- Sau một thời gian "thận trọng không cần thiết", sáng 28/8, Sở Tư pháp TP.HCM đã chính thức trao quyết định thành lập 8 văn phòng công chứng.
Ngày 28/8/2008, Sở Tư pháp TP.HCM đã trao quyết định thành lập cho 8 văn phòng công chứng (VPCC) gồm: Sài Gòn, Gia Định, Bến Thành, Trung tâm, Hội Nhập, Chợ Lớn, Nguyễn Thị Tạc, Tân Bình. 8 VPCC sẽ hoạt động tại các địa bàn quận 1, 3, 4, 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp.
Các VPCC tư có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính.
Ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nói: “Đây là bước đột phá mới trong ngành tư pháp thành phố. Chúng ta đề cao việc này, nhưng phải tiến hành từng bước thận trọng, cùng nhau xây dựng. Các VPCC phải phục vụ dân an toàn, trung thực khách quan để người dân mỗi khi cần công chứng thì đến cả công lẫn tư”.
"Quan điểm của Sở Tư pháp là không phân biệt phòng công chứng Nhà nước hay VPCC, mà tất cả đều có quyền và pháp lý như nhau. Sở sẽ tạo điều kiện cho các VPCC tham gia mạng thông tin dữ liệu ngăn chặn để tất cả 7 phòng công chứng hiện có cùng với 8 VPCC mới hoạt động tốt nhất", ông Chính nói.
Ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM trao quyết định thành lập cho 8 văn phòng công chứng. Ảnh T.Thuấn. |
Bà Nguyễn Thị Tạc, nguyên Trưởng phòng công chứng Nhà nước số 4 nay là Trưởng VPCC Nguyễn Thị Tạc cho rằng, người dân TP.HCM đã và đang trông chờ có văn phòng công chứng hoạt động. Bởi từ trước đến nay tại các phòng công chứng thường có tình trạng “quá tải”, khách hàng đến phòng công chứng thường phải chờ đợi lâu, phải xếp hàng, phải lấy số thứ tự… trong khi họ có nhu cầu phải được giải quyết nhanh, ít mất thời gian, điều đó đã tạo cho khách hàng một “ấn tượng” không tốt. Nay họ muốn có những nơi chia sẻ sự “quá tải” đó để họ đỡ mất thời gian hơn, họ được tiếp đãi ân cần hơn, do đó họ sẽ tìm đến văn phòng công chứng.
Theo đề án, các VPCC tại TP.HCM phải ký quỹ tại Ngân hàng Nhà nước trước khi đăng ký hoạt động. Số tiền ký quỹ sẽ được sử dụng bồi thường thiệt hại do lỗi công chứng viên tư gây ra, được dùng trong suốt thời gian hoạt động của VPCC. Việc ký quỹ này nhằm đảm bảo nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi công chứng viên tư, bảo vệ quyền lợi của người dân trong khi chờ các quy định cụ thể về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên tư. |
Điều thuận lợi hơn nữa là đa số người dân đã tìm hiểu Luật Công chứng, đã biết được văn bản công chứng của văn phòng công chứng và phòng công chứng có giá trị pháp lý ngang nhau. Mặt khác, tâm lý của khách hàng là cái gì “tư” sẽ dễ dàng hơn “công”, “tư” sẽ thoáng hơn “công”, nên họ sẽ đến với văn phòng công chứng.
Về việc thu lệ phí tại các VPCC, bà Tạc cho biết, hiện chưa có quy định thu phí riêng cho các VPCC. Do vậy VPCC cũng sẽ áp dụng mức thu phí như phòng công chứng. Tuy nhiên, Luật Công chứng có quy định VPCC được tính thù lao công chứng, chi phí khác. Trong khi chưa có quy định, VPCC sẽ có sự thỏa thuận với khách hàng về thù lao công chứng ngoài giờ, chi phí hướng dẫn, hồ sơ photo thêm văn bản, chứng từ mà khách hàng còn thiếu phải photo bổ sung nhưng yêu cầu văn phòng công chứng thực hiện giúp họ.
Về thù lao, chi phí khác phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng đối với công chứng viên, VPCC phục vụ nhu cầu của họ, do đó khó có thể quy định cụ thể. Tuy nhiên, mỗi VPCC phải công khai cho khách hàng định mức thù lao cho từng loại công việc.
-
Tấn Thuấn