- "Khi xây dựng Luật Công chứng, chúng tôi không hình dung ra các văn phòng công chứng (VPCC - công chứng tư) lại được người dân đón nhận nhiệt tình như thế này", Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất nói tại buổi khai trương VPCC thứ 2 của huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội sáng 8/9.
Ông Trần Thất cho biết trong những ngày tới, Bộ Tư pháp sẽ đi kiểm tra một số VPCC tại Hà Nội, sau đó sẽ làm việc với Sở Tư pháp để nắm được những khó khăn mà các VPCC gặp phải, nhằm giúp tháo gỡ.
"Cuối năm nay hoặc chậm nhất vào đầu năm 2009, sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công chứng Hà Nội, để tiến tới lập Hiệp hội trên phạm vi toàn quốc", ông Thất nói.
Sẽ tăng gấp đôi phí công chứng
Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất (thứ hai từ trái sang) cắt băng khai trương VPCC Thăng Long. Ảnh: VA
Đến thời điểm này tính riêng ở Hà Nội đã có 19 VPCC có quyết định được thành lập. Việc các VPCC nối tiếp nhau ra đời liệu có đẩy nhanh tiến độ "chỉ còn một loại hình công chứng tư" như chủ trương ban đầu không, thưa ông?
Chúng tôi đang tính đến chuyện đó, trước mắt ở các thành phố lớn sẽ sớm chuyển hết các phòng công chứng Nhà nước sang thành VPCC. Bước tiếp theo sẽ là sửa một số luật như Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự… rút hết thẩm quyền xác nhận giao dịch bất động sản của các xã, phường, thị trấn giao cho công chứng làm.
Thưa ông, hiện nay có tình trạng các VPCC thu lệ phí không cao, tuân theo quy định chung nhưng thu phí dịch vụ khá cao, như vậy có bình thường không?
Hiện nay, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang bàn và sẽ có thông tư hướng dẫn về mức phí công chứng, theo đó mức phí sẽ tăng gấp 2-2,5 lần so với hiện nay. Còn việc các VPCC thu phí dịch vụ cao, đó là thỏa thuận dân sự, nếu người dân thấy rằng mức phí ấy tương ứng với chất lượng dịch vụ mà họ được cung cấp thì họ chấp nhận. Không ai đánh giá tốt bằng người dân.
Thực ra, lâu nay người dân không phàn nàn về mức phí nhiều bằng phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Có người nói với tôi rằng, thà cứ như VPCC, họ đưa ra mức phí dịch vụ rõ ràng, chấp nhận được thì làm, không chấp nhận thì thôi. Như vậy dễ chịu hơn là phải "đi đêm" hoặc phải thông qua "cò" như trước đây.
Ngay cả khi làm Luật Công chứng, chúng tôi cũng không hình dung ra các VPCC lại được người dân đón nhận nhiệt tình như thế này.
Chưa được bảo hiểm, công chứng tư vẫn an toàn
Hiện các công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chứng viên (CCV) của các VPCC. Vì vậy, người dân lo ngại về tính an toàn của hoạt động này. Ý kiến của ông?
Việc đã mua bảo hiểm hay chưa không ảnh hưởng đến chế độ trách nhiệm của CCV khi chẳng may có rủi ro xảy ra.
Có 2 lý do. Thứ nhất, trách nhiệm của CCV phát sinh ngay từ khi chứng hợp đồng giao dịch, dù anh mua bảo hiểm hay không. Nếu đã mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra thì có bảo hiểm bồi thường đỡ, còn nếu không mua bảo hiểm thì CCV viên phải bỏ tiền túi mà đền.
Như vậy, lẽ thứ hai, bảo hiểm thực chất chỉ là phương thức đền bù chứ không có nghĩa rằng chỉ những người mua bảo hiểm mới có trách nhiệm đền bù, còn người chưa mua bảo hiểm thì không phải đền bù.
Nhưng liệu cá nhân CCV đứng ra bồi thường thì sẽ không khả thi trong trường hợp giá trị bồi thường quá lớn?
Hiện nay, theo quy định, có 3 lĩnh vực mua bảo hiểm bắt buộc: phương tiện giao thông, luật sư và công chứng. Ô tô, xe máy thì rõ rồi, còn luật sư thì theo tìm hiểu của chúng tôi mới có một số rất ít luật sư của TP Hồ Chí Minh mua bảo hiểm mà mức mua của họ cũng rất thấp. Và trên thực tế rủi ro của công việc này cũng rất ít.
Còn công chứng, tất nhiên luật pháp phải đặt ra cơ chế bảo đảm 100% trách nhiệm CCV nhưng trên thực tế kinh nghiệm 20 năm công chứng, trường hợp rủi ro trong chứng hợp đồng là không đáng kể. Bởi lẽ, CCV chỉ chịu trách nhiệm về 2 vấn đề, một là tính xác thực của hợp đồng giao dịch, hai là tính hợp pháp.
Về tính xác thực, trong Bộ Luật Dân sự đã quy định, các bên giao kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của giao dịch. CCV tất nhiên phải kiểm tra về tính xác thực trên giấy tờ, thậm chí là trên thực tế nhưng không phải là người chịu trách nhiệm tất cả.
Về tính hợp pháp thì các CCV đã là chuyên gia về hợp đồng giao dịch, họ đủ sức kiểm tra xem giao dịch đó có trái pháp luật hay không. Tất nhiên, tới đây chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để bàn về một số vướng mắc của VPCC, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV.
Tại Hà Nội có trường hợp phòng công chứng Nhà nước chứng chúc thư sai, khiếu nại lên khiếu nại xuống mười mấy năm nay có ai đền đâu. Nếu chuyện này xảy ra với VPCC thì ra tòa là xong. Đừng nghĩ rằng công chứng Nhà nước mới bảo đảm còn tư nhân, rủi ro ai đền.
Kiện Nhà nước khó hơn kiện tư nhân nhiều. Xét về góc độ này, công chứng tư vẫn đảm bảo hơn.
Thưa ông, tại TP Hồ Chí Minh, để khắc phục việc các CCV chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, các VPCC phải ký quỹ 100 triệu đồng để được cấp phép hoạt động, như vậy đúng hay sai?
Luật không quy định như vậy và như tôi phân tích ở trên thì cũng không nhất thiết phải làm như vậy.
-
Vân AnhÝ kiến của bạn: