Hà Nam thảo luận về hoạt động giám sát của QH. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Mỗi lần chuẩn bị cho đợt giám sát mới lại phải giở đến chương trình cũ. Đã làm chưa? Làm rồi? Kết luận thế nào? Kết luận rất chính xác? Chính xác rồi tại sao lại không có chuyển biến gì?", ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho hay. Theo ông, chọn vấn đề gì không quan trọng bằng giải quyết vấn đề đó đến đâu.

Trong khi đại diện các ủy ban của QH "than phiền" chuyện các đoàn giám sát của QH, thậm chí phó chủ nhiệm UB đích thân đi cơ sở cũng không được coi trọng như thứ trưởng các bộ kinh tế thì hầu hết ĐBQH, đồng thời là cán bộ địa phương lại "phàn nàn" việc đoàn giám sát xuống nhiều, chồng chéo, trùng lặp khiến địa phương mỏi mệt và "bê trễ".

QH dự kiến sẽ chọn 2 trong số 3 nội dung sau để đưa vào chương trình giám sát năm 2009; Chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản SGK; Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, TCT Nhà nước; Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dự kiến, năm 2009 sẽ trình QH thông qua 25 dự án luật, cho ý kiến về 22 dự án luật.

"Thường vụ QH nói mỗi tháng không nên có tới 2 đoàn về nhưng ở TP.HCM vừa rồi có lúc một tháng đón 3 đoàn. Hay Yên Bái, trong 1 tuần cùng lúc hai đoàn về, lại trong 1 ngày. Trong khi đó, Bắc Ninh cả năm không hề có đoàn nào", ông Tuyết dẫn chứng.

Theo ông Bùi Công Bửu (Cà Mau), trùng lặp như vậy vì ngoài việc QH, UB thường vụ và các ủy ban QH thành lập đoàn giám sát thì ngay bản thân HĐND các tỉnh và đoàn QH từng địa phương cũng có kế hoạch và lịch trình của mình.

Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thu Thủy tâm tư: "Anh em kêu sao tối ngày lúc nào cũng đi giám sát".

Bà cho hay không ít lần HĐND vừa đi giám sát xong thì đoàn của QH cũng về giám sát đúng vấn đề đó: "Tại sao các UB không gửi chương trình dự kiến về sớm trước kỳ họp HĐND để chúng tôi tránh?".

Không đồng tình với quan điểm cho là đoàn giám sát về nhiều làm khó địa phương, khiến sở, ngành chuẩn bị báo cáo chưa đến nơi đến chốn,  ĐB Tuyết (Yên Bái) nói chất  lượng giám sát chưa cao do "tư duy" ngắn hạn: "QH xuống giám sát nếu phát hiện sai sót, bất cập sẽ kiến nghị sửa và đây mới là mối lợi lâu dài. Nhưng địa phương lại không mặn mà, lại chỉ thấy cái lợi trước mắt là ông bộ trưởng, thứ trưởng đi xuống, thấy thiếu chỗ nào là "quyết" luôn".

Phó trưởng đoàn ĐBQH Sơn La Cầm Chí Kiên góp ý: "Nói mãi thì giám sát xong, có quay lại kiểm tra cũng vẫn không thấy làm gì. Đề nghị phải có chế tài hậu giám sát".

Ông Đinh Mươk (Quảng Nam) than thở: "Đoàn giám sát về điện đến nơi thì có điện, đoàn đi thì điện mất. Địa phương chuẩn bị các số liệu không phản ánh gì thực tế".

  • Lê Nhung - Xuân Linh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,