- "Tìm giải pháp đột phá phải từ đất đai. Nhà nước chỉ cần quản lý ruộng đất bằng luật pháp, còn hãy để nó vận hành theo thị trường, theo đúng quy luật. Còn nếu Nhà nước sở hữu, thì phải quản lý chặt chẽ", GS. TS Tô Duy Hợp, nguyên Trưởng phòng Xã hội học nông thôn - Viện Xã hội học nói.
"Công hữu tư dụng"
GS. TS Tô Duy Hợp: Nếu vẫn tư duy thực dụng, lấy hết đất "bờ xôi ruộng mật" để phát triển công nghiệp thì sẽ phải chịu hậu quả.. Ảnh: LN
Nghị quyết TƯ 7 đã xác định vị trí chiến lược của nông dân, nông nghiệp và nông thôn là cơ sở để phát triển ổn định chính trị đất nước. Chính phủ đang chuẩn bị nhiều chương trình hành động cụ thể. Nghiên cứu về nông thôn mấy chục năm nay, ông thấy khu vực này có những vấn đề bức xúc gì cần giải quyết ngay?
- Sở hữu đất đai là bức xúc lớn. Đất nông nghiệp là sở hữu toàn dân, nông dân chỉ được quyền sử dụng. Luật quy định không được quyền mua bán đất, mà chỉ được mua bán hoa lợi trên đất. Song rõ ràng không ai chỉ mua hoa lợi trên đất, mà phải mua cả đất. Thế nên mới có việc lách luật là chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà thực chất là mua bán.
Bao nhiêu năm nay, ruộng đất của chúng ta vẫn ở trong tình trạng “công hữu tư dụng”. Nhà nước sở hữu nhưng người dân được sử dụng và có thể trao đổi qua lại thông qua chuyển nhượng.
Tìm giải pháp đột phá phải từ đất đai. Nhà nước chỉ cần quản lý ruộng đất bằng luật pháp, còn hãy để nó vận hành theo thị trường, theo đúng quy luật. Còn nếu Nhà nước sở hữu, thì phải quản lý chặt chẽ. Đằng này, quản lý nhưng vẫn có nhiều kẽ hở.
Nên trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, bởi đây là động lực để phát triển xã hội và giải phóng sức sản xuất.
Thứ hai, vấn đề hiệu suất đầu tư cho nông nghiệp. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực. Nếu vẫn tư duy thực dụng, lấy hết đất "bờ xôi ruộng mật" để phát triển công nghiệp thì sẽ phải chịu hậu quả. Mỹ, Pháp là những quốc gia công nghiệp hàng đầu, nhưng nền nông nghiệp của họ cũng tiên tiến vào loại nhất thế giới. Đây là bài học về vai trò của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế.
Khẩu hiệu xoá bỏ khoảng cách đô thị - nông thôn từ lâu đã nói, nhưng có vẻ như khoảng cách này đang doãng ra và liên quan cả đến vấn đề phân hoá giàu nghèo. Trong bối cảnh lạm phát này, nông dân vẫn là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất?
- Đúng vậy. Có tình trạng không muốn đầu tư hết cho nông nghiệp vì hiệu suất không là bao. Nông dân mất đất, thiếu việc làm, mục tiêu xóa đói giảm nghèo ắt sẽ gặp lực cản. Đổ dồn về đô thị làm thuê, có thể thu nhập gấp đôi nông thôn nhưng vốn lớn không có, không thể có cơ may làm giàu.
Tuy nhiên, cơ cấu lao động thuần nông hiện nay cũng đang giảm mạnh. Tỷ lệ ở Đồng bằng Bắc Bộ và khu 4 cũ còn lớn, nhưng khu vực Đông Nam Bộ đã giảm đáng kể.
Nông dân ly hương, thiếu đi lao động tinh nhuệ
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên rõ ràng là một tín hiệu vui?
- Rõ ràng là tín hiệu tốt. Nông nghiệp cũng sẽ được chuyên môn hóa. Trước, anh nông dân chỉ làm đủ nuôi mình. Nay nhờ tổ chức hợp lý và hỗ trợ của KHCN nên một người làm vẫn có thể gánh được cho lương thực cả trăm người. Ở ĐBS Cửu Long, đã phát triển quy mô trang trại, làm ăn lớn.
Báo cáo hằng năm về "Phát triển thế giới" của WB khi đưa ra các chỉ báo thì tỷ lệ nông thôn so với đô thị, nông nghiệp so với công nghiệp trên toàn cầu hiện nay là 50/50... Sắp tới, nông nghiệp sẽ thấp hơn công nghiệp, đô thị.
- Nhưng công nghiệp hóa cũng sẽ khiến thành phần thanh niên nông thôn - lao động chủ lực sẽ không còn. Vậy làm sao có thể xây dựng được những nông trang lớn "một người làm gánh lương thực cho trăm người", thưa ông?
- Đúng là nông thôn sẽ bị mất đi lực lượng lao động tinh nhuệ, sẽ không có nội lực để phát triển. Bài toán phát triển nông thôn trở nên nan giải.
Tôi đi khảo sát nhiều vùng, đều thấy ở nông thôn hầu như không còn nhiều thanh niên. Họ đi học, ra thành phố tìm việc làm. Thị trường lao động biến động, chỗ này thải, chỗ kia nhận.
"Khi địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp để xây nhà máy, có điều khoản bảo đảm tỷ lệ phần trăm lao động địa phương và DN chịu trách nhiệm đào tạo. Nhưng thực tế chỉ sau 3 năm đã cho giải tán bằng hết".
Đó là quá trình tất yếu của đi tìm việc làm và cải thiện thu nhập, xu hướng chuyển dịch xã hội và có lợi cho cả hai khu vực.
Thu nhập của nông dân khi ra đô thị sẽ gấp đôi, gấp ba. Cân đối mức sống, vẫn có số tiền tối thiểu gửi về nuôi gia đình. Về các xã, chỉ cần ra bưu điện, sẽ kiểm tra ngay được dòng tiền chuyển về. Ít nhất là có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống...
Người thành phố cũng có lợi chứ. Nhiều người nói là họ gây mất trật tự, ăn trộm, ăn cắp... Nhưng họ không hiểu rằng những việc dân đô thị cần mà không làm, đã có những người nông dân chấp nhận làm, mức lương thấp.
- Nhưng rõ ràng về lâu dài vẫn cần phải có nỗ lực để người nông dân "ly nông bất ly hương"?
- Đã từng có mô hình đưa nhà máy về gần, đặt ngay tại làng, xã, thuê lực lượng tại chỗ. Nhưng hãy về ngay xã Phù Lưu (Ứng Hòa, Hà Tây cũ), sẽ thấy tình trạng bức xúc của người dân.
Khi địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp để xây nhà máy, có điều khoản bảo đảm tỷ lệ phần trăm lao động địa phương và DN chịu trách nhiệm đào tạo. Nhưng thực tế chỉ sau 3 năm đã cho giải tán bằng hết.
Nguyên nhân là do khuyết điểm từ tâm lý "dân địa phương" nên lao động rất vô kỷ luật, đi muộn, về sớm, phá phách, thường xuyên bị ghi sổ đen. Sau 1 năm kiểm tra năng lực, kém, thế là bị gạt ra hết để tuyển lao động ngoại tỉnh vào. Chủ trương tốt, nhưng thực hiện lại gặp vấn đề. Lao động tại chỗ cuối cùng vẫn không được sử dụng.
Vậy thì phải có cơ chế hợp tác cụ thể giữa DN và chính quyền địa phương để phối hợp đào tạo lao động tại chỗ. Chính quyền kêu DN, DN kêu chính quyền và nhân dân thì bức xúc vì cả hai. Trong khi đó, lao động thanh niên nông thôn vẫn tiếp tục bỏ đi.
Trước đây ta có khẩu hiệu: “Dân cày có ruộng”. Nhưng nay, khẩu hiệu đó nên đổi thành: “Nông dân có việc làm”. Trung Quốc có một mô hình rất hay là “xí nghiệp hương trấn”, tức là họ lập xí nghiệp của nông dân, do nông dân tự điều hành, ngay tại quê hương.
- Bây giờ, trong Nghị quyết 7 có chủ trương đẩy mạnh phát triển làng nghề. Đây có phải là giải pháp hữu hiệu để giữ chân lao động?
- Nghị quyết nêu rõ là mỗi làng sẽ phát triển một nghề. Mục tiêu tốt, giải pháp làng nghề cũng tốt nhưng liệu có khả thi?
Khẩu hiệu: “Dân cày có ruộng” trước đây nên được đổi thành: “Nông dân có việc làm”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lẽ ra chỉ cần phát triển các làng nghề truyền thống và thu hút vệ tinh xung quanh, mở rộng, lan tỏa. Còn nếu không sẽ chẳng khác gì chủ trương hiện nay là mỗi tỉnh một trường đại học.
Hiện đã có những làng nghề lan tỏa mang lại hiệu ứng rất tốt. Chẳng hạn như làng nghề Đồng Kỵ làm gỗ xuất khẩu mỹ nghệ, nhiều công ty có lợi nhuận 20 tỷ/năm. Làng kế cận là Tam Sơn, những năm 90 toàn đi làm thuê cho Đồng Kỵ nhưng đến nay cũng đã xuất hiện những ông chủ nhỏ.
Làng Bát Tràng nay chỉ làm mỹ nghệ, còn đồ dân dụng đã chuyển giao sang cho làng Đa Tốn lân cận.
Nếu mỗi làng có một nghề khác nhau thì sẽ không phát huy hiệu quả và thiếu liên kết. Đây là quá trình giao lưu, lan tỏa cả về nghề và văn hóa. Không thể có chuyện mỗi làng tự chạy một nghề.
Chưa kể xu hướng hiện nay là sản xuất bao giờ cũng kết hợp với dịch vụ, làm hỗn hợp. Trang trại nông thôn không còn chỉ thuần nông mà làm hỗn hợp với tác dụng bổ sung và sử dụng hết công suất lao động.
-
Lê NhungÝ kiến của bạn: