221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1111202
Kinh doanh giảm sút nhưng lạm phát thấp hơn cả nước
1
Article
null
KT-XH 9 tháng ở TP.HCM :
Kinh doanh giảm sút nhưng lạm phát thấp hơn cả nước
,

 - Tình trạng gian lận tại các cây xăng, kinh doanh sữa gây sạn thận, sữa không rõ nguồn gốc, thuốc giả thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của UBND TP.HCM, sáng 24/9.

Kinh doanh giảm sút

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Lai, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay của TP.HCM chỉ đạt 10,5%, trong khi kế hoạch đặt ra cả năm là 12 - 13% (tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2006 là 11,6%, cùng kỳ năm 2007 là 11,7%). Sự sút giảm về tốc độ tăng trưởng này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là kinh tế thế giới chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu, vàng, USD... Tuy vậy, tình hình lạm phát ở TP.HCM thấp hơn mức chung cả nước.

Một số đơn vị phản ánh tình hình kinh doanh giảm sút. (Ảnh: VG)

Đại diện Tổng công ty Du lịch SaiGon Tourist cũng cho biết, kinh doanh dịch vụ cũng giảm so với những năm trước, do thực hiện chính sách tiết kiệm giảm lạm phát dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch.

Cùng hoàn cảnh đang có dấu hiệu kinh doanh tiến triển chậm, đại diện Công ty ô tô Samco cho hay, kinh doanh ô tô nói chung giảm, do tăng phí trước bạ từ 5% lên 10%, giá nhiên liệu tăng... Công ty có phần khó khăn trong 3 quý đầu năm, sẽ cố gắng khắc phục ở quý IV.

Trong tình hình tốc độ tăng trưởng GDP giảm thì dân số TP.HCM vẫn tăng mạnh, thêm 46.000 người. Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phân tích, dân số TP.HCM năm 2007 và 9 tháng đầu năm 2008 tăng mạnh, bằng khoảng 1/2 số dân trung bình 1 quận -huyện, do số dân nhập cư ngày càng đông và dân nhập cư tuổi sinh đẻ chiếm đa số. 

Khó phát hiện gian lận xăng

Theo ông Lê Xuân Đài, Phó Chi cục Quản lý thị trường, sau khi phát hiện ở Trung Quốc sữa có chất độc hại, TP.HCM mới có chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra trên 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu được trên 130 tấn phụ gia chế biến sữa (sữa, ca cao, bơ...) không rõ nguồn gốc và 20 tấn sữa không rõ nguồn gốc vào sáng 24/9. Sữa không rõ nguồn gốc hầu hết từ Trung Quốc, có giá rẻ trên thị trường.  

Trước đây, công tác kiểm tra sữa và những mặt hàng khác chỉ dừng ở kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng, chưa kiểm tra thành phần, chất lượng như thời gian này.

Về lượng sữa có chất gây sạn thận đang gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Văn Châu cho biết số lượng sữa này đã được công ty nhập khẩu vi phạm thu hồi gần 100%. Đây là lô hàng đầu tiên công ty này độc quyền nhập khẩu từ Trung Quốc nên không có cơ sở khác kinh doanh loại sữa trên. Sở Y tế hiện đang xin tiêu huỷ.

Cùng với việc kiểm soát sữa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, có hại, công tác kiểm soát gian lận xăng dầu cũng khó khăn không kém.

"Chúng tôi nhận được thông tin về một cây xăng gắn chip điện tử, trong thời gian 8 - 10 giờ tối. Đoàn kiểm tra đã ém người quan sát nhưng rất khó phát hiện. Nhiều khả năng họ điều khiển bằng điều khiển từ xa"- ông Đài cho hay.

Cũng về tình hình gian dối trong kinh doanh, theo Giám đốc Sở Y tế, tỷ lệ thuốc giả tới nay vào khoảng 0,7%, thấp hơn giai đoạn năm 1990 - 1999, và nằm dưới tỉ lệ chung của thế giới (1%).

So với cùng kỳ năm 2007, số lần công tác kiểm tra thị trường năm nay tăng 50%.

Xử phạt không đủ răn đe

Đề cập đến tình trạng kinh doanh xăng gian dối và kinh doanh sữa có hại, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng phải có chế tài nghiêm, thậm chí phải rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở sai trái này.

Thị trường sữa đang khiến người dân nghi ngại. (Ảnh: TT)

Kiểm điểm tình hình 9 tháng, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Lai góp ý: Cần đánh giá đầy đủ khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với quốc tế. Đạo đức thương nhân cần được xây dựng trong bối cảnh hiện nay.

Về tình trạng gắn gắn chip điện tử để gian lận tại các cây xăng, ông nói: "Cần có công nghệ cao để phục vụ xã hội, nhưng mặt trái của công nghệ cao rất phức tạp. Vấn đề đạo đức kinh doanh cần đặt ra mới có thể xây dựng chất lượng cuộc sống cao hơn".

Về vấn đề xử phạt, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, khẳng định, hiện việc xử phạt chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp bị phạt 100 triệu đồng, 50 triệu đồng, họ sẵn sàng đóng và... tiếp tục vi phạm, vì số tiền không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu được do làm ăn bất chính.

Theo bà Hồng, cần có những hướng dẫn pháp lý rõ ràng để có biện pháp xử phạt. Trong 12 trường hợp vi phạm có tới 10 trường hợp "chưa đủ điều kiện để khởi tố hình sự". Cần xử lý thật nghiêm, mới có thể thay đổi ý thức của doanh nghiệp. 

Bà Hồng đề nghị, từ nay đến cuối năm Sở Công thương phối hợp với các Sở ngành chức năng, UBND quận - huyện, cùng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chặt chẽ dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...

Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, các ngành phải tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn một cách triệt để, nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại. Đồng thời, các Sở ngành phải chú trọng giữ vững an ninh chính trị, chú ý đến từng địa bàn, đề phòng cướp giật, đặc biệt ở các tiệm vàng, vào cuối năm.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, TP cần tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông; vận động cán bộ công chức làm gương trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đối với các công trình thi công có rào chắn trên đường, phải tăng cường rà soát, kiểm tra; tuyến đường nào thi công xong phải giải toả ngay, tái lập mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với những dự án trì trệ kéo dài, phải xử lý nghiêm, tạo điều kiện để nhân dân, MTTQ, các đoàn thể giám sát.

  • Vinh Giang

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,