- "Đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp QH không phải là cố gắng rút bớt thời gian mà là giảm bớt tính hình thức, ưu tiên chất lượng. Để đạt chất lượng, nếu cần vẫn phải tăng thêm thời gian", CN UB Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi góp ý cho Đề án cải tiến tổ chức và tiến hành kỳ họp.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Trần Đình Đàn, dù đã có nhiều cải tiến nhưng QH vẫn chưa khắc phục được bệnh hình thức. "Mà lý do là các vị ĐBQH chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm, nhiều quy trình chậm đổi mới, nhận thức về vai trò của QH cũng như hiệu lực các quyết định của QH còn chưa đầy đủ", ông Đàn nói.
Tiến tới ĐBQH sẽ được tập huấn sử dụng mạng Internet. Ảnh: TTXVN
Thay vì trước mỗi lần khai mạc QH lại một lần thảo luận đổi mới cách tổ chức, VPQH đã được giao chủ trì xây dựng một đề án cải tiến. Trong phiên thảo luận chiều nay (26/8), đa số ủy viên đều mong muốn thay đổi sẽ bắt đầu ngay từ kỳ họp thứ tư sắp tới.
Không tranh luận, không thể đi tận cùng vấn đề
Chủ tịch UB Dân tộc Ks’Phước nói, trước tiên phải thay đổi ngay cách thức chất vấn. "Nên nêu những vấn đề đang nổi cộm mà dư luận bức xúc hoặc Đảng và Nhà nước quan tâm để chất vấn. Những vấn đề lớn, Thủ tướng sẽ trả lời", ông K’so Phước nói.
Trước đó, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng đề đạt, sẽ không tiếp tục chất vấn từng cá nhân bộ trưởng như lâu nay.
Theo đề án mà Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn đưa ra thì sẽ: "Lựa chọn một số nhóm vấn đề để tập trung theo hướng đối thoại, tranh luận sâu, lựa chọn một số người đứng đầu các cơ quan liên quan nhiều nhất để trả lời. Những người có trách nhiệm liên quan đến vấn đề được QH quyết định đưa ra chất vấn đều có thể được yêu cầu trả lời trực tiếp ngay tại hội trường".
Theo ông Đàn, làm theo cách này sẽ có điều kiện để xem xét chuyên sâu các vấn đề, tập trung làm rõ những nội cộm. Đặc biệt, sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc nghiên cứu xử lý các vấn đề đưa ra.
CN UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thận trọng: "Cũng cần tính toán để vấn đề đưa ra không mang ý chí chủ quan theo một nhóm. Khi không khí tranh luận còn ít thì không thể đi đến tận cùng vấn đề".
Ông Đào Trọng Thi tán thành: "Nên tăng phần tranh luận mà giảm bớt tham luận để ra được những quyết định lớn".
Về điều này, ông Đàn giải thích, ĐB sẽ gửi chất vấn đền Chủ tịch QH ít nhất 7 ngày sau khai mạc. Đoàn thư ký sẽ tổng hợp các nhóm vấn đề báo cáo UB Thường vụ để chốt lại các vấn đề chất vấn cũng như dự kiến danh sách người trả lời. Tùy nội dung, QH sẽ ra Nghị quyết.
Trang bị máy tính xách tay cho ĐB
Làm thế nào để rút ngắn tối đa những yếu tố còn "hình thức" để kỳ họp đi vào thực chất cũng là vấn đề chưa được thống nhất. Nên tiến hành phiên trù bị trước hay ngay trong buổi khai mạc kỳ họp? Có nên gửi tài liệu điện tử qua mạng cho ĐB để tiết kiệm chi phí vì sắp tới sẽ trang bị máy tính xách tay cho ĐB. Thời gian phát biểu có nên rút từ 7 phút xuống còn 5 phút hay không?...
Ngoài ra, các ủy viên còn chưa ngã ngũ về việc không cần đọc tài liệu trước Hội trường, để dành thời gian thảo luận vì tài liệu đã được gửi cho ĐB tham khảo trước đó hay vẫn tiếp tục đọc cho ĐB tiện theo dõi vì đa số không có thời gian mà tài liệu lại nhiều.
"Hoặc nếu rút ngắn thời gian đọc báo cáo xuống còn 10 - 20 phút tùy từng nội dung cũng có thể rút gọn đi được 2,5 ngày so với 5 ngày hiện nay", ông Đàn cho biết.
Cũng theo Chủ nhiệm VPQH, nếu QH thống nhất sau thảo luận tổ chỉ chọn những vấn đề lớn chưa thống nhất ý kiến để đưa ra hội trường cũng sẽ "dôi dư" thêm 5 ngày nữa.
Cải tiến ngay từ kỳ họp thứ 4?
Khai mạc vào 20/10, kỳ họp thứ 4 dự kiến kéo dài trong 30 ngày. Sẽ có 18 dự án Luật được đưa ra thảo luận, cho ý kiến hoặc thông qua tại kỳ họp này. Ngoài ra, QH sẽ nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản dùng vốn nhà nước cũng như các báo cáo quan trọng khác về tình hình KTXH, ngân sách.
Theo ông Trần Đình Đàn, so với các kỳ họp trước, lần này QH sẽ nghe tổng hợp kiến nghị cử tri trước khi thảo luận KTXH, ngân sách thay vì đợi đến trước phiên chất vấn.
Ngoài ra, thay vì tiến hành chất vấn ngay sát phiên bế mạc như thường kỳ, chất vấn tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra trước bế mạc 10 ngày để có thời gian cho việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn nếu cần. Quốc hội sẽ vẫn dành nửa ngày (trong số 2,5 ngày) để Thủ tướng đăng đàn giải trình các nội dung quan trọng.
-
Lê Nhung