- Thảo luận chiều 22/9 về dự thảo Luật Quản lý nợ công, UBTVQH đồng ý không để địa phương trực tiếp vay vốn nước ngoài. Chính phủ đứng ra vay rồi cho địa phương vay lại. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến khác biệt về việc có nên xếp nợ công của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước vào phạm vi bảo lãnh của Chính phủ hay không.
Tự vay - tự trả?
Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện chức năng quản lý nợ. Dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính làm đầu mối thống nhất nợ công, còn Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng phối hợp.
Thảo luận bên lề cuộc họp. Ảnh: N.Dung
Đồng tình với cơ chế này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình chỉ rõ: Đối với các khoản vay nước ngoài của địa phương, Bộ Tài chính làm đầu mối, còn vay các tổ chức nước ngoài như WB, IMF, ADB, do đây là những chương trình quốc gia nên ngân hàng sẽ đứng ra phụ trách. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ dừng lại ở chức năng đại diện vay tiền, sau lại giao cho Bộ Tài chính quản lý.
Về phần mình, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lê Quốc Lý khẳng định việc thống nhất đầu mối không đồng nghĩa với việc giao hết mọi thẩm quyền, công việc cho Bộ Tài chính. "Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phụ trách chiến lược vay và trả nợ nước ngoài".
Liên quan đến việc thu hẹp đối tượng để tránh bảo lãnh tràn lan, các đại biểu đi sâu vào thảo luận liệu có nên xếp nợ của DNNN vào diện nợ công hay không.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bảo toàn quan điểm nên xếp khoản nợ DNNN ngoài bảo lãnh của Chính phủ: "Các DNNN tự vay thì phải tự trả, tránh bảo lãnh quá rộng". Theo ông, nếu nợ công bao gồm cả nợ của khối DNNN, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, Nhà nước có nguy cơ phải "chịu trận" nếu như DNNN mất khả năng thanh toán.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn lại đề nghị "trong các khoản nợ công nên bao hàm nợ của các DNNN để quản lý và thực hiện giám sát cho tốt". Ông lý giải, các DNNN, mà cụ thể là các tập đoàn có đặc thù nhân sự do Chính phủ bổ nhiệm, điều lệ do Chính phủ thông qua, các dự án do Chính phủ quyết...
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đối với các khoản vay của DNNN, cần phân chia ra làm 2 trường hợp. Nếu DN vay để đầu tư các công trình trọng điểm có ý nghĩa quốc gia thì Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh. Còn đối với DN tự vay tự trả, thực hiện quyền tự chủ kinh tế thì không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Do đó, "đưa toàn bộ DNNN ra khỏi bảo lãnh vay nợ nước ngoài là không cần thiết", ông nhấn mạnh.
Ông Hiển đề nghị dự thảo Luật Quản lý nợ công cần quy định rõ chế tài đối với các trường hợp không trả nợ vốn vay. Theo ông, không nên quy định những trường hợp ngoại lệ được Thủ tướng cho phép vay vốn bởi như vậy sẽ làm giảm giá trị thực tế của luật.
Đa số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với dự thảo luật không cho phép các địa phương chủ động đàm phán, ký kết vay nợ nước ngoài. Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối đàm phán, ký kết theo quy trình, thủ tục luật định, khi cần thiết thì cho địa phương vay lại.
-
Nguyễn Dung