- Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Thông Tin - Truyền Thông Đỗ Quý Doãn khẳng định Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thông tin điện tử nhằm đảm bảo không buông lỏng phát triển. Hoạt động quản lý sẽ khoa học, không nhằm hạn chế sự phát triển của loại hình thông tin này.
Quản lý blog: Rất phức tạp
Với sự phát triển của Internet, thông tin điện tử được hiểu theo nghĩa rất rộng. Loại hình mới mẻ này sẽ được quản lý như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Trong bất kể loại hình đặc thù nào cũng cần có những phương thức quản lý phù hợp. Quản lý để tạo điều kiện cho sự phát triển. Chúng ta phải có cơ chế quản lý vừa đảm bảo không buông lỏng phát triển nhưng đồng thời không hạn chế sự phát triển.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Quy định hoạt động blog sẽ định ra những tiêu chí để người tham gia hoạt động biết việc nào mình được làm và việc nào không được làm. Ảnh: LAD
Đối với loại hình thông tin phát triển nhanh, mới mẻ như thông tin điện tử, rõ ràng chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tìm ra những định chế, phương thức quản lý phù hợp. Đây là yêu cầu đặt ra rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đó là hoàn thành việc xây dựng quy định về quản lý blog cá nhân. Xin Thứ trưởng cho biết thêm?
- Việc xây dựng quy định hoạt động về blog trước đây đã được Cục Báo chí triển khai. Nay Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thực hiện tiếp công việc này và nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm phải hoàn thành.
Phải khẳng định đây là vấn đề mới và rất phức tạp. Càng mới, càng phức tạp bao nhiêu càng cần có định hướng phát triển bấy nhiêu. Mà định hướng phát triển phải có cơ chế và những tiêu chí cụ thể.
Quy định hoạt động blog sẽ định ra những tiêu chí để người tham gia hoạt động biết việc nào mình được làm và việc nào không được làm. Khi có sự việc, cơ quan quản lý có những căn cứ cụ thể để xem xét.
Trang tin điện tử cung cấp thông tin không thể gọi là blog
Cơ quan chức năng có phân loại blog và theo ông loại blog nào đáng chú ý?
- Nếu hiểu blog là nhật ký cá nhân thì anh chỉ nói những vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân. Nhưng khi anh viết những vấn đề quảng đại cho nhiều người đọc thì anh phải tuân thủ những định chế khác.
Việt Nam hiện có 1,1 triệu blogger và số lượng này không ngừng tăng lên. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp từng khẳng định: "Sẽ không hạn chế phát triển blog". Theo ông, trong tương lai, blog sẽ làm xã hội "thông thoáng, cởi mở, đầy đủ thông tin và hiểu biết lẫn nhau hơn".
Nếu đặt trong không gian ông đề cập thì cần hiểu như thế nào về những blog có nội dung đa dạng, đề cập đến cả nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước?
- Nếu anh hiểu blog như vậy thì không phải. Một số người không hiểu được phạm vi, mức độ như thế nào là blog. Chúng ta hoạt động trong một đất nước có chủ quyền, có pháp luật và mọi người phải tuân thủ theo pháp luật.
Những blog dạng như câu hỏi đề cập không thể gọi là blog. Như vậy anh đã thiết lập các trang tin điện tử có nội dung cung cấp thông tin, biến blog của anh thành bản tin hoặc tờ báo điện tử thì anh phải chịu sự điều chỉnh khác chứ không thể gọi là blog.
Tất cả phải trở lại với gốc của vấn đề. Loại hình đó là cái gì để chúng ta xem xét và có những quy định phù hợp. Khi quy định về blog ra đời sẽ rõ.
Vậy với những blog do cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam lập ra, đề cập các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam theo hướng không tích cực thì cơ quan quản lý sẽ ứng xử thế nào?
- Blog ngoài Việt Nam không thuộc phạm vi của mình. Hiện giờ chúng ta cũng đã phải đối mặt với những thông tin như thế. Trong một thế giới như vậy, chúng ta phải đưa lại thông tin để tất cả mọi người, bạn bè, thế giới hiểu rõ hơn về tình hình của đất nước, về sự phát triển, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đó là trách nhiệm của chúng tôi và cả các cơ quan báo chí trong nước nữa.
Nghiên cứu quản lý diễn đàn
Có một dạng thông tin điện tử rất gần với blog là các diễn đàn mở với các tương tác thông tin phong phú không kém. Vậy quy định về quản lý thông tin điện tử có tính tới điều này?
- Còn rất nhiều việc phải bàn, nghiên cứu để có hình thức quản lý thích hợp. Tôi xin nhắc lại quản lý ở đây không phải chỉ có việc xem xét phép tắc. Quản lý ở đây có nghĩa tất cả các hoạt động trong cùng lĩnh vực liên quan của một quốc gia thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của quốc gia đó.
Hiện nay nhiều tờ báo in trong nước có phiên bản trang tin điện tử, không chỉ cập nhật phiên bản nội dung của báo giấy mà còn thông tin từ các nguồn khác. Nhiều tờ báo thậm chí tổ chức đội ngũ phóng viên riêng cho trang tin điện tử. Ở góc độ quản lý, ông có ý kiến gì?
- Các trang tin điện tử như đề cập chủ yếu là phiên bản của báo in. Nhưng dần dần trong quá trình phát triển, nhiều báo tổ chức bộ máy nhân sự, xây dựng nội dung, hình thức trang tin để cập nhật thông tin nhanh chóng như vậy thì cũng hết sức tạo điều kiện.
Nếu xem xét ở góc độ quản lý thì trang tin điện tử hay báo in đó đều chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Tôi không nghĩ đó là vấn đề đáng ngại. Điều quan trọng, các cơ quan báo chí đó phải biết khai thác lợi thế của loại hình thông tin điện tử như trực tuyến, sự nhanh nhạy để phát huy hiệu quả của nó.
Tôi nghĩ đây là một quá trình mà các cơ quan báo in có các trang tin điện tử hay báo điện tử cần từng bước cải tiến và phát huy lợi thế của mình một cách tốt nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng.
-
Xuân LinhÝ kiến của bạn: