- Sáng 26/8, UB Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Vấn đề được bàn thảo nhiều nhất là đối với mặt hàng tăng thuế như bia, rượu, ô tô, xe máy, điều hòa nhiệt độ... cần tăng ở mức bao nhiêu là hợp lý và không gây biến động đối với thị trường trong điều kiện lạm phát hiện nay.
Nhiều điểm chưa hợp lý
Đa số các ý kiến đều cho rằng việc áp thế suất 50% đối với các loại bia là không hợp lý. Ảnh: N.Dung
Sau khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đọc tờ trình về dự thảo luật này,
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét ngay: "Một yêu cầu đặt ra đối với thuế tiêu thụ đặc biệt là mở rộng đối tượng chịu thuế, xóa bỏ miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới chỉ bổ sung du thuyền, tàu bay, xe mô tô 175 phân khối vào đối tượng chịu thuế; còn đối tượng không thuộc diện chịu thuế quá rộng so với luật hiện hành".
Theo phân tích của ông Hiển, dự thảo Luật vẫn tồn tại nhiều điểm "vênh", không bình đẳng giữa các mặt hàng. Cụ thể, theo quy định của Dự thảo luật, ô tô dưới 10 chỗ ngồi chủ yếu là phương tiện cá nhân phải chịu thuế suất khá cao (50%, 60%, 70%), trong khi đó thuế suất đối với tàu bay, du thuyền chỉ có 15% là không hợp lý. Ông kiến nghị Ban soạn thảo điều chỉnh tăng thuế suất đối với tàu bay, du thuyền lên 30%.
Về xe mô tô, theo ông Hiển, nên đưa loại 125 phân khối vào đối tượng chịu thuế nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân nhất là trong điều kiện giá cả xăng dầu như hiện nay.
"Hơn nữa, việc đưa loại xe này vào đối tượng chịu thuế không làm ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số nhân dân, vì đa số xe dùng phục vụ cho sản xuất, giao thông đều dưới 125 phân khối" - ông giải thích.
Mặt hàng đề xuất tăng thuế suất | Thuế suất cũ | Thuế suất điều chỉnh |
Xe từ 6-10 chỗ ngồi | 30% | 50%, 60%, 70% tùy theo dung tích xi lanh |
Kinh doanh vũ trường, mát-xa, karaoke | 30% | 40% |
Casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược | 25% | 30% |
Kinh doanh golf | 10% | 15% |
Đối với kinh doanh golf, ông Hiển cho hay: "Đây là loại hình thể thao phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao; làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, ảnh hưởng không tốt tới môi trường, nên đề nghị tăng mức thuế đối với kinh doanh sân golf ít nhất là 25% thay vì 15%".
Có nên tăng thuế ở mức cao như vậy?
Vấn đề được bàn thảo sôi nổi nhất là mức thuế suất áp dụng đối với bia, rượu, xe ô tô, mô tô, điều hòa nhiệt độ.
Đối với mặt hàng bia, đa số các ý kiến thảo luận cho rằng, mức thuế suất chung 50% áp dụng cho các loại bia hơi, bia chai, bia lon... là chưa hợp lý.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho hay: "Trong phần đánh thuế suất vào bia đưa ra 2 vấn đề mà tôi không biết phân biệt như thế nào. Rõ ràng dự thảo Luật đề xuất đánh một mức thuế suất không phân biệt các loại bia, nhưng đến khi tính thuế lại khác. Trước đây, thuế chỉ đánh vào nước bia, giờ thêm cả vỏ bia vào. Như vậy tức là vẫn có sự phân biệt và làm thay đổi hẳn thế suất".
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - đặt câu hỏi:"Trong khi Hiệp hội Bia Rượu đề xuất mức thuế là 40-45%, vì sao chúng ta không áp dụng mà cứ nhất thiết áp mức thuế 50%?".
Theo ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - "cần mạnh dạn đưa bia hơi vào diện nước giải khát có ga". VN áp mức thuế chung 50% để tuân theo cam kết quốc tế cần căn cứ theo tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của VN. Theo đó, nên chia làm 2 loại bia lon và bia chai mức thuế suất là 75%, bia hơi, bia tươi là 40-45%. Bia hơi chủ yếu phục vụ cho người lao động nên giờ tăng thành 1 loại là không hợp lý.
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: "Mức 50% không ảnh hưởng đến sản xuất. Trừ những đơn vị sản xuất bia cỏ, còn lại với mức tăng thuế hiện nay, các nhà máy bia vẫn có lãi".
Ông Tuấn chỉ rõ: "Một điều cần làm hiện nay là tạo các liên doanh liên kết giữa 120 đơn vị sản xuất bia để tận dụng cơ sở và lao động tại chỗ để phát triển thương hiệu bia lớn tại các cơ sở bia nhỏ. Ví dụ như bia Hà Nam trước đây sản xuất thua lỗ, nhưng khi kết hợp với bia Sài Gòn, tận dụng công nghệ thành bia Sài Gòn tại Hà Nam thì doanh thu lại tăng lên rất nhiều, sản lượng lên tới 20 triệu lít, đóng góp ngân sách trên 90 tỷ".
Đối với xe mô tô, ông Nguyễn Văn Thuận kiến nghị "cần phải tăng thuế suất cho những xe mô tô trên 175 phân phối. Xe 125 phân khối chủ yếu là xe sang như LX, SH, Vespa- những loại mà chúng ta cần phải điều tiết thu nhập, do đó, cần đánh thuế". Đối với ô tô, ông Thuận đề nghị mức thuế suất giảm 10%.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Cần có thời giuan để các doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất. Ảnh: N.Dung |
Về mặt hàng điều hòa, nhiều ý kiến khẳng định rằng đây là thiết bị gia dụng đã phổ biến, do đó, không nên áp thế suất.
Ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện nêu thực tế: "Có những vật dụng trong nhà như tivi tinh thể lỏng, màn hình phẳng cũng từ mấy chục đến 100 triệu còn không đánh thuế. Chúng ta cần cân nhắc bỏ điều hòa ra ngoài mặt hàng tính thuế".
Đối với mức thuế áp dụng cho máy bay và du thuyền, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc nên tăng hay giảm thuế suất. Nhiều ý kiến đề nghị nên tăng thuế với dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc sức khỏe theo cách của những nhà giàu.
Tăng thuế, cần tính tới dân nghèo và doanh nghiệp
Trong khi đó, ý kiến của ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm UB Kinh tế - nghiêng nhiều về việc cần tính tới quyền lợi của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông, việc điều chỉnh thuế phải đảm bảo môi trường đầu tư. "Một quan ngại của các nhà đầu tư là chúng ta thay đổi quá nhiều chính sách, với mật độ dày. Cách thức làm việc như vậy là không nên. Từ nay đến đầu năm 2009, doanh nghiệp của chúng ta rất khó khăn. Do đó, khi sửa đổi mức tăng, chúng ta đừng tăng đột biến quá để còn đảm bảo môi trường đầu tư và ổn định sản xuất" - ông cảnh báo.
"Nước ta có hơn 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu chúng ta không quan tâm tới mà có ý vội vàng về hội nhập, không có bước đi thích hợp thì hệ quả rất lớn" - ông Nguyễn Đức Kiên - Phó CT QH phát biểu bên lề cuộc họp.
Ông tiếp tục: "Phần lớn dự luật chỉ đề cập đến việc điều tiết những người thu nhập cao, không nghĩ đến những người có thu nhập trung bình đang vươn lên để được hưởng thụ những dịch vụ sinh hoạt tối ưu. Làm sao để thu nhập xã hội tăng lên, đời sống của người dân cũng được cải thiện".
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng tình với ý kiến này. Ông lưu ý: "Chính sách thuế từ khi quyết định đến khi có hiệu lực thi hành nên có đủ một khoảng thời gian cần thiết để các nhà đầu tư doanh nghiệp có thời gian sắp xếp lại sản xuất, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển hướng sản xuất như vậy mới không ảnh hưởng đến doanh nghiệp".
Đối với việc Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh mức thuế suất đối với ô tô trong phạm vi tăng giảm 20%, tất cả các ý kiến đều không đồng ý và đề nghị không giao việc này cho Chính phủ.
-
Nguyễn Dung