- Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, dự kiến năm 2009, UBTVQH sẽ có 2 giám sát chuyên đề: Tái định cư thủy điện Sơn La và các vụ án tham nhũng chậm tiến độ.
Theo UBTVQH, các nội dung giám sát năm 2008 có trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: TTXVN
Buổi thảo luận sáng 9/10 của UBTVQH về dự kiến chương trình giám sát năm 2009 tiếp tục mổ xẻ vì sao chất lượng hoạt động giám sát chưa cao.
Nguyên nhân tập trung vào việc bộ, ngành, địa phương chưa nhiệt tình, giám sát mới chỉ căn cứ từ các báo cáo, “hậu” giám sát không được theo đến cùng… Đại diện các UB đều phàn nàn về thái độ phối hợp của các cơ quan Chính phủ, địa phương.
Chỉ dựa báo cáo, giám sát gần như là con số không
“Khi thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng vụ chuyên ngành đi xuống, thì chủ tịch tỉnh cũng đứng ra tiếp. Còn chúng tôi xuống, các lãnh đạo tỉnh đều kêu bận, báo cáo thì sơ sài… ai cũng ngại khi thấy đoàn giám sát của QH”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển so sánh.
Ông Hiển cũng phản ánh thái độ làm việc chưa nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương: "Báo cáo chuẩn bị rất sơ sài, có bộ phải làm báo cáo đề dẫn thì copy toàn bộ nội dung của đoàn giám sát vào khiến nhiều báo cáo của các bộ như anh em sinh đôi với báo cáo của cơ quan giám sát”.
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi phân tích thêm: Quy trình giám sát phải chặt chẽ và đầy đủ; Sau khi xem xét báo cáo bộ, ngành, địa phương thì phải xuống thực tế, rồi đối chất giữa cơ quan làm báo cáo, địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia… “Vừa rồi mới chỉ dựa vào báo cáo, gần như chỉ là con số không”, ông Thi nói.
Ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Tại sao bên MTTQ phản ánh rằng có nhiều cử tri không muốn đoàn giám sát xuống?
“MTTQ cần làm rõ có phải cử tri không hay là đại cử tri? Tại sao lãnh đạo địa phương không muốn tiếp đoàn giám sát? Địa phương nào nói vậy, chứng tỏ địa phương đó có vấn đề”, ông Hiển “nghi vấn”.
"Luật Quản lý khoáng sản ban hành từ 1996 đến nay nhưng vừa qua, đi giám sát ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy toàn bộ doanh nghiệp khai thác than đều chưa có giấy phép hoạt động". Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển
Đồng tình với ông Hiển, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng nhiều bộ được các UB mời đến làm việc nhiều lần mà không đến. Ra phiên họp UBTVQH không phải bộ trưởng mà toàn cử thứ trưởng, thậm chí tài liệu chưa hẳn đã chính xác.
Ông Thuận dẫn chứng, báo cáo tổng kết về thực hiện pháp lệnh cán bộ công chức của Bộ Nội vụ không đạt yêu cầu. “Làm việc trên cơ sở pháp luật. Tình cảm du di nhưng pháp luật phải rõ ràng”, ông nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ủng hộ mục tiêu cấp bách phải đổi mới hoạt động giám sát của QH, thậm chí, nếu cần thì sửa đổi luật hoạt động giám sát.
“Bày ra nhiều làm tràn lan không hiệu quả thì bị coi thường, năm nay nên chọn chương trình làm cho đến nơi đến chốn, để xã hội tôn trọng. Tập trung vào một số vấn đề nổi cộm bức xúc nhất”, ông Trọng lưu ý.
Theo đó, QH sẽ ra nghị quyết sau mỗi chuyên đề giám sát. Sau đó, cách một kỳ họp lại giám sát việc thực hiện nghị quyết để theo dõi tiến độ thực hiện, làm cho đến cùng.
Năm 2008, UBTVQH đã tiến hành 3 giám sát chuyên đề: tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý vấn đề đất đai mua bán cổ phiếu trong cổ phần hóa DNNN và khiếu nại tố cáo.
Hai chuyên đề giám sát của Quốc hội là đầu tư xây dựng cơ bản dùng vốn nhà nước và xã hội hóa chăm sóc sức khỏe.
Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, dự kiến năm 2009, UBTVQH sẽ có 2 giám sát chuyên đề: Tái định cư thủy điện Sơn La và các vụ án tham nhũng chậm tiến độ.
Quốc hội sẽ tiến hành 3 giám sát chuyên đề: Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình giáo dục ở các bậc tiểu học và việc biên soạn, xuất bản SGK.